Di sản hoang tàn của Tổng thống Zimbabwe R. Mugabe

Nếu tính về tài sản cá nhân, Tổng thống Zimbabwe R. Mugabe được coi là triệu phú USD. Nhưng di sản mà ông này để lại sau 37 năm cầm quyền là một đất nước chia rẽ với một nền kinh tế sụp đổ.

Người dân phản đối chính sách của Tổng thống 93 tuổi Mugabe

Theo thông tin từ Thủ đô Harare, ông R. Mugabe sẽ bị cách chức Chủ tịch Đảng ZANU-PF cầm quyền trong phiên họp đặc biệt của Ủy ban Trung ương đảng ZANU-PF. Bà G. Mugabe, vợ ông R. Mugabe, cũng sẽ bị loại khỏi ban lãnh đạo Liên đoàn Phụ nữ của ZANU-PF, trong khi cựu Phó Tổng thống E. Mnangagwaa sẽ được phục hồi chức vụ Phó Chủ tịch đảng và có thể lên nắm quyền.

Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng mà Zimbabwe rơi vào vài tháng trước đây, khi Chính phủ phải hoãn trả lương nhân viên và công bố sa thải 25.000 công chức do không thể trả lương. Những số liệu thống kê cho thấy Zimbabwe đang nợ các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, World Bank, ADB khoảng 9 tỷ USD, trong đó 1,8 tỷ USD đã quá hạn từ hồi tháng 6-2017.

Tuy nhiên, không phải đến giờ Zimbabwe mới lâm vào khủng hoảng. Dấu hiện bất ổn xuất hiện từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi ông R. Mugabe bắt đầu chính sách ép buộc những chủ đồn điền da trắng giao nộp đất đai để tái phân phối. Mặc dù mục tiêu chính của động thái này là chấm dứt hàng thập niên kiểm soát đất đai của người da trắng và phân phối lại tại sản cho những người da màu nhưng cách thực hiện không phù hợp của chính phủ đã tạo nên cơn địa chấn cho nền kinh tế Zimbabwe.

Hình ảnh người dân địa phương bị kích động tràn vào các đồn điền để cướp bóc, gây nên tình trạng hỗn loạn đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi Zimbabwe. Từ một quốc gia phát triển so với các nước láng giềng châu Phi, nổi tiếng với sản phẩm xuất khẩu là thuốc lá và hoa hồng, Zimbabwe rơi vào suy thoái. Khoảng 3 triệu trên tổng số 13 triệu dân Zimbabwe chạy ra nước ngoài để trốn khỏi khủng hoảng kinh tế, hàng nghìn công ty phải đóng cửa.

Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng là giai đoạn 2007-2008, khi lạm phát lên tới mức không tưởng 500 tỷ phần trăm khiến ngân hàng trung ương nước này phải in những tờ đôla Zimbabwean 100.000 tỷ để người tiêu dùng không phải mang theo cả bao tải tiền mặt khi đi mua sắm. Ở thời kỳ siêu lạm phát, đồng 100 tỷ đôla Zimbabwe chỉ mua được 3 quả trứng gà. Có lúc vì thiếu tiền mặt, người ta phải dùng kẹo làm phương tiện thanh toán, được ví là “giấc mơ kẹo ngọt”.

Đáng ra phải tiến hành những điều chỉnh chính sách cho phù hợp thì ông R. Mugabe lại chỉ lo giữ chiếc ghế quyền lực. Về đối ngoại, ông đổ lỗi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã gây ra tình hình kinh tế hỗn loạn tại Zimbabwe. Trong nước, nhờ sự hậu thuẫn của quân đội cũng như những thủ đoạn chính trị, nhà cầm quyền này vẫn tại vị bất chấp tình hình hỗn loạn cùng các cuộc đấu đá phe nhóm chính trị, lợi ích.

Không những thế, bất chấp nền kinh tế kiệt quệ, tài sản của ông R. Mugabe vẫn tăng lên. Ở Thủ đô Harare, ông R. Mugabe và vợ sống trong biệt thự khổng lồ có hơn 25 phòng ngủ. Vì giàu có, ông và vợ cũng chi tiêu “mạnh tay” ở nước ngoài. Hiện ông sở hữu một biệt thự trị giá 4 triệu USD ở Hồng Kông (Trung Quốc) mua năm 2013, Cung điện Hamilton ở Sussex, Anh, với chi phí 40 triệu USD. Báo chí Anh còn cho biết Tổng thống Zimbabwe sở hữu một chiếc Mercedes Benz S600L, một chiếc Rolls Royce của nhà nước và công ty Kim cương hợp nhất Zimbabwe.

Việc quân đội ngoảnh mặt và gây sức ép buộc ông R. Mugabe phải ra đi có thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính quyền hiện tại nhưng chưa thể cứu đất nước Zimbabwe khỏi sự đổ vỡ. Di sản 37 năm cầm quyền của ông R. Mugabe giờ là một đống hoang tàn.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/di-san-hoang-tan-cua-tong-thong-zimbabwe-r-mugabe/748624.antd