Di tích 2 cổng gạch là cửa đặt pháo trấn giữ kinh thành Huế

Dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về chức năng 2 cổng gạch phát lộ trong quá trình di dân Thượng Thành. Tuy nhiên, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khẳng định đó là 2 pháo môn.

Phòng Nghiên cứu Khoa học - Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết 2 cổng vòm bằng gạch mới phát lộ trong quá trình di dời khu dân cư Thượng Thành là 2 pháo môn (cửa đặt pháo) sau khi khảo sát các tư liệu liên quan đến khu vực Đông Thành Thủy Quan.

 Di tích cổng vòm bằng gạch chính là pháo môn dưới thời Nguyễn. Ảnh: Điền Quang.

Di tích cổng vòm bằng gạch chính là pháo môn dưới thời Nguyễn. Ảnh: Điền Quang.

Theo tài liệu "Những đồn lũy của Kinh thành Huế" viết năm 1924 của Trung tá Ardant du Picq, các cửa pháo (pháo môn/ đại pháo xưởng môn) ở Đông Thành Thủy Quan gồm 15 chiếc. Trong đó có 13 pháo môn hình tròn ở trên thành cống (cống Lương Y ngày nay) và 2 pháo môn ở 2 bên mặt thành của Đông Thành Thủy Quan hiện nay.

Ngoài ra, trong bài "Kinh thành Huế, địa danh học" của Léopold Michel Cadìere (1933) kết hợp với ảnh bản đồ, Phòng nghiên cứu khoa học khẳng định đó là 2 pháo môn của Đông Thành Thủy Quan.

Đây là 2 pháo môn mà Cadìere gọi là Cửa Tả và Cửa Hữu của Đông Thành Thủy Quan, cùng 13 pháo môn trên cầu/cống Đông Thành Thủy Quan đã tạo thành 15 pháo môn làm lá chắn quân sự bảo vệ khu vực này.

Pháo môn vẫn còn nguyên vẹn sau khi di dời khu dân cư Thượng Thành. Ảnh: Điền Quang.

Trước đó, trong quá trình di dời dân cư khu vực Thượng Thành của kinh thành Huế, cơ quan chức năng đã phát hiện 2 cửa nhỏ gần cầu Lương Y - Đông Thành Thủy Quan (phường Thuận Lộc, TP Huế) có giá trị kiến trúc và quân sự dưới thời Nguyễn.

Cổng cao 108 cm, rộng 85 cm được xây dựng theo hình thức cổng vòm với 7 lớp gạch có giật cấp, phía dưới là những tảng đá xanh còn khá nguyên vẹn. Qua cổng ra ngoài thành là đường phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà và hào Hộ Thành.

Khu vực di tích cổng nhỏ phía nam cầu Lương Y là nơi có 2 hộ dân sinh sống (trước khi di dời). Khu vực cổng trở thành một bộ phận của nhà dân và chỉ được phát hiện khi giải phóng di dời nhà.

Đánh giá về việc phát hiện 2 công trình kiến trúc này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng việc phát hiện chi tiết phòng thủ liên quan đến Đông thành thủy quan có rất đặc biệt, bổ sung thêm thông tin liên quan có giá trị đối với kinh thành Huế.

Theo nhà nghiên cứu, ngoài yếu tố về mặt quân sự, 2 công trình cổng nhỏ được xây dựng có tính thẩm mỹ cao. Sau khi di dời dân khu vực Thượng Thành, đây có thể là điểm tham quan thú vị giúp du khách tìm hiểu về kiến trúc, lịch sử kinh thành Huế.

Địa điểm phát hiện di tích cổng gạch. Ảnh: Google Maps.

Điền Quang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/di-tich-2-cong-gach-la-cua-dat-phao-tran-giu-kinh-thanh-hue-post1103128.html