Di sản xứ Thanh qua góc nhìn của các nghệ sĩ nhiếp ảnh

Thanh Hóa có hơn 1.500 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có hơn 800 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.

Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân). Ảnh: Trần Đàm

Bên cạnh sự phong phú, đa dạng, mỗi di sản văn hóa là một “báu vật” tiêu biểu, đặc sắc mà ở đó có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương, phản ánh đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ. Thanh Hóa hội tụ và tồn tại đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, các điều kiện tự nhiên để trở thành một vùng miền di sản đặc sắc. Đây là nguồn lực, nguồn tài nguyên đặc biệt có giá trị để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ trực tiếp cho phát triển du lịch; đồng thời cũng là chất liệu dồi dào, phong phú để các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) cho ra đời những tác phẩm hay, có giá trị.

Thời gian qua, các NSNA xứ Thanh đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, phát hiện đề tài, đi khắp các vùng miền trong và ngoài tỉnh, để có nhiều tác phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của công chúng. Hoạt động nhiếp ảnh Thanh Hóa đã có những kết quả thực sự khởi sắc, đóng góp tích cực vào sự thành công của các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Thanh Hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Tác phẩm “Di tích đền thờ Lê Hoàn” của NSNA Trần Đàm đã khắc họa được nét cổ kính, giá trị lịch sử, văn hóa cùng với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo của một di tích quốc gia đặc biệt. Tác phẩm “Thành Nhà Hồ” của NSNA Hiệp Sơn đã lột tả được vẻ đẹp có “một không hai” của di sản văn hóa thế giới – một công trình độc nhất vô nhị, với lối kiến trúc bằng đá được xây dựng trong thời gian ngắn và còn tương đối nguyên vẹn. Tác phẩm “Đền Bà Triệu” của NSNA Cao Đại tái hiện lễ hội đền Bà Triệu trong không gian tôn nghiêm và linh thiêng của Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu. Tác phẩm “Lễ hội Lam Kinh” của NSNA Lê Bá Dũng với đoàn rước cồng chiêng của các dân tộc thiểu số xứ Thanh đang tiến vào khu chính điện Lam Kinh, đã tạo nên nét đẹp thành kính của các thế hệ con cháu khi về với tổ tiên. Tác phẩm “Dấu tích động Hồ Công” của tác giả Đỗ Xuân Tứ cho người xem khám phá và trải nghiệm không gian hang động – nơi ghi lại dấu ấn, vẻ đẹp kỳ thú của vùng đất xứ Thanh “Thanh kỳ khả ái” (xứ Thanh kỳ lạ đáng yêu). Tác phẩm “Thác Mây vào hè” của NSNA Lê Công Bình mang đến cho người xem cái nhìn toàn cảnh về một điểm du lịch hấp dẫn, tuyệt đẹp của miền Tây xứ Thanh, với góc ảnh mới lạ từ trên cao nhìn xuống...

Mỗi bức ảnh mang một sắc thái vùng miền gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đi sâu vào mỗi bức ảnh, tác giả thể hiện được niềm tự hào về di sản của quê hương, giá trị của sự giao thoa các nền văn hóa, sự trăn trở nghề nghiệp... để có nhiều những tác phẩm giá trị về nghệ thuật, có ý nghĩa sâu sắc về nội dung. Nhất là làm thế nào để ảnh nghệ thuật mang tầm vóc và trầm tích của mỗi vùng miền nơi có di sản, mà ghi lại, lan tỏa đến mọi người dân. Với các NSNA chuyên và không chuyên, họ luôn ý thức rằng, sáng tạo nghệ thuật là nhằm giới thiệu, quảng bá về đất và người xứ Thanh, hay đánh thức ý thức trong công chúng về cái đẹp, để bảo vệ cái đẹp. Từ đó, góp phần vào sự đổi mới của quê hương, đất nước trong công cuộc dựng xây và phát triển đất nước hiện nay.

