Di sản là của ai?

Di sản là của ai? Một câu hỏi dường như vu vơ, nhưng thực chất lại đi vào vấn đề căn cốt nhất của quản lý di sản và phát huy các giá trị của di sản đến với đời sống xã hội.

Hiện nay, nhà nước đang có chính sách khuyến khích để phát triển công nghiệp văn hóa, và coi, di sản như là một nguồn tài nguyên của đất nước, nhưng một câu hỏi được đặt ra là di sản là của ai? Và việc bảo tồn, nghiên cứu, phát huy, sáng tạo và ứng dụng giá trị của di sản sẽ thực hiện như thế nào trong khi luật nhà nước quy định rằng: buôn bán cổ vật là hành vi vi phạm pháp luật.

Bảo vật quốc gia - Tượng phật A Di Đà chùa Phật Tích. Ảnh: S.t

Bảo vật quốc gia - Tượng phật A Di Đà chùa Phật Tích. Ảnh: S.t

Di sản là tài sản của quá khứ để lại, cao hơn là những nét văn hóa mà cha ông đã tạo dựng để truyền cho con cháu mai sau. Di sản là của chung, là sở hữu của nhà nước, của cộng đồng văn hóa, hay đôi khi chỉ thuộc về một gia tộc hay cá nhân nào đó. Ở khía cạnh rộng, di sản có thể là bất kì hiện vật, thực thể, công trình, kiến trúc nào đó, thậm chí là những di sản vô hình như âm nhạc, vũ đạo, tư tưởng, phong tục, tập quán, kinh nghiệm…

Những di sản phi vật thể có tính vô hạn, chỉ cần ai đó có nhu cầu tìm hiểu, thực hành, thì họ đã trở thành người sở hữu, thậm chí bản thân họ có cơ hội trở thành người gìn giữ, lưu truyền, phổ biến các giá trị của di sản đến với xã hội, và được xã hội tôn vinh là những “báu vật nhân văn sống”. Nói ngắn gọn hơn, khi đó họ là hiện thân của di sản. Nhưng với những loại hình di sản vật thể, thì việc sở hữu, sử dụng phần lớn thuộc về cộng đồng và nhà nước. Để phát huy giá trị của di sản, và đem di sản quay trở lại với đời sống xã hội thì chúng ta cần xây dựng những khái niệm mới: “di sản phái sinh”, và “di sản thương phẩm”

Di sản phái sinh là những sản phẩm tái tạo trên cơ sở của các di sản nguyên gốc (cổ vật, hiện vật, bảo vật quốc gia,…) bằng các kĩ thuật và công nghệ khác nhau. Loại hình di sản này mang tinh thần, phong cách, biểu tượng văn hóa truyền thống, nhưng được chuyển thể sang các loại hình kĩ thuật và vật liệu mới của thời đương đại.

Nó bao gồm các loại: ảnh chụp, bản dập, bản dập số hóa, bản vẽ kĩ thuật, bản scan, scan 3D, bản phục dựng, bản phỏng dựng bằng kĩ thuật VR- AR, các bản in 3D, film, các triển lãm thực tế ảo, showroom ảo, du lịch ảo, các sản phẩm phục chế từ công nghệ in 3D, thậm chí các bản “giả cổ”, phỏng cổ nhằm tái sản xuất lại các di sản cũ với những mục đích mới phục vụ ứng dụng mỹ thuật, ứng dụng nghệ thuật, thậm chí đôi khi di sản (cụ thể hơn là các họa tiết hoa văn cổ) chỉ là chất liệu cảm hứng để các nghệ sĩ có thể sáng tạo ra những tác phẩm mới.

Nhưng cũng có khi, các di sản phái sinh chỉ là các bản mô phỏng và sản xuất hàng loạt để có thể trở thành thương phẩm lan tỏa các giá trị truyền thống đến với người yêu văn hóa / người tiêu dùng, hay cao hơn trở thành một thương hiệu quốc gia phục vụ cho công tác ngoại giao văn hóa, và xuất khẩu văn hóa đến với thị trường nước ngoài…

Ta cứ thử nhìn “nền công nghiệp” văn hóa của Hàn Quốc sẽ thấy “kim chi” hầu như không có sự khác biệt nào với “dưa cà mắm muối” của Việt Nam, nhưng một thứ thì từ điện ảnh đã có mặt trên mọi sạp hàng siêu thị cho đến chợ cóc bình dân, còn một thứ vẫn mãi chỉ là món ăn “hẩm hiu” bị chính chủ thể văn hóa ngó lơ, trong khi hàng ngày vẫn dùng trong “cơm bữa”. Làm thế nào để biến di sản chuyển thành “di sản phái sinh”, rồi biến những di sản ấy trở thành thương phẩm mang thương hiệu quốc gia? Đó là công việc không phải của một người hay một ngành.

