Đi 'săn' một tờ A4

Trao đổi với Đại Đoàn kết lý do vì sao lại 'đẻ' ra các văn bằng, chứng chỉ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng: Ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng các nghiệp vụ khác rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trong thời kỳ công nghiệp 4.0 này.

Tuy nhiên, điều đáng nói là việc học tập, bồi dưỡng này có thực chất hay không, có tác dụng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hay không, mới là vấn đề quan trọng. Bài viết này chỉ giới hạn ở chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Còn với nhiều chứng chỉ khác sẽ bàn tiếp ở những lần sau.

Tranh minh họa.

Tranh minh họa.

Không bồi dưỡng khó nâng cao chất lượng cán bộ?

Vì sao phải có nhiều văn bằng, chứng chỉ như vậy, theo Bộ Nội vụ, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng nghiệp vụ được quy định trong tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn bổ nhiệm từ những năm 1990 (ví dụ như tại Quyết định số 414/TCCP-VC ngày 29/5/1993 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính) chứ không phải mới đặt ra sau này. Trong các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức danh lãnh đạo quản lý hiện nay đều có các quy định về ngoại ngữ và tin học.

Bộ Nội vụ lý giải khi xây dựng các tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, Bộ Nội vụ đều chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể để đáp ứng được yêu cầu của từng vị trí việc làm đối với từng chuyên ngành do các bộ quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực quy định để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 26 của Trung ương về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nói, ngoại ngữ, tin học rất cần với CBCCVC trong giai đoạn hội nhập. Bồi dưỡng nghiệp vụ cũng tương tự. Nếu anh là giáo viên, đứng lớp thì phải có nghiệp vụ sư phạm, làm báo thì phải có nghiệp vụ báo chí. Việc bồi dưỡng những kiến thức này chỉ mang tính cập nhật chứ không phải lặp lại những điều người học đã biết và chính người học cũng thực sự có nhu cầu học để nâng cao trình độ thì việc bồi dưỡng mới có tác dụng.

Có thực chất?

Đồng ý phải có một quy định cụ thể để yêu cầu CBCCVC cần phải trau dồi nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu công việc hàng ngày. Nhưng vấn đề ở chỗ hãy thử xem thực chất của những văn bằng, chứng chỉ này được thực hiện ra sao?

Chị PTP - giáo viên ngữ văn THCS tại Hà Nội cho biết, để đáp ứng những yêu cầu về chuẩn hóa, chị đã dành ra gần 2 tháng lương của mình để “thi” cho được 2 cái chứng chỉ tiếng Anh, tin học để chuẩn hóa hồ sơ vào viên chức cuối năm ngoái. Tuy nhiên, người giáo viên này cũng thành thật mà nói rằng, chứng chỉ chị có thể có để vượt qua vòng sơ tuyển chứ nếu phỏng vấn trực tiếp các kĩ năng này chắc chắn chị sẽ trượt.

Hàng chục ngàn giáo viên trên cả nước đang ở trong tình cảnh như chị P vẫn nộp đủ chứng chỉ, nhưng công khai nói rằng chứng chỉ đó là vô nghĩa.

“Học một buổi chiều em ạ. Họ bao đỗ. Hóa đơn họ đưa cho chị là một triệu rưỡi, nhưng chị phải nộp cho họ 3 triệu. Chứng chỉ tin học một triệu ba nữa. Tổng là bốn triệu ba” - chị P kể về hành trình “chinh phục” chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để “chuẩn hóa” bộ hồ sơ cho kỳ thi viên chức vừa qua. Đồng nghiệp của chị, hàng chục người khác cũng loay hoay, toát mồ hôi vì các loại chứng chỉ.

Rõ ràng việc quy định buộc CBCCVC phải có chứng chỉ “nghe thì rất hay” và hợp lý nhưng chỉ là hình thức, không có tác dụng thực chất . Điều đáng lo ngại đó là nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy buộc họ phải gian dối hoặc mua chứng chỉ hoặc học giả, thi bao đỗ.

