Di sản và kinh tế

'Để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc dân tộc. Vì thế, tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất cứ lý do gì để phục vụ phát triển'.

Đó là lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội ngày 27/7 vừa qua.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Lời khẳng định đó, cùng với lời khẳng định cách đây chưa lâu của Thủ tướng, không đánh đổi môi trường lấy phát triển, đã thể hiện rất rõ ràng quan điểm, đường lối, chính sách về xây dựng, phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta. Di sản là kết tinh của văn hóa, do con người và thiên nhiên tạo ra, mà văn hóa lại chính là bản sắc, là hồn cốt của dân tộc.

Nước ta có một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, cả di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể, đúng như lời của một vị hoàng thân của các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã nói với Thủ tướng trong một lần tiếp kiến năm 2017, rằng “chúng tôi ghen tỵ vì Việt Nam may mắn có quá nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa, vật thể và phi vật thể”. Hệ thống di sản của chúng ta trải dài suốt từ Bắc đến Nam.

Hàng chục di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể, đã được UNESCO công nhận, trở thành tài sản của thế giới. Con người có thể xây dựng nên rất nhiều công trình mới, nhưng không thể tạo ra di sản, vì di sản là quá khứ, là lịch sử. Đó chính là những báu vật, cần được đặc biệt bảo vệ, giữ gìn. Tuy luật di sản đã được ban hành, nhưng trong thời gian qua, hệ thống di sản của chúng ta đã không được bảo vệ một cách nghiêm ngặt theo đúng quy định của luật, khiến nhiều di sản đã xuống cấp hoặc trở thành hoang phế. Không những thế, việc xâm hại di sản còn liên tục diễn ra. Không mấy tháng mà báo chí không lên tiếng vì việc xâm hại di sản, mà vụ xâm hại điển hình nhất, mới xẩy ra gần đây, là việc xây dựng không phép một công trình ngay trong vùng lõi khu di sản thiên nhiên Tràng An của một doanh nghiệp tư nhân.

Di sản là kết tinh của văn hóa, mà văn hóa lại chính là bản sắc, là hốn cốt của dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam đã được hình thành và phát triển cả ngàn năm nay, bền vững đến mức qua cả thiên niên kỷ đô hộ, mà giặc phương Bắc vẫn không sao đồng hóa nổi. Trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển nền văn hóa đó. Xâm hại, phá hủy hay đánh mất di sản, thì quốc gia, dân tộc chỉ còn lại là một quốc gia, một dân tộc vô hồn. Vấn đề là phải khai thác, phát huy và quảng bá những giá trị của di sản đó ra khắp năm châu như thế nào, để góp phần phát triển kinh tế. Đó mới chính là sự phát triển bền vững. Bởi, nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi, thì “càng dân tộc bao nhiêu, lại càng hiện đại bấy nhiêu”.

VŨ HỮU SỰ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/di-san-va-kinh-te-post223601.html