Muốn đưa di sản vào cuộc sống ta buộc phải đặt ra những vấn đề cơ bản liên quan di sản và ứng dụng di sản ở Việt Nam. Nhưng muốn ứng dụng được, thì buộc phải bắt đầu từ nghiên cứu. Di sản không sẵn có để mà tận thưởng hay tiêu dùng, mà phải trải qua hàng chục thập kỉ sưu tầm, khảo cổ, giám định, phân tích, nghiên cứu,… thì mới có thể chắt lọc những tinh túy của văn hóa còn lại sau bao nhiêu biến thiên lịch sử.

Nghiên cứu là một công tác rất quan trọng để di sản có thể được phục dựng tái tạo, đôi khi nghiên cứu chỉ là giúp phát lộ những tầng ý nghĩa biểu tượng của các hiện vật khảo cổ không lời. Ví dụ như trường hợp tượng A Di Đà chùa Phật Tích, hiện vật hiện tồn, nhưng các phiên bản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chỉ là một chục chế nguyên dạng (đã bị tàn khuyết), phải nhờ kết quả nghiên cứu so sánh thì thớt sư tử đặt dưới tòa sen mới được “tái lập” vào đúng vị trí.

Tượng A Di Đà chỉ có một, nhưng để đưa di sản đến với xã hội ngày nay, thì chúng ta có nhiều cách khác nhau. Hoặc đưa hình ảnh của tượng vào sách giáo khoa để học sinh sinh viên có thể hiểu được cái đẹp của nghệ thuật Phật giáo đời Lý. Hoặc quét scan 3D đưa lên một trưng bày ảo (virtual exhibition như Nguyễn Trí Quang đã thực hiện) để mọi người khắp nơi trên thế giới có thể chiêm ngưỡng báu vật này từ mọi góc cạnh.

Cuối cùng, việc nghiên cứu và sản xuất các phiên bản tượng ở các kích cỡ, các chất liệu như công việc của Hội quán Di sản hay 3DART là một cách phát huy đáng chú ý, để hàng ngàn hàng vạn tiêu bản có thể đến tay từng gia đình, tự viện, thậm chí có thể nghĩ đến việc xuất khẩu di sản ra thế giới, hay phục vụ công tác ngoại giao văn hóa.

Tiếp đến thuyết trình sẽ đề cập đến vấn đề nghiên cứu, tái lập, phục dựng, phỏng dựng, và sáng tạo các vật phẩm văn hóa, các công trình văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật trên nền tảng của khoa học - kĩ thuật và công nghệ. Đây là một hoạt động dựa trên nền tảng của lý thuyết nghiên cứu và công nghệ kĩ thuật nhằm đưa những giá trị của di sản (vốn chỉ nằm trong bảo tàng, di tích) quay trở lại phục vụ cho đời sống văn hóa xã hội đương đại.

Ví dụ tiêu biểu như việc nghiên cứu các di sản kiến trúc Phật giáo thời Lý trong thời gian gần đây, như phỏng dựng tháp Một Cột – chùa Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ VR3D của nhóm Sen Heritage, phục dựng Hoàng thành Thăng Long thời Lý của Viện Nghiên cứu Kinh thành (VASS), phục dựng văn bia Sùng Thiện Diên Linh, tháp một cột chùa Dạm và tháp gốm thời Lý của 3Dart, hay phỏng dựng tổng thể kiến trúc chùa tháp Cảnh Long Đồng Khánh (Dạm) thời Lý của nhóm Huyền Tinh Tác Đấu.

Những phục dựng, phỏng dựng này đều phải dựa trên nền tảng nghiên cứu tích lũy hàng chục năm của nhiều thế hệ học giả, tích hợp với những nghiên cứu chuyên biệt của kiến trúc sư, kĩ thuật viên. Vậy thì, việc kế thừa đó có tính đến bản quyền nghiên cứu hay không? Hay khi một công trình khoa học đã công bố sẽ thuộc về sở hữu của cộng đồng? Một di sản phái sinh như vậy sẽ chỉ thuộc về người làm phỏng dựng, hay là sẽ trở thành tài sản chung để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng cho công việc của mình?

