Di sản chưa được xếp hạng tại Thủ đô: Tìm hướng bảo tồn

Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội sở hữu một 'kho tàng' đồ sộ các di sản văn hóa vật thể. Tuy nhiên, song song với việc phát triển đô thị, việc bảo vệ giữ gìn các giá trị di sản chưa được xếp hạng đang gặp rất nhiều khó khăn vì những vướng trong cơ chế bảo tồn.

Di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) đã từng đứng trước nguy cơ biến mất, bởi một dự án xây dựng khu đô thị mới.

Thiếu giấy “thông hành”

Theo số liệu thống kê của Sở VHTT Hà Nội số di tích trên địa bàn Thủ đô hiện có 5.922 di tích.

Trong đó, có 1 di tích xếp hạng Di sản thế giới; 11 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích xếp hạng Quốc gia, 1.202 di tích xếp hạng Thành phố và 3.487 di tích chưa xếp hạng.

Có thể thấy so sánh số lượng di tích được “quan tâm” và chưa được “quan tâm” vẫn đang là khoảng cách qua lớn.

Chính vì nguyên nhân này khiến nhiều công trình dù tuổi đời hàng trăm năm tuổi vẫn phải “xếp hàng” đợi tu bổ bởi chưa được cấp tấm giấy “thông hành” là được xếp hạng di tích.

Đơn cử, trước đó với trường hợp Trường Đại học Dược ở 19 Lê Thánh Tông do KTS nổi tiếng Ernest Hébrard thiết kế, đã bị phá khuôn viên khi một phòng thí nghiệm được xây trong sân hồi đầu năm 2013, trong khi nơi này là tiêu biểu của phong cách kiến trúc Đông Dương.

Hay Di chỉ Vườn Chuối thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội với dấu vết hàng nghìn năm lịch sử đã từng đứng trước nguy cơ biến mất, bởi một dự án xây dựng khu đô thị mới.

Với những bài học nhãn tiