Đi theo 'vết xe đổ' Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp vô tình tiếp tay cho Nga 'thống trị' Libya?

Ngay cả khi Pháp không ủng hộ vai trò của Nga, những động thái gây chia rẽ châu Âu của nước này đã cho phép Moscow tự do hơn ở Libya và trở thành nhà môi giới quyền lực 'thống trị' cùng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Pháp vẫn giữ mối quan hệ với cả hai phe đối lập ở Libya, nhưng có sự ủng hộ rõ ràng với LNA.

Pháp vẫn giữ mối quan hệ với cả hai phe đối lập ở Libya, nhưng có sự ủng hộ rõ ràng với LNA.

Với thất bại của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, cùng với sự nổi lên của Thổ Nhĩ Kỳ khi hậu thuẫn Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA), cuộc xung đột Libya đã đảo chiều và mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, Pháp được cho là đang theo đuổi cách tiếp cận một chiều để loại bỏ các đối thủ và định vị mình là một nhà môi giới quyền lực thống trị ở Libya, theo Middle East Eye.

Hiện tại, Paris đang tìm cách làm suy yếu vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, bỏ qua nhu cầu cấp bách về sự hợp lực quốc tế để giải quyết xung đột Libya.

Tính toán của Paris

Trong hội nghị thượng đỉnh Paris nhằm đạt được một giải pháp chính trị vào năm 2018, đã có những lo ngại rằng Pháp muốn thay thế các nỗ lực của Liên Hợp Quốc và thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình hướng tới lợi ích của chính mình.

Khao khát của Pháp trong việc trở thành một cường quốc chính sách đối ngoại có ảnh hưởng đã được bàn luận từ lâu. Các nhà phân tích đã lập luận rằng một trong những động cơ của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy trong việc ủng hộ cuộc cách mạng năm 2011 chống lại chính quyền Muammar Gaddafi là khôi phục Pháp như một cường quốc quân sự thống trị ở châu Âu.

Sau khi Libya rơi vào tình trạng bất ổn, Pháp đã theo đuổi lợi ích kinh tế và an ninh bằng những tính toán riêng. Pháp bắt đầu bắt tay với tướng Haftar để bảo đảm lợi ích kinh tế của mình, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác dầu của tập đoàn Total.

Ngược lại, theo tờ Le Monde, Pháp đã cung cấp cho tướng Haftar các thiết bị quân sự và đào tạo huấn luyện. Ngay cả trong chiến dịch tấn công Tripoli của tướng Haftar khởi động vào tháng 4/2019, tên lửa của Pháp cũng xuất hiện trong lực lượng.

Đối thủ với Thổ Nhĩ Kỳ

Không giống như một số quốc gia khác ủng hộ tướng Haftar - bao gồm UAE và Ai Cập - Pháp vẫn duy trì quan hệ tốt với chính quyền GNA. Nhưng bất chấp sự mong chờ của Pháp, rõ ràng cuộc tấn công của tướng Haftar mà nước này ủng hộ sẽ không thành công.

Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ đầu năm nhằm củng cố chính quyền GNA đã làm sai lệch mọi suy tính của Paris đối với Libya.

Ankara và GNA cũng đã ký một thỏa thuận vào tháng 11 năm ngoái, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò bờ biển của Libya để lấy dầu, đe dọa lợi ích của Pháp ở Đông Địa Trung Hải.

Pháp bày tỏ sự thất vọng trước những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và căng thẳng giữa hai nước nổ ra. Hải quân Pháp đã bắt giữ một tàu Thổ Nhĩ Kỳ giao vũ khí cho GNA vào tháng 3, trong khi Đại sứ quán Pháp tại Hy Lạp gọi thỏa thuận GNA-Thổ Nhĩ Kỳ là bất hợp pháp.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm lu mờ Pháp trong vai trò thế lực thống trị ở Libya. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra nhiều lời chỉ trích đồng minh NATO. Ông Macron tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một “trò chơi nguy hiểm” và “bạo lực”.

Tiêu chuẩn kép

Cuộc tấn công căn cứ al-Watiya gần đây được thực hiện bởi chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất.

Càng nhiều thành công mà Ankara có được ở Libya, những tuyên bố của Pháp càng khắc nghiệt và nặng nề hơn. Nhưng trong khi Pháp đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc khi cung cấp cho GNA, thì nước này đã không đề cập đến sự hỗ trợ bất hợp pháp của UAE và Ai Cập cho cuộc tấn công của tướng Haftar, điều cho thấy Pháp đang thể hiện sự mâu thuẫn.

Ngoài ra, ông Macron cũng ủng hộ sáng kiến hòa bình của Ai Cập vào tháng trước, cho thấy Pháp đang đứng về phía Ai Cập chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất được cho là đã tấn công lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ không quân chiến lược al-Watiya gần Tripoli hồi đầu tháng này, một địa điểm mà GNA vừa chiếm lại hồi tháng 5. Điều này đã thúc đẩy suy đoán rằng Paris có thể đã chính thức tham chiến, nhưng một quan điểm khác lưu ý Pháp cũng đã bán những chiếc máy bay này cho Ai Cập.

Bất kể thế lực nào đứng sau hành động này, vụ việc đã phơi bày sự phân cực đang cản trở hòa bình ở Libya. Bằng cách đứng về phía các nước đã thúc đẩy chiến tranh ở Libya, Pháp bị chỉ trích là đang ưu tiên ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy hòa bình.

Với việc chiến dịch của tướng Haftar thất bại, Pháp giờ đây sẽ sẵn sàng cho một cách tiếp cận mới. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo vào ngày 1/7 rằng, Paris có thể hỗ trợ các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, vai trò của Pháp ở Libya không chỉ là ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, Pháp đã ngăn chặn sự lên án của EU đối với tướng Haftar, chống lại sự ủng hộ của Italy đối với GNA. Tất cả những điều này đã khiến EU trở thành một vai diễn bất lực ở Libya.

Pháp cũng đã kiềm chế chỉ trích vai trò của Nga, được cho là do Moscow cũng có sự ngầm ủng hộ với tướng Haftar và đối trọng với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cho thấy Paris đang tự mình làm suy yếu NATO, trong khi lại chỉ trích về Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này đã làm điều tương tự.

Ngay cả khi Pháp không ủng hộ vai trò của Nga, những động thái gây chia rẽ châu Âu của nước này đã cho phép Moscow tự do hơn ở Libya và trở thành nhà môi giới quyền lực thống trị cùng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/di-theo-vet-xe-do-tho-nhi-ky-phap-vo-tinh-tiep-tay-cho-nga-thong-tri-libya-a482415.html