Di sản, di tích Hà Giang: Giật mình 'tân cổ giao duyên'

Trước thực trạng buồn của di sản và di tích ở Hà Giang, chuyên gia đặt câu hỏi về cách ứng xử của địa phương, trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL.

Sau tòa nhà Mã Pì Lèng Paronama, hai dự án du lịch ở tỉnh Hà Giang gồm Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và dự án thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao ở huyện Đồng Văn cũng có dấu hiệu sai phạm. Vị trí của 2 dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO vinh danh vào năm 2010.

Theo ông Vương Duy Bảo, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), sai phạm của các công trình tại Hà Giang là lỗi quản lý của Hà Giang. Lý giải cho nhận xét này, ông dẫn chứng: Hà Giang có quần thể cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu và 4 di tích cấp quốc gia gồm: cột cờ Lũng Cú, dinh thự nhà họ Vương, đèo Mã Pì Lèng và phố cổ Đồng Văn, thế nhưng Hà Giang đã ứng xử thế nào với di tích?

Trước hết, dinh thự nhà họ Vương được công nhận di tích quốc gia với tên gọi “Khu di tích văn hóa nghệ thuật lịch sử nhà Vương” năm 1993, tuy nhiên di tích này đã không được chính quyền khoanh vùng bảo vệ, để cho vùng 2 di tích bị lấn chiếm gần hết. Bản thân chính quyền cũng tự ý xây dựng các công trình ở khu vực 2, thậm chí xây nhà vệ sinh sát mộ vợ vua Mèo suốt mười mấy năm không có ý kiến gì.

Khu vực 1 của di tích nhà Vương bị thay thế các hiện vật, không đảm bảo yếu tố gốc, nhà cửa xuống cấp.

Bên cạnh đó, theo ông Bảo, Luật Di sản, Luật Dân sự thừa nhận quyền sở hữu tư nhân, luật Dân sự thừa nhận quyền sở hữu tư nhân, tuy nhiên, Hà Giang lại cấp sổ đỏ cho Phòng VH-TT huyện Đồng Văn. Những sai phạm đó đến nay vẫn chưa giải quyết xong về cơ bản.

UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ, thừa nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất dinh thự họ Vương của con cháu vua Mèo Vương Chí Sình nhưng không giao nhà, họ vẫn quản lý đối với di tích này.

Phố cổ Đồng Văn được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2009, UBND huyện Đồng Văn giao cho thị trấn Đồng Văn quản lý, UBND thị trấn lập văn phòng quản lý, biến phố cổ Đồng Văn thành "tân cổ giao duyên".

"Chợ Đồng Văn gắn với phố cổ đã bị biến thành nơi bán cà phê, thay đổi gần như cơ bản, kể cả bục đá cổ truyền cũng bị cậy lên, thay kiểu khác vào.

Chưa hết, đó là khu phố cổ nhưng chính quyền lại để mặc người dân cơi nới mặt tiền, vi phạm từ vùng 1 đến vùng 2, thậm chí bây giờ cho xây dựng thang máy 102 tầng ngay trong khu vực khoanh vùng bảo vệ 2 của di tích phố cổ Đồng Văn rất phản cảm và không phù hợp", ông Vương Duy Bảo thẳng thắn.

Toàn cảnh dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú. Ảnh: Zing

Toàn cảnh dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú. Ảnh: Zing

Đối với cột cờ Lũng Cú vừa là di tích lịch sử quốc gia vừa là biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đề xuất sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích này.

Hiện chủ đầu tư dự án đã phá núi, lấy ruộng canh tác của người dân Lô Lô để xây dựng, thay đổi cảnh quan, mở đường. Dù chủ đầu tư có bồi thường cho các hộ dân một số tiền, song điều vị nguyên lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở lo ngại là số tiền ấy liệu có đủ cho người dân sinh sống một cách lâu dài, căn cơ?

Một sai phạm khác ở cột cờ Lũng Cú, đó là cấu trúc các bậc thang lan can của cột cờ đã bị huyện tự ý thay đổi.

Đáng lưu ý, cả hai dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao đều nằm trong lòng công viên cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt hai quy hoạch cho cao nguyên đá Đồng Văn năm 2017 là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030.

Và hai dự án này đều chưa tuân thủ hai bản quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Với đèo Mã Pì Lèng, công trình nhà nghỉ, nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama xây dựng ngoài khu vực bảo vệ 2 của danh lam thắng cảnh nhưng lại nằm trong công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Công trình này không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, gây cản trở tầm nhìn của du khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khẳng định thực trạng đáng buồn trên là bài học đau xót trong quản lý di sản, ông Vương Duy Bảo nêu vấn đề: Hà Giang đã tổng kết, đã nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong việc ứng xử với di sản, di tích hay chưa, đồng thời đề nghị Trung ương xem xét, có điều chỉnh kịp thời, nếu không di sản sẽ mất đi, không bao giờ lấy lại được.

Ông Vương Duy Bảo cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, giám sát đầy đủ hay chưa? Dù phân cấp chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm nhưng Bộ vẫn phải có phần trách nhiệm bởi đây là di sản, di tích quốc gia, không thể làm một cách tùy tiện.

Nhìn rộng ra cả nước, tình trạng phát triển ồ ạt các dự án du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh đang xảy ra ở nhiều địa phương mà đáng buồn là nhiều nơi chưa hề có quy hoạch.

>>Loạt công trình phá cao nguyên đá: Không đúng quy hoạch

Theo ông Bảo, lẽ ra, khi địa phương có công trình được công nhận là di tích cấp nhà nước thì bước đầu tiên là phải làm quy hoạch tổng thể. Chính quy hoạch tổng thể đó sẽ đảm bảo cho di tích sống và tồn tại được, ngược lại, không có quy hoạch địa phương sẽ rơi vào thế bị động, làm manh mún, nay làm mai phá, gây lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đến người dân.

Bên cạnh đó, điều cơ bản là khi làm gì thì phải điều tra xã hội học, hỏi ý dân xem người dân có đồng ý hay không, họ mong muốn gì... Dự án phải đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, tạo nên yếu tố tổng hợp, sự đồng thuận để giải quyết vấn đề một cách đầy đủ, kín kẽ và hoàn chỉnh.

"Khi tuân thủ các nguyên tắc trên thì sẽ tránh được những điều đáng tiếc xảy ra, để di sản mãi là của người dân, của đất nước", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/di-san-di-tich-ha-giang-giat-minh-tan-co-giao-duyen-3390357/