Nếu di sản phái sinh đó chỉ áp dụng cho giáo dục, bảo tàng, và những mục đích phi lợi nhuận thì không có gì đáng phải bàn cãi. Còn nếu những sản phẩm đó được tái chế, tái sử dụng, hoặc “nhái” lại để tránh bản quyền, rồi chuyển dụng sang phạm vi thương mại thì bản quyền khi đó sẽ thuộc về ai? Luật di sản, luật bản quyền, luật sở hữu trí tuệ có xung đột gì không với những di sản phái sinh này?

Vấn đề bản quyền và việc “sở hữu di sản” hay “sở hữu các di sản phái sinh” (di sản số, triển lãm thực tế ảo, bảo tàng ảo, cơ sở dữ liệu, các thương phẩm phái sinh từ di sản,…). Các nhà nghiên cứu và chính sách sẽ phải cùng nhau bàn luận đến những vấn đề cụ thể xoay quanh luật di sản, luật sở hữu trí tuệ, luật bản quyền,… và sáng tạo di sản, kinh doanh di sản và kinh doanh các vật phẩm phái sinh từ di sản.

Ví dụ tiêu biểu là trường hợp của Tu Di tòa Thích Ca Sơ Sinh thời Lý của nhóm Sen Heritage. Đây là trường hợp phức tạp và thú vị cho sự tranh chấp về bản quyền khoa học và việc khai thác thương phẩm. Từ ba, bốn hiện vật tách rời tại vài ba di chỉ khảo cổ, cùng lúc trong một vài năm có 3 phác thảo nghiên cứu khác nhau về một loại hình đèn đá thời Lý. Người thì ghép photoshop, người thì vẽ line bằng tay, người thì vẽ bằng máy, và gần như công bố trong cùng một năm ở những kênh khác nhau, nhưng đó đều chỉ là các bản vẽ 2D (một mặt).

Ba năm sau, một trong số đó chỉnh sửa thành một bản vẽ chi tiết (với công nghệ 3D, VR, AR,…) và ứng dụng thành bốn giả thuyết (tương ứng với bốn thương phẩm khác nhau). Đến lúc này, ai cũng cho rằng mình có quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu đó, trong khi nhóm cuối cùng đã đem đăng kí bản quyền sáng tạo.

Lại thêm một cuộc tranh cãi xảy ra. Một là di sản là của chung, không ai có quyền đem di sản để đăng kí bản quyền sáng tạo. Trả lời rằng: di sản đó vốn không có sẵn, mà chỉ là sản phẩm của nghiên cứu sáng tạo, đó là một di sản phái sinh. Những người khác bảo rằng, các vị lấy lại kết quả của người khác, nhưng không biết rằng: một nghiên cứu về tri thức là ngang nhau, ba nghiên cứu có kết quả gần nhau, thì sản phẩm sẽ chỉ thuộc về người đăng kí bản quyền/ người hiểu luật.

Cho đến khi, sản phẩm phát mãi ra thị trường, thì nhiều người ném đá rằng: những kẻ “ăn cướp di sản”, “ăn bám vào di sản” (nhưng thực tế, di sản gốc vẫn nằm nát vụn trong các bảo tàng). Khi bắt đầu có thị trường, một số người khác lại làm nhái lại sản phẩm kia, và cộng đồng lại quay sang bảo vệ người làm nhái, cho rằng: di sản là của chung, không có ai có quyền sở hữu di sản.

Như vậy, di sản phái sinh (được tạo tác từ quy trình nghiên cứu, và sáng tạo) thì sẽ thuộc về ai? Về cộng đồng? Hay về người nghiên cứu và sáng tạo? Nghiên cứu bao nhiêu, sáng tạo bao nhiêu thì sẽ được đăng kí bản quyền, hay kiểu dáng công nghiệp? Những vấn đề đó cần phải tiếp tục thảo luận trong tương lai, để hướng tới “luật hóa” những vấn đề mới nảy sinh từ sự phát triển khoa học và công nghệ.

Trần Trọng Dương

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/di-san-la-cua-ai--i677538/