Câu chuyện giáo viên phải chạy vạy để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không chỉ xảy ra tại Hà Nội. Tại kỳ họp Quốc hội năm ngoái ĐBQH Đinh Duy Vượt cho hay: “Giáo viên phải lặn lội hàng trăm cây số về tỉnh về huyện mới có nơi học ngoại ngữ và học xong không biết dùng để làm gì. Chúng ta tự hỏi quy định này có thực chất với bản thân mình không rồi hãy quy định cho người khác. Thậm chí, có giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên đã nói rằng ông cảm thấy xấu hổ vì giống như họ đi móc túi giáo viên nhưng vẫn phải mở lớp vì không làm thì các trường khác họ cũng làm để thu tiền”!

Tin “tờ A4” hơn năng lực thực tế?

Khẳng định việc yêu cầu tiếng Anh, tin học đối với viên chức là cần, nhưng điều quan trọng phải thực chất, nguyên ĐBQH Hà Nội bà Bùi Thị An nói. Theo bà An, CBCCVC phải trau dồi khả năng nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của công việc là đúng, nhưng phải có cách làm cho hợp lý. Tổ chức thi tuyển thì phải công khai, minh bạch, làm rõ khả năng của từng người phù hợp với từng vị trí. Quan trọng là năng lực của ứng viên phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn, công việc của chính họ. Đừng nặng nề về bằng cấp, chứng chỉ. Bằng cấp đấy, chứng chỉ đấy nhưng không thực chất khiến người ta phải gian dối, “mua”, “chạy” thì lợi bất cập hại.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nhìn nhận việc “quy” các tiêu chuẩn về trình độ, bồi dưỡng thành các chứng chỉ khiến người ta tin vào “tờ giấy A4” hơn là năng lực thực tế của các ứng viên hay cả Hội đồng tuyển dụng viên chức.

“Chúng ta dựa vào chuẩn như chứng chỉ, bằng cấp nhưng thực ra lại không chuẩn vì không ai kiểm soát điều kiện đảm bảo chất lượng của những chứng chỉ ấy. Dựa trên một cái không chuẩn để định ra chuẩn là mất chuẩn” - ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, những quy định cứng nhắc này chính là nguồn gốc của tiêu cực bởi nếu tuyển giáo viên chỉ phỏng vấn ít câu là ra năng lực thực tế ngay. Và khi các hội đồng tuyển dụng làm thật thì họ sẽ phải học thật. “Bây giờ chúng ta chỉ yêu cầu chứng chỉ thì đương nhiên họ đi mua chứ cần gì học trong nhà trường nữa” - ông Vinh phân tích.

Giảm bớt các thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ

Về đơn giản hóa văn bằng chứng chỉ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCCVC, các nghị định của Chính phủ cũng tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.

Cụ thể, lần này nghị định Chính phủ quy định, đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ví dụ như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần phải yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ, nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi cũng không cần.

Để thực hiện vấn đề này, trong nghị định cũng giao cho các Bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.

Có những vị trí không cần phải có trình độ thì không cần phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ ở cấp bậc cao hơn thì quy định trong từng vị trí việc làm.

Để tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức theo ông Tân, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Nhiều đường dây văn bằng, chứng chỉ giả bị triệt phá

Những năm gần đây, lực lượng công an trên cả nước liên tục triệt phá, bóc gỡ các đường dây sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả, nhiều cán bộ sử dụng bằng giả cũng đã bị xử lý, song thị trường mua bán bằng cấp, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ vẫn nhộn nhịp vì có cầu ắt có cung. Còn nhớ, giữa năm 2019, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Văn Hoàng (35 tuổi) và Lê Hoàng Phi (24 tuổi, em ruột Hoàng, trú tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) và Tạ Quang Minh (26 tuổi, trú tại phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội) để điều tra, làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Theo lời khai của Lê Văn Hoàng - đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất bằng giả cho thấy nhu cầu “không học, không thi mà vẫn có bằng” đang trở thành vấn nạn nhức nhối. Chỉ trong vòng một năm hoạt động, đường dây này đã bán ra thị trường hàng nghìn văn bằng, chứng chỉ giả.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/di-san-mot-to-a4-523721.html