Di tích lịch sử quốc gia Nhà tù ở TP Quy Nhơn bị... lãng quên?

Hơn 22 năm kể từ ngày được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, Nhà tù số 9 Đào Duy Từ, TP Quy Nhơn (Bình Định) rất ít được quan tâm tu bổ và dần đi vào lãng quên. Nhiều hạng mục của di tích đang xuống cấp nghiêm trọng.

Di tích Nhà tù số 9 Đào Duy Từ đang bị xuống cấp

Theo một cán bộ của Bảo tàng Bình Định, sau khi được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, Nhà tù số 9 Đào Duy Từ đã được tu sửa, phục chế. Tuy nhiên, qua nhiều năm, đến nay hiện trạng di tích đang bị xuống cấp nặng. Các vách tường bị bong dộp từng mảng, thấm ướt mỗi khi có mưa; hệ thống đà gỗ, mái ngói bị mục, hư hỏng nghiêm trọng… gây ảnh hưởng đến công tác lưu trữ, bảo vệ các tài liệu, hiện vật đang trưng bày trong di tích.

Trước cổng di tích, nền bê tông bị bong tróc. Đáng nói hơn, trong một thời gian dài nơi đây không có người trông coi, và di tích được bảo vệ bằng một ổ khóa đơn giản với hai cánh cửa có nối thép gai dính liền. Riêng phần sơn của Nhà tù số 9 Đào Duy Từ đã bạc màu, nhiều lớp sơn đã bong tróc, rơi vãi… Một số hộ dân sống gần Nhà tù số 9 Đào Duy Từ cho hay, đã lâu lắm rồi không thấy một ai trông coi và mở cửa để người dân, du khách đến tham quan di tích. Một di tích quan trọng như thế cần phải được gìn giữ, chứ đừng để di tích bị bỏ rơi và lãng quên.

Được biết di tích Nhà tù số 9 Đào Duy Từ do Mỹ - Ngụy lập và sử dụng từ năm 1955 - 1962, làm khu vực giam tù nhân chính trị. Tuy thời gian hoạt động ngắn, nhưng nó mang nhiều đặc điểm khác so với các nơi như số lượng tù nhân rất đông. Tính đến tháng 4.1957 số tù nhân nơi đây lên đến 2.000 người. Đặc biệt, xà lim số 1 của Nhà tù chỉ rộng có 4,87m2, nhưng địch nhốt thường xuyên hơn 20 người. Có đợt cao điểm chúng tống giam vào đây cả nam lẫn nữ lên đến 37 người… Tại xà lim này, nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì đói, khát, và nhất là ngộp thở; những người còn sống sót thì bệnh tật, tàn phế suốt đời. Cũng tại di tích này, trước đây địch phân chia thành nhiều nơi giam giữ tù nhân. Nơi giam tù bị mua chuộc, tù quản thúc trong các xà lim thải ra chờ lưu đày hay chờ đưa đi giam giữ tại các nhà tù khác. Hiện nay, di tích vẫn còn nguyên, những dấu vết của các vách tường mỗi phòng bị đập phá vẫn còn dưới nền nhà cũ.

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định chia sẻ, theo hồ sơ di tích, trong hồi ức của tù chính trị từng bị giam giữ tại đây cùng nhiều nơi khác trong cả nước như: Chuồng Cọp, Hầm đá Côn Đảo, Điện khám Chí Hòa… thì xà lim số 1 ở Nhà tù số 9 Đào Duy Từ là một trong những nơi nhốt người hiểm độc nhất của chính quyền Ngụy ở Bình Định nói riêng và ở miền Nam nói chung. Để di tích Nhà tù số 9 Đào Duy Từ “sống lại” giữa lòng TP Quy Nhơn thì cần phải quan tâm tu bổ, tôn tạo và có những hình thức trưng bày trực quan sinh động. Nếu việc tu bổ, sửa chữa và nâng cấp di tích nhanh chóng được triển khai thì di tích Nhà tù số 9 Đào Duy Từ sẽ phát huy giá trị về mặt lịch sử, văn hóa cũng như thu hút khách du lịch. Nói rõ hơn, chúng ta giữ lại di tích sẽ là bằng chứng khẳng định tội ác dã man của kẻ thù, chứng minh hùng hồn tinh thần đấu tranh bất khuất của tập thể tù nhân. Và đây còn là nơi để cho các thế hệ hôm nay và mai sau đến tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ, những người đã xả thân trong nhà tù này vì độc lập dân tộc.

Trong khi đó, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết, mới đây các ngành chức năng của tỉnh đã họp và cho ý kiến sẽ khảo sát, kiểm tra và đánh giá lại thực trạng, nhằm sớm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương sửa chữa, nâng cấp lại di tích Nhà tù số 9 Đào Duy Từ là cần thiết. Bởi di tích đang bị xuống cấp khá nghiêm trọng.

PHAN HIẾU

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/33443/di-tich-lich-su-quoc-gia-nha-tu-o-tp-quy-nhon-bi-lang-quen