Di tích bị phá: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trạm phát sóng Bạch Mai (Hà Nội) gắn với lịch sử nước nhà và có giá trị về kiến trúc, chưa kịp khoác chiếc áo 'Di tích lịch sử văn hóa' thì mới đây đã bị phá bỏ một phần.

Sự việc này khiến không ít người dân bức xúc, một lần nữa cho thấy tình trạng xâm hại, phá di tích vẫn là câu chuyện buồn chưa có hồi kết ở nước ta.

Theo tư liệu từ bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 của tác giả Nguyễn Văn Uẩn, Trạm phát sóng Bạch Mai thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10/1912 tại cụm công trình số 128C Đại La (Hà Nội). Tại đây, trưa ngày 7/9/1945 đã phát đi bản Tuyên ngôn độc lập ra cả nước và thế giới. Cũng ở nơi đây vào tối 19/12/1946, nữ phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam - Thanh Ngân - đã đọc bản tin được dùng làm hiệu lệnh Toàn quốc kháng chiến. Mặc dù đã trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, Trạm phát sóng Bạch Mai còn lưu giữ được nhiều nét đẹp của thời kỳ phát triển rực rỡ trong kiến trúc Pháp ở Việt Nam và như chứng nhân của lịch sử.

Một phần Trạm phát sóng Bạch Mai vừa bị phá.

Một phần Trạm phát sóng Bạch Mai vừa bị phá.

Tuy nhiên, khi Sở VH-TT Hà Nội đang phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam làm hồ sơ di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố đối với tòa nhà một tầng trong cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai, thì đơn vị quản lý công trình này (Công ty cổ phần Xây dựng thương mại dịch vụ văn hóa) đã đập bỏ một gian và dỡ gần hết phần mái ngói. Theo ông Đinh Đức Hiếu - Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đơn vị quản lý công trình đã tự ý phá dỡ và làm vào ngày nghỉ cuối tuần, không hề thông báo cho chính quyền địa phương biết. Ngay lập tức, cơ quan chức năng đã yêu cầu đơn vị quản lý công trình tạm dừng việc phá dỡ. Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu - bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam cho rằng, việc khôi phục hình dáng của tòa nhà vừa bị phá dỡ không khó nhưng vì giá trị nguyên gốc ở những vị trí bị phá dỡ đã không còn nên công trình cũng bị giảm giá trị tổng thể.

Nhiều ý kiến cho rằng, một phần của Trạm phát sóng Bạch Mai đã bị phá dỡ là hành động tùy tiện, coi thường pháp luật của đơn vị quản lý công trình này. Bởi ngoài giá trị lịch sử, Trạm phát sóng Bạch Mai còn có giá trị về mặt kiến trúc. Lúc đầu, công trình được xây dựng dưới hình thức nhà mái bằng, sau đó có sửa chữa lại thành mái dốc mang dáng dấp kiến trúc địa phương của Pháp, nó thể hiện cách người Pháp hướng về quê hương. Bên cạnh đó, tòa nhà có vì, kèo bằng thép và đinh tán khá giống với kỹ thuật ở cầu Long Biên. Và dầm đỡ phần trên cửa làm bằng sắt, có những chi tiết hoa bằng sắt gắn trên cửa rất độc đáo. Đây là những chi tiết rất hiếm có trong nhiều công trình kiến trúc cổ thời Pháp ở Hà Nội còn sót lại.

Không khó để nhận thấy, xâm hại di tích, di sản ở nước ta thời gian qua là thực trạng đáng báo động và đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài nguyên nhân khách quan bởi “tuổi tác” của di tích, thời tiết khí hậu tác động thì nguyên nhân do con người cũng chiếm tỉ lệ lớn. Dư luận từng dậy sóng bức xúc khi Quần thể di tích Cố đô Huế, lăng mộ của bà Trần Thị Nga - mẹ vua Dục Đức, bị kẻ gian đập phá, đào bới nghiêm trọng; mộ bà tài nhân họ Lê - phi tần của vua Tự Đức bị một công ty tự ý san phẳng để thực hiện dự án bãi đỗ xe. Bên cạnh đó, nhiều di tích, hiện vật khác thuộc quần thể Cố đô Huế như lăng Khải Định, Trường Quốc Tử Giám, bia Quốc học, Cửu vị thần công, Phu Văn Lâu, chùa Thiên Mụ... cũng bị tàn phá mà chủ yếu là do kẻ gian đào bới, đập phá, ý thức kém của người dân cũng như khách tham quan. Nhiều địa phương khác cũng từng xảy ra các vụ việc tương tự, dưới danh nghĩa “trùng tu” nhưng khi hành động lại theo cách phá hoại như sự việc tại chùa Trăm Gian, chùa Khúc Thủy (Hà Nội); chùa Bổ Đà (Bắc Giang)...

Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung 2009, nghiêm cấm các hành vi vi phạm di tích lịch sử văn hóa. Bảo vệ di sản văn hóa không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội để giữ gìn vốn tài sản quý giá đó cho con cháu đời sau. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian và của bom đạn trong chiến tranh, nhiều di tích lịch sử đã bị hủy hoại hoặc xuống cấp. Nay thêm yếu tố con người nên không khó để nhận thấy chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử.

Có thời điểm Bộ VH-TT&DL đã gửi văn bản gửi tới UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó, Bộ VH-TT&DL đề nghị tránh để xảy ra sai phạm sau đó mới xử lý nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, kể cả đối với những di tích chưa được xếp hạng. Thế nhưng, nhiều di tích khác ở nước ta nói chung và Trạm phát sóng Bạch Mai nói riêng gần đây vẫn là nạn nhân của tình trạng này. Vì thế, “trách nhiệm thuộc về ai?” là câu hỏi mà dư luận đặt ra và luôn đau đáu câu trả lời ở một ngày không xa!

Quỳnh Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/di-tich-bi-pha-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-n169090.html