Đi sớm, đón đầu

Hy vọng về sự ra đời của hàng loạt loại vaccine giúp dập tắt đại dịch Covid-19 đang lớn hơn bao giờ hết. Nhưng cũng từ đó, các quốc gia lại đứng trước câu hỏi mà có lẽ đã và đang gây ra sự tranh cãi gay gắt: Những liều vaccine Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho ai? Nói cách khác, những đối tượng nào sẽ được quyền ưu tiên tiếp cận một khi những loại vaccine ấy ra đời?

Sau khi Nga tuyên bố trở thành quốc gia đầu tiên phát triển thành công loại vaccine ngừa Covid-19 với tên gọi Sputnik V, tin vui trong cuộc chiến chống đại dịch tiếp tục xuất hiện khi Ủy ban châu Âu (EC) gần đây cho biết, hiện trên thế giới có tới hơn 165 loại vaccine phòng Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển, trong đó có 32 loại đang được thử nghiệm trên người. Giới khoa học châu Âu tiết lộ thêm rằng, đến nay đã có 7 loại vaccine đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3-giai đoạn cuối trước khi được thương mại hóa.

Như vậy có nghĩa là, “nút thắt chết người” mà virus SARS-CoV-2 tạo ra, vốn đang bóp nghẹt sự sống ở nhiều vùng đất trên khắp toàn cầu, sắp được hóa giải. Khả năng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 được ra mắt. Và ngay từ bây giờ, có vẻ như một số quốc gia đã bắt đầu lên danh sách những người đầu tiên được tiếp cận với các loại vaccine này, dù rằng đây không phải là công việc dễ dàng.

Theo quan điểm của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, ban đầu, nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 có thể bị hạn chế và do đó, điều quan trọng là cung cấp vaccine cho những người có nguy cơ nhất trên toàn cầu. Trong khi đó, Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế quốc gia (Mỹ) lại đưa ra nhận định rất thực tế: “Sẽ có nhiều người cảm thấy rằng, họ nên được đứng trong danh sách ưu tiên".

Đến nay, dường như mỗi quốc gia đều gấp rút bàn thảo về việc phân phối những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên ngay khi chúng ra đời. Theo AP, chẳng hạn như tại Mỹ, theo truyền thống thì đối tượng ưu tiên khi vaccine còn khan hiếm là nhân viên y tế và những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Tuy nhiên, Tiến sĩ Francis Collins cho rằng, cần xem xét yếu tố địa lý và ưu tiên cho những người ở nơi dịch bệnh bùng phát mạnh nhất. Đó là chưa kể tới các tình nguyện viên tham gia vào công đoạn cuối cùng của quá trình thử nghiệm vaccine cũng đáng nhận được ưu tiên đặc biệt.

Để có thể đưa ra quyết định hợp lý nhất về việc phân phối vaccine ngừa Covid-19, Chính phủ Mỹ thậm chí đã nhờ tới sự giúp đỡ của các nhà tư vấn thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Theo gợi ý của CDC, khi có vaccine, cần phải tiêm phòng cho các nhân viên an ninh quốc gia và những người lao động thiết yếu khác, sau đó mới đến khoảng 110 triệu người có nguy cơ cao mắc Covid-19. Toàn bộ dân số còn lại của nước Mỹ sẽ là nhóm cuối cùng được tiêm chủng.

Hay như tại Nhật Bản, mới đây, nước này cho biết, nếu có vaccine ngừa Covid-19 sẽ ưu tiên cung cấp cho các nhân viên y tế, người cao tuổi và người có bệnh nền. Đây được coi là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc dễ rơi vào tình trạng nguy kịch nếu nhiễm virus. Tiếp đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét khả năng ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên cấp cứu, nhân viên thuộc các trung tâm y tế công cộng hoặc các điều dưỡng viên, chuyên chăm sóc người cao tuổi và phụ nữ có thai.

Với Nga-quốc gia đầu tiên tuyên bố sở hữu vaccine ngừa Covid-19, kế hoạch phân phối vaccine cũng đã được xác định khá rõ. Theo ông Rinat Maksyutov, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vector của Nga, sau quá trình sản xuất vaccine hàng loạt, bắt đầu từ cuối năm nay, nước này sẽ chuyển từ tiêm chủng cho các nhóm gặp nguy cơ cao sang tiêm chủng đại trà cho toàn dân.

Khi mà vaccine ngừa Covid-19 đang là thứ mà ai ai cũng cần, lên kế hoạch tiêm chủng cho từng nhóm đối tượng cụ thể là việc quan trọng, cần đi sớm, đón đầu. Bởi phân phối vaccine thiếu hợp lý và không công bằng rất có thể sẽ gây ra những hệ lụy nguy hiểm về mặt xã hội, trong đó có sự bất bình, phản đối từ công chúng.

CHÂU ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/di-som-don-dau-633453