Di sản của V.I.Lê-nin: Giá trị lý luận và thực tiễn đối với cách mạng thế giới và Việt Nam

Phát biểu đề dẫn của đồng chí NGUYỄN XUÂN THẮNG, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bằng hoạt động lý luận và thực tiễn xuất sắc, V.I.Lê-nin đã bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác trong giai đoạn lịch sử mới - giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản; lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của V.I.Lê-nin là vô cùng vĩ đại, những đóng góp của Người cho giai cấp công nhân và những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới là đặc biệt to lớn, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

1. V.I.Lê-nin phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội

Phân tích tiến trình phát triển mang tính lịch sử - tự nhiên của nhân loại trong thời đại tư bản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăng-ghen tiên đoán, cách mạng cộng sản chủ nghĩa “sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất, ở Anh, Mỹ, Pháp và Đức” (1). Kế thừa di sản của C.Mác và Ăng-ghen, V.I.Lê-nin phát hiện ra quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và dự báo: “Chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa” (2).

Phân tích, đánh giá hoàn cảnh nước Nga cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, V.I.Lê-nin nhận định, nước Nga đã trở thành nơi hội tụ cao độ những mâu thuẫn của thời đại và là khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc thế giới (3). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích, đứng đầu là V.I.Lê-nin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã vùng dậy tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới; đưa chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý luận trở thành hiện thực, mở đầu cho sự chuyển biến từ hiện thực của một nước trở thành hiện thực của một hệ thống thế giới, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là tất yếu khách quan, bởi chủ nghĩa đế quốc ở nước Nga đã bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt chưa từng thấy mà bản thân nó không thể khắc phục được: Chế độ Nga hoàng đã trở nên quá thối nát, giai cấp tư sản Nga trở thành lực lượng cực kỳ phản động; giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga bị đẩy đến đường cùng, sẵn sàng vùng lên lật đổ ách áp bức, bóc lột. Đó còn là kết quả tất yếu của một quá trình xây dựng, chuẩn bị công phu, tự giác, lâu dài của V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga, một đảng cách mạng chân chính được vũ trang bởi học thuyết khoa học, cách mạng và phát triển của chủ nghĩa Mác do chính V.I.Lê-nin bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo vào điều kiện đặc thù của nước Nga.

2. V.I.Lê-nin bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, một vấn đề vừa có tính cơ bản, vừa có tính cấp bách đặt ra cho V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga là quản lý và phát triển đất nước, đưa nước Nga - một quốc gia lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội.

Những năm đầu sau Cách mạng Tháng Mười Nga, “Chính sách cộng sản thời chiến” được áp dụng như một biện pháp tình thế để đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc nội chiến chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ chính quyền Xô-viết non trẻ. Tuy nhiên, khi nước Nga Xô-viết bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước, chính sách đó không còn phù hợp. Bằng trí tuệ và bản lĩnh của những người cộng sản, tháng 3-1921, tại Đại hội Xô-viết toàn Nga lần thứ X, V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga đã quyết định thay thế “Chính sách cộng sản thời chiến” bằng “Chính sách kinh tế mới” (NEP), chuyển trọng tâm của cách mạng vào chăm lo phát triển kinh tế và văn hóa, thực hiện một cuộc cải cách có tính tổng thể về mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với tinh thần: Phải lùi lại, phải đi đường vòng, “bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc” để quá độ lên chủ nghĩa xã hội (4).

“Chính sách kinh tế mới” đề ra các chủ trương như: phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; thay chế độ trưng thu lương thực thừa bằng trưng mua và chính sách thuế lương thực; mở rộng trao đổi hàng hóa; cho thương nhân được tự do hoạt động; áp dụng chế độ hạch toán kinh tế; khuyến khích lợi ích cá nhân,... Từ góc nhìn khoa học và biện chứng của chủ nghĩa Mác, V.I.Lê-nin đã thấy rõ, muốn phát triển chủ nghĩa xã hội ở nước Nga thành công, phải học tập, kế thừa thành tựu của chủ nghĩa tư bản; phải khai thác, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để phát triển sản xuất, “đưa chủ nghĩa xã hội vào cuộc sống hằng ngày” (5). Đó là những tất yếu khách quan trong một quốc gia lạc hậu quá độ lên chủ nghĩa xã hội và không hề mâu thuẫn với lý luận của chủ nghĩa Mác (6). Nhờ “Chính sách kinh tế mới”, nước Nga Xô-viết đã nhanh chóng khôi phục kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đáng tiếc là, sau khi V.I.Lê-nin mất, chính sách này không được thực hiện đầy đủ.

Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20 là tổn thất to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, song rõ ràng không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung, càng không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đó chỉ là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực mang nhiều khiếm khuyết: duy ý chí, giáo điều, xa rời những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, không thích ứng với những thay đổi thường xuyên của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Thất bại đó khiến chúng ta càng thấy được ý nghĩa to lớn của những chỉ dẫn quý báu của V.I.Lê-nin cho công cuộc cải cách, đổi mới của chủ nghĩa xã hội hiện thực để hồi sinh, phát triển sau này.

3. V.I.Lê-nin là tấm gương mẫu mực trong cuộc đấu tranh bảo vệ, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác

Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và sự phân rã của Quốc tế II, V.I.Lê-nin đã kiên trì, quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với các trào lưu cơ hội tấn công, xuyên tạc chủ nghĩa Mác. Người đã viết hàng loạt tác phẩm nổi tiếng, chỉ rõ bản chất của những kẻ cơ hội là những người: “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng dễ dàng như thế” (7); họ chỉ thừa nhận chủ nghĩa Mác ở đầu lưỡi, khoác áo mác-xít để chôn vùi chủ nghĩa Mác; họ hô hào, ủng hộ công nhân đấu tranh nhưng với điều kiện không được phá hủy bộ máy nhà nước tư sản và thay bằng nhà nước vô sản… nghĩa là công nhân cứ đấu tranh nhưng tuyệt đối không được giành thắng lợi (!)(8). Bằng trí tuệ uyên bác, kinh nghiệm thực tiễn cách mạng phong phú và niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác cùng phương pháp luận chiến sắc sảo, V.I.Lê-nin đã vạch trần, bác bỏ các quan điểm sai lầm, phản động của chủ nghĩa cơ hội để bảo vệ tính khoa học, cách mạng và sự trong sáng của chủ nghĩa Mác. Chiến thắng về tư tưởng, lý luận của V.I.Lê-nin và những người cộng sản Nga chân chính trước chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa giáo điều,... là điều kiện, tiền đề quan trọng để chủ nghĩa Mác thật sự là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn tới thắng lợi tất yếu của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Theo V.I.Lê-nin, bảo vệ chủ nghĩa Mác phải gắn liền với việc giải quyết các nhiệm vụ chính trị thực tiễn ở tầm chiến lược và sách lược của cách mạng. Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, V.I.Lê-nin chỉ rõ, “cách mạng phải biết tự bảo vệ” để chống lại sự phản kháng của các thế lực tư sản, áp bức và bóc lột luôn tìm mọi cách giành lại “thiên đường đã mất”; phải kiên quyết chống chủ nghĩa cơ hội, phản động nhằm bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

V.I.Lê-nin khẳng định, để bảo vệ thành quả cách mạng, không chỉ cần tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng, mà quan trọng hơn, phải tự mình sáng tạo ra những quan hệ kinh tế mới, sáng tạo ra một xã hội mới (9), có nền kinh tế phát triển hiện đại, năng suất cao; văn hóa, dân trí cao; một nhà nước kiểu mới, một nền chính trị dân chủ thu hút đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Đó không chỉ là việc phải thường xuyên đấu tranh chống các luận điệu, hành vi thù địch từ bên ngoài mà còn phải thường xuyên phòng, chống những tật bệnh và sự suy thoái từ trong nội bộ, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, hối lộ, bệnh kiêu ngạo cộng sản.

Chính trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, từ thực tiễn đấu tranh và lãnh đạo cách mạng Nga, V.I.Lê-nin đã vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác một cách toàn diện trên cả ba bộ phận cơ bản cấu thành: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, hình thành nên chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đó là cống hiến đặc biệt xuất sắc mang giá trị thời đại của V.I.Lê-nin cho nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

4. Lý luận về dân tộc và dân tộc thuộc địa của V.I.Lê-nin là chỉ dẫn quý báu cho các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc

Khi chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, đẩy mạnh việc xâm chiếm thuộc địa, tiến hành các cuộc chiến tranh đế quốc thì vấn đề dân tộc thuộc địa trở thành vấn đề chính trị thực tiễn cơ bản, cấp bách đối với các đảng cộng sản và công nhân. Vì thế, V.I.Lê-nin đã dành nhiều công sức nghiên cứu vấn đề này và hình thành lý luận khoa học về con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa.

