Đi tắt đón đầu 'phát triển công nghiệp thông minh'

Ngày 4-5/12 tới đây, tại Hà Nội diễn ra một hội thảo, triển lãm lớn và có tên khá đặc biệt: 'Phát triển Công nghiệp thông minh 2017'. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và tiếp nối chủ đề cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 được hâm nóng suốt hơn một năm qua

“CMCN lần thứ 4 là xu thế công nghệ tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến để theo kịp các nước phát triển trên thế giới với các công nghệ thông minh như: trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tự động hóa, công nghệ in 3D và người máy…”, TS Nguyễn Đức Hiển, Ban Kinh tế Trung ương, phát biểu tại cuộc họp ngày 22/11.

TS Hiển cho biết, đây sẽ là sự kiện quy mô, có hệ thống để góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra đối với phát triển công nghiệp đất nước trong bối cảnh CMCN 4.0 đang có những diễn biến mau lẹ. Ban Kinh tế Trung ương kỳ vọng một loạt vấn đề sẽ được làm rõ sau hội thảo như kinh tế số hóa và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam; cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại; đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá...

CMCN 4.0 hiểu một cách đơn giản là việc xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số, tạo thuận lợi và thúc đẩy những giá trị, giải pháp phát triển mới.

Việt Nam đang ở đâu trong CMCN 4.0? Theo một đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện trạng triển khai CMCN 4.0 của ta đã tạo lập được nền tảng tương đối lạc quan thích ứng với làn sóng này. Việt Nam đang được coi là thị trường tiềm năng cho robot công nghiệp (xếp đứng thứ 10 trong bảng top thị trường tự động hóa công nghiệp)...Tuy nhiên, hiện nền công nghiệp 4.0 của Việt Nam có xuất phát điểm khiêm tốn, phát triển không đồng đều; trình độ công nghệ về cơ bản chưa bắt kịp được với các nước tiên tiến.

Thực tế chứng minh, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể bắt kịp và vượt các quốc gia phát triển trong CMCN 4.0. Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận và tham gia cuộc chơi công nghệ mới khi là thị trường trên 93 triệu dân, dân số trẻ, có trên 130 triệu thuê bao di động. Vùng phủ 4G lên đến 99% quận, huyện với gần 60 triệu kết nối di động băng thông rộng (3G, 4G) và 55% dân số đã thường xuyên kết nối Internet và còn tiếp tục tăng nhanh.

Việt Nam đang bắt đầu bước vào một giai đoạn phát triển và hội nhập mới. Trong giai đoạn 2016-2020, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại hóa đã được xác định là trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia. Đẩy mạnh công nghiệp 4.0 dựa trên số hóa và kết nối sẽ giúp Việt Nam phát triển đi tắt đón đầu trong tương lai.

Khánh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/di-tat-don-dau-phat-trien-cong-nghiep-thong-minh-1211113.tpo