Di tích Lăng đá Quận công Phạm Mẫn Trực (Huyện Hoài Đức - Hà Nội) ngập nước: Chính quyền xã thiếu trách nhiệm?

Trong những ngày mưa lớn vừa qua, Lăng đá Quận công Phạm Mẫn Trực (xóm Chợ, xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội) – Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1964 bị ngập sâu trong nước và có nguy cơ xóa sổ vì xuống cấp.

 Tình trạng cứ mưa là ngập diễn ra nhiều năm ở di tích cấp quốc gia Lăng đá Quận công Phạm Mẫn Trực.

Tình trạng cứ mưa là ngập diễn ra nhiều năm ở di tích cấp quốc gia Lăng đá Quận công Phạm Mẫn Trực.

Dự án thoát nước xâm lấn di tích

Là người thường xuyên chăm coi Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Lăng đá Quận công Phạm Mẫn Trực (tại xóm Chợ, xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội), những ngày qua, ông Phạm Đình Hựu đau xót trước tình cảnh di tích bị ngập sâu trong nước. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Hựu cho biết: “Cứ mỗi lần có mưa lớn, khu vực Lăng mộ của cụ lại nửa chìm nửa nổi. Có thời điểm, nước ngập cao đến gần ban thờ. Tình trạng trên đã kéo dài từ lâu, nguyên nhân là do xã Lại Yên thi công dự án thoát nước xâm lấn vào khu vực bảo vệ 2 của di tích. Việc làm trên khiến phần lớn nước thải của xã đổ dồn hết vào di tích”.
Ngày 27/7, qua ghi nhận của phóng viên, một số điểm tại đây vẫn trong tình trạng di tích bị ngập úng, gần một nửa cổng vào của Lăng bị ngập, nước lên sát khu vực ban thờ, phần mộ đá ngập chìm hoàn toàn. Không chỉ ngập, cổng vào Lăng bị nứt, bia đá bị xiêu vẹo, các phiến đá ngày càng tách rời, người dân trong làng phải tự tạo khung sắt đỡ tạm để không bị sập.
Người dân xã Lại Yên đã tự nguyện quyên góp tiền sửa chữa (50.000 đồng/người) để cứu giúp sự xuống cấp của di tích nhưng vẫn khó chống đỡ. Dòng họ Phạm đã nhiều lần đề nghị chính quyền sửa chữa nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Ông Hựu cho rằng dù người dân cố gắng sửa chữa nhưng chính quyền địa phương (xã Lại Yên, Hoài Đức) lại tỏ ra “vô tâm”, thậm chí có những việc làm làm tổn hại đến di tích. Huyện Hoài Đức lập một dự án tiêu thoát nước cản thải qua trước Lăng Mộ của Quận công Phạm Mẫn Trực. Dòng họ Phạm đã có đơn “kêu cứu” lên Sở VH&TT Hà Nội. Sở VH&TT đã có ý kiến yêu cầu cho rằng việc xây dựng các công trình nhằm phát huy giá trị trong khu vực bảo vệ di tích. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên qua phản ánh của người dân, chính quyền xã Lại Yên vẫn cho xây dựng đường vi phạm vào chỉ giới khu vực bảo vệ II của di tích. Việc làm trên khiến khu di tích lịch sử “cứ mưa lại ngập”.
Trách nhiệm của địa phương?
Bằng chứng ông Phạm Đình Hựu đưa thêm cho chúng tôi chứng minh việc chính quyền địa phương “cố ý” làm trái quy định của pháp luật là sau khi thấy thực trạng thi công, tháng 12/2017, Sở VH&TT đã có công văn yêu cầu: “Đối với việc thi công dự án cống thoát nước: Tạm dừng thi công đoạn nằm trong chỉ giới khu vực bảo vệ II của di tích để hoàn thiện các thủ tục theo quy định của Luật Di sản văn hóa”.
Nhưng theo phản ánh của ông Hựu: "Ngày 14/4/2018 con đường đã được hoàn thiện khiến việc úng ngập nặng nề hơn, nước thải của toàn xã giờ đổ thẳng vào khu di tích". Ông Hựu cho biết: “Tôi đã gửi đơn ra Sở VH&TT Hà Nội, Sở cũng đã gửi công văn về cho huyện Hoài Đức, huyện gửi xuống xã và đã ngăn chặn được 2 năm nhưng họ vẫn cố tình làm". Bức xúc hơn về vấn đề này, ông Hựu đặt câu hỏi: “Tôi đã gặp trực tiếp Chủ tịch, Bí thư xã nhưng họ cho rằng việc làm của họ là đúng. Khi tôi gửi đơn lên, lãnh đạo UBND xã xin tôi rút lại đơn nhưng tôi hỏi lý do lại không cho biết!?”.
Lăng đá Quận công Phạm Mẫn Trực là một trong những di tích hiếm hoi được xây dựng hoàn toàn bằng đá, mang dáng dấp nghệ thuật điêu khắc đầu thế kỷ XVIII. Ông là quan võ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII), từng làm trong đội tượng binh và Tổng thái giám của triều đình vua Lê, chúa Trịnh. Sau khi mất, ông được chôn cất ở quê nhà. Lăng mộ của ông được xây vào năm 1713 gồm tường bao, cổng vào, nhà tiền tế (hiện không còn), khu bi đình (nhà đặt bia) và khu mộ với những bức phù điêu bằng đá, kèm theo đó là những bức tượng voi đá, chó đá có kiến trúc độc đáo.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/di-tich-lang-da-quan-cong-pham-man-truc-huyen-hoai-duc-ha-noi-ngap-nuoc-chinh-quyen-xa-thieu-trach-nhiem-321920.html