Theo V.I.Lê-nin, cách mạng vô sản ở chính quốc phải gắn liền với cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa; và để giải quyết triệt để vấn đề dân tộc, cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa phải vận động theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Giải phóng dân tộc thuộc địa không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là điều kiện bảo đảm cho sự thắng lợi của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và những người cộng sản ở chính quốc. Trong điều kiện mới, việc thực hiện cương lĩnh dân tộc phải gắn liền với phong trào cách mạng thế giới và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, với tinh thần: các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết; liên hợp công nhân tất cả các dân tộc lại. Khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” đã được V.I.Lê-nin phát triển thành “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”, trở thành khẩu hiệu hành động chung của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Thông qua việc lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô-viết cũng như sáng lập và lãnh đạo Quốc tế Cộng sản (tháng 3-1919), V.I.Lê-nin đã làm hết sức mình vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa và xem đó là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ có tính sống còn của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Được soi sáng bởi chủ nghĩa Lê-nin, với niềm cảm hứng mãnh liệt từ tấm gương Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, với sự giúp đỡ có hiệu quả từ Quốc tế Cộng sản do V.I.Lê-nin sáng lập, nhân dân lao động ở nhiều nước thuộc địa đã thức tỉnh, vùng dậy đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới để giành độc lập, tự do; lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, góp phần tạo nên ba dòng thác vĩ đại của phong trào cách mạng thế giới trong thế kỷ 20. Đồng thời, qua thực tiễn phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và từ quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, các chính đảng cộng sản, công nhân đã bổ sung nhiều luận điểm, quan điểm có giá trị vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó có những luận điểm ghi đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam như: cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; thực hiện đồng thời cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở hai miền đất nước Việt Nam... Những tìm tòi, sáng tạo đó đã góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm và khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại mới.

5. Di sản của V.I.Lê-nin là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

Từ hành trình tìm đường cứu nước, nghiên cứu thực tiễn chính trị và tư tưởng, lý luận hàng chục năm ở nhiều nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy: “cách mạng” có nhiều thứ, “chủ nghĩa”, “học thuyết” cũng có nhiều nhưng chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là thành công “đến nơi” và chủ nghĩa Lê-nin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất” (10). Chỉ theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới có thể giải đáp được những yêu cầu khách quan của lịch sử dân tộc, đó là độc lập cho dân tộc và ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Khi được tiếp cận “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” (năm 1920) của V.I.Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (11). Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; đồng thời, không thể giải phóng được giai cấp vô sản nếu không giải quyết được vấn đề độc lập dân tộc. Cách mạng Việt Nam chỉ có một con đường tất yếu là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Kiên định, vững vàng giương cao ngọn cờ “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” - một cách tiếp cận hoàn toàn mới, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử, kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã trở thành phương châm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và là con đường duy nhất đúng đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

6. Bản lĩnh, trí tuệ và đổi mới, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Đảng ta nhất định sẽ lãnh đạo nhân dân ta thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn đất nước cùng với nhận thức sâu sắc về những quy luật phát triển tất yếu, khách quan, Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trong những năm qua, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện nhận thức, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; trên cơ sở đó, đề ra các chủ trương đúng đắn về: hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển, kết hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.

Qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, với kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng của một đảng cách mạng chân chính, Đảng ta luôn nhận thức rõ yêu cầu phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhờ đó, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từng bước được kiềm chế và đẩy lùi, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ, góp phần tạo nên dấu ấn nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của nhiệm kỳ Đại hội XII.

Sau gần 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, nhất là 10 năm gần đây, “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử,... chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay” (12). Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, tiếp tục khẳng định: Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

TỪ tấm gương của lãnh tụ thiên tài V.I.Lê-nin, chúng ta có niềm tin, bản lĩnh và quyết tâm để kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; có ý chí, sức mạnh và khát vọng mãnh liệt vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên kỳ tích Việt Nam, với tầm nhìn đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại hằng mong muốn.

1 C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t.4, tr.472.

2 V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2006, t.26, tr.447.

3 Xem: Nguyễn Anh Thái (Chủ biên): Lịch sử thế giới hiện đại (Tái bản lần thứ năm), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.10-11.

4 Xem: V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.44, tr.189.

5 V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr.358.

6 Xem: V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.43, tr.248.

7 V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.239.

8 Xem: V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 37, tr. 328 - 330.

9 Xem: V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr. 15.

10 Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.304, 289.

11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.12, tr.30.

12 Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở), Hà Nội, tháng 2-2020, tr.9.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44192802-di-san-cua-v-i-le-nin-gia-tri-ly-luan-va-thuc-tien-doi-voi-cach-mang-the-gioi-va-viet-nam.html