Di tích chùa Sắc tứ Tam Bảo Kiên Giang

Chùa Tam Bảo là một ngôi chùa cổ tại thành phố Rạch Giá tọa lạc tại số 3 Sư Thiện Ân, Vĩnh Bảo, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, được Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hóa vào ngày 23 tháng 3 năm 1988.

Di tích chùa Sắc tứ Tam Bảo Kiên Giang

Di tích chùa Sắc tứ Tam Bảo Kiên Giang

Chùa Tam Bảo lúc đầu được dựng bằng gỗ, lợp lá. Năm 1917, Hòa thượng Trí Thiền đã trùng kiến ngôi chùa. Ngôi chánh điện của chùa kiến trúc theo kiểu thượng lầu hạ hiên,ở mặt tiền bên trên hàng hiên là ngọn bảo tháp ba tầng tượng trưng Cửu phẩm Liên Hoa. Chánh điện có chiều ngang 14,50m, chiều dọc 22m. Năm bao lam ở các bàn thờ được chạm trỗ công phu, thếp vàng rực rỡ. Các tượng Phật Di Đà, Thích Ca và các vị Bồ Tát được bài trí trang nghiêm. Đông lang được dùng làm phòng khách và phòng làm việc của Hòa thượng trụ trì. Tây lang và giảng đường của chùa được dùng làm Tuệ Tĩnh đường – nơi chữa bệnh miễn phí cho đồng bào.

Di tích chùa Sắc tứ Tam Bảo Kiên Giang

Lịch sử phát triển của chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Rạch Giá gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp của hòa thượng Thích Trí Thiền, thế danh là Nguyễn Văn Đồng. Vì vậy chùa còn có tên gọi là chùa Ông Đồng.

Năm 1915 ông vận động phật tử đóng góp, xây dựng lại ngôi chùa và đổi tên là chùa Tam Bảo. Ông là người có công trùng tu lại ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Nhiều tượng Phật bằng gỗ quý được lưu giữ nguyên trạng đến ngày nay.

Năm 1936, Hòa thượng Trí Thiền cùng Sư Thiện Chiếu thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế, chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở và cũng là tòa soạn của tạp chí Tiến Hóa. Hội Phật Học Kiêm Tế chủ trương mở Cô nhi viện, lớp học bình dân, phòng thuốc miễn phí, cứu trợ nạn nhân thiên tai…. Hòa thượng Trí Thiền giữ chức Chánh tổng lý của Hội.

Từ năm 1940, Hòa thượng Trí Thiền, Sư Thiện Chiếu, Sư Thiện Ân biến chùa Tam Bảo thành địa điểm liên lạc và là nơi cất giấu vũ khí tự tạo cùng tài liệu, truyền đơn chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam kỳ. Tháng 6 năm 1941, do bị chỉ điểm, Pháp khám xét chùa, Hòa thượng Trí Thiền, Sư Thiện Ân bị Pháp bắt. Ra Tòa Đại hình, Hòa thượng Trí Thiền bị kết án 5 năm đày Côn Đảo, Sư Thiện Ân bị kết án tử hình. Tại Côn Đảo, năm 1943, Hòa thượng Trí Thiền tuyệt thực phản đối chế độ lao tù khắc nghiệt và mất trong ngục.

TTXTDL Kiên Giang

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/di-tich-chua-sac-tu-tam-bao-kien-giang-577070.html