'Di sản văn hóa là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững'

VH- Sáng 27.7, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững. Tới dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Michael Croft và đại diện lãnh đạo các địa phương sở hữu các di sản thế giới…

Toàn cảnh Hội nghị

Mở đầu Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Kho tàng di sản văn hóa đồ sộ đó không chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng mà còn đem lại những giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Không thể phủ nhận, những năm qua, di sản văn hóa ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan, ban ngành và cộng đồng xã hội trên cả nước. Công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản bao gồm tất cả các lĩnh vực như: di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; bảo tàng; di sản văn hóa phi vật thể... ít nhiều đã có những thành tích đáng ghi nhận. Trong đó trước hết phải ghi nhận công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản ngày càng được hoàn thiện với một Luật, một Luật sửa đổi, bổ sung, 8 Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, 16 Thông tư và bốn Quyết định ban hành Quy chế, Quy định, Định mức điều chỉnh các hoạt động liên quan về di sản văn hóa. Đó là kim chỉ nam quan trọng mang tính chính thể trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị

Trong những năm qua, công tác lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực cả ở trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết: “Trên cả nước, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xếp hạng gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng 3.463 di tích quốc gia; và Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 95 di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật di sản văn hóa. Trong số đó, chúng ta đã lựa chọn các di tích tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học, trình và đã được UNESCO ghi danh 8 di sản vào Danh mục Di sản Thế giới theo Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới”

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên báo cáo về công tác bảo vệ di sản tại Hội nghị

Nhiều di sản văn hóa ở Việt Nam bên cạnh việc bảo vệ, giữ gìn di sản quý giá của cha ông để lại còn đã và đang trở thành nguồn lực thực sự cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đơn cử như Khu phố cổ Hội An, di sản đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa thế giới đã cỏ những thay đổi tích cực từ đô thị đến nông thôn từ năm 1999 đến nay. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An phát biểu tại Hội nghị: “Di sản Văn hóa Hội An(bao gồm cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể) đã trở thành “thương hiệu du lịch ” điểm đến khá hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước và thật sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực vào sự phát triển ngành kinh tế du lịch - dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân - chủ di tích, đồng thời tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích. Nhờ vậy, Hội An đã bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa của tổ tiên, Di sản văn hóa đã trở thành nền tảng, động lực, hành trang để Hội An vững bước đi lên xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.”

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Di sản không chỉ chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao mà còn là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”. Trên quan điểm đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ba điểm chính. Đó là là việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trước hết có giá trị to lớn trong giáo dụ, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đề cao tinh thần yêu nước, yêu thiên nhiên và qua đó góp phần hình thành nhân cách con người, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh. Hai là hệ thống di sản mang trong mình những dữ liệu thông tin cho thấy lịch sử phát triển của dân tộc, có giá trị lớn trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự trường tồn của dân tộc. Ba là, bản than hệ thống di sản là nguồn tài sản vô cùng quý giá của quố gia và thực sự là nguồn nội sinh quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước.

Các nghệ nhân biểu diễn tại Hội nghị

Ghi nhận những kết quả mà ngành văn hóa đạt được mà nổi bật là 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 12 Di sản văn hóa phi vật thể và 7 di sản Tư liệu đã được UNESCO ghi danh, Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ sự vui mừng về số lượng khách tới tham quan các khu di sản tăng mạnh trong những năm gần đây, nhiều khu di sản đem lại nguồn thu lớn cho các địa phương sở hữu di sản… Nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, từng bước khắc phụ các hạn chế trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng yếu: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính về di sản, trong đó tập trung nghiên cứu đánh giá những vấn đề đặt ra sau hơn 10 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa; Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và đảm bảo an toàn cho các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới và các Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; Xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường. Đổi mới và đa dạng hóa hoạt động tại các di tích hướng tới mục tiêu để di sản của đất nước trở thành động lực, nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước…

Phúc Nghệ; ảnh: Trần Huấn

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/di-s%E1%BA%A3n-v%C4%83n-h243a-l224-ngu%E1%BB%93n-l%E1%BB%B1c-quan-tr%E1%BB%8Dng-cho-ph225t-tri%E1%BB%83n-kinh-t%E1%BA%BF-x227-h%E1%BB%99i-b%E1%BB%81n-v%E1%BB%AFng