Nghệ An tổ chức trang trọng Lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 51

Ngày 8/9 (tức ngày 21/7 âm lịch), UBND tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và con cháu hai dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân đã tổ chức trang trọng Lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 51 tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Tham dự lễ giỗ có đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An; các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị trong tỉnh Nghệ An; huyện Nam Đàn, xã Kim Liên, dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân, cùng hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh.

Tại Lễ giỗ, các đại biểu và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã thành kính dâng hoa, dâng hương lên bàn thờ Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao vĩ đại của vị Cha già dân tộc; nguyện sẽ tiếp tục đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, đoàn kết, phấn đấu xây dựng đất nước, quê hương.

Trước đó, Ban Tổ chức đã thực hiện các nghi lễ truyền thống như: Lễ khai quang, Lễ yết cáo, Lễ đại tế và Lễ tạ; tổ chức dâng hoa, dâng hương ở khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Bác Hồ) tại dãy núi Đại Huệ và Đền Chung Sơn – Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Nghệ An, phong tục làm giỗ Bác đã trở thành nét văn hóa, truyền thống từ nhiều năm nay. Trong nhiều gia đình, ảnh Bác được đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên để thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn Bác. Mâm cỗ trong ngày giỗ Bác là mâm xôi được nấu từ những hạt nếp quê hương, những bông hoa sen thân thuộc, quả ngọt trong vườn, nhưng chất chứa trong đó là tình cảm, tấm lòng của người dân với Bác Hồ kính yêu.

Ông Nguyễn Sinh Lạc, xóm Sen 2, huyện Nam Đàn chia sẻ: Đã thành thông lệ, từ chiều 20/7 âm lịch, tôi lại tự tay chọn hái những trái cây trong vườn, xuống đầm chọn những bông sen đẹp nhất để dâng lên bàn thờ Bác. Ngày 21/7 âm lịch, gia đình làm mâm cỗ tươm tất để làm lễ giỗ Bác. Đối với người dân xã Kim Liên nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung, ngày giỗ Bác đã trở thành một phần trong đời sống tâm linh của mỗi gia đình.

Các đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng chung sự xúc động, ông Nguyễn Sinh Chung, xóm Sen 2, xã Kim Liên cho biết, tại xã Kim Liên gia đình nào cũng có bàn thờ Bác Hồ để tưởng nhớ công ơn Người. Không chỉ ngày giỗ Bác mà vào các ngày lễ, Tết, rằm, mùng một, gia đình đều thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ. Ngày giỗ Bác cũng là dịp để con cháu trong gia đình đoàn tụ, thắp nén hương thơm lên bàn thờ, tưởng nhớ tới công lao của Người đối với đất nước, dân tộc.

Để Lễ giỗ của Bác diễn ra trang trọng theo đúng phong tục địa phương, trước ngày giỗ Bác, con cháu dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân lại sửa sang, quét dọn nhà thờ dòng tộc chuẩn bị làm lễ, đón khách gần xa.

Phó Giám đốc Khu di tích Kim Liên Nguyễn Văn Chung cho biết, hàng năm cứ đến dịp giỗ Bác, người dân địa phương lại dâng cỗ lễ lên bàn thờ Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là những đặc sản của quê hương những bông hoa sen, trái ngọt được hái trong vườn.

Dịp giỗ Bác năm nay, Khu di tích tập trung làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tôn tạo các di tích Hoàng Trù, làng Sen, mộ bà Hoàng Thị Loan; đảm bảo công tác an ninh trật tự tại các điểm di tích; tổ chức các nghi lễ trang nghiêm, chu đáo theo phong tục địa phương, thực hiện các quy định về phòng chống dịch COVID-19 để đồng bào, đồng chí và du khách về dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Bác./.

Theo Tá Chuyên/ TTXVN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nghe-an-to-chuc-trang-trong-le-gio-chu-tich-ho-chi-minh-lan-thu-51-777401.vov