NSNA Trần Đàm đã có những đóng góp từ thực tiễn của người trong nghề, bày tỏ: Chưa bao giờ ảnh nghệ thuật được thăng hoa với niềm tự hào lớn như vậy. Sự hội tụ của nhiếp ảnh, với những tác phẩm độc đáo về di sản của mỗi vùng miền làm cho vườn hoa ảnh nghệ thuật trăm hồng, ngàn tía, nở rộ trên đất xứ Thanh. Nơi nào có cuộc sống con người, thiên nhiên phong phú đa dạng, tươi đẹp thì nơi đó có những tác phẩm ấn tượng ra đời. Mỗi tác giả, mỗi bức ảnh được nói lên tiếng nói của mình, của nơi mình sống, tôn trọng cảm hứng sáng tạo của mỗi nghệ sĩ, để giá trị nghệ thuật của tác phẩm từ khoảnh khắc trở thành vĩnh cửu, lay động con tim, khối óc của công chúng.

NSNA Đỗ Xuân Tứ, Trưởng Ban Nhiếp ảnh – Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, thì cho rằng: Các NSNA đã mang theo những nét riêng văn hóa đặc sắc, nhân lên cùng niềm tự hào về vùng đất, con người của các vùng miền, giao thoa cùng sắc thái quyến rũ của văn hóa xứ Thanh mà đóng góp, làm nên tầm vóc văn hóa Việt Nam. Họ cũng đã phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, cách mạng, tích cực kế thừa, vun đắp, bồi tụ kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc quê hương Thanh Hóa.

Với đội ngũ văn nghệ sĩ, NSNA, họ đã kiên trì thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tâm huyết sáng tạo được nhiều tác phẩm giàu giá trị tư tưởng, giá trị giáo dục, nhân văn và khẳng định chất lượng nghệ thuật mang bản sắc văn hóa của quê hương, góp phần làm phong phú thêm dòng chảy của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Từ đó, đã có nhiều tác phẩm có giá trị được ra đời, đạt giải cao tại các cuộc thi của Trung ương và khu vực; nhiều tập thể và cá nhân NSNA được tôn vinh các danh hiệu, tước hiệu cao quý. Những thành tích đạt được của các NSNA hôm nay là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là động lực tinh thần to lớn cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào thành tựu quan trọng và toàn diện trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Song, thực tế cũng cho thấy, các sáng tác về di sản của Thanh Hóa hiện nay cũng đang gặp một số khó khăn nhất định, như: Nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu; công tác trùng tu, tu bổ mặc dù được quan tâm nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp dẫn đến các di tích không được tu bổ kịp thời; nhiều di tích đã trở thành phế tích chỉ còn lưu truyền trong sử sách; nhiều di tích mới được trùng tu mang vẻ hiện đại nhiều hơn là vẻ cổ kính xưa. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất liệu sáng tác của các NSNA. Bên cạnh đó, các sáng tác của các NSNA về danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử, lễ hội... của xứ Thanh chưa nhiều, chưa có nhiều góc độ tiếp cận mới, chưa khai thác tương xứng với tiềm năng vốn phong phú và đậm đà bản sắc của địa phương.

Để các di sản xứ Thanh không bị lãng quên và ngày càng có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh ra đời, thiết nghĩ các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa tới việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bản thân mỗi NSNA cũng cần trau dồi chuyên môn nghề nghiệp, tìm tòi nhiều góc độ, phản ánh đa dạng các loại hình di tích và các giá trị của di tích. Các địa phương có di sản thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm ảnh, triển lãm cá nhân hoặc nhóm, xuất bản sách ảnh, lý luận nhiếp ảnh... nhằm quảng bá hình ảnh di sản cùng giá trị của các di sản ấy, đồng thời lưu giữ cho các thế hệ sau. Hiện nay, nhiều di sản của xứ Thanh đã và đang tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cấp quốc gia. Với sự quảng bá của các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có nhiếp ảnh, mong muốn rằng các di sản văn hóa xứ Thanh sẽ được công nhận ở nhiều cấp độ cao hơn. Đó cũng chính là sứ mệnh của mỗi NSNA hôm nay, là làm cho giá trị của các di sản ấy được tỏa sáng, lan truyền và sống mãi.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/di-san-xu-thanh-qua-goc-nhin-cua-cac-nghe-si-nhiep-anh/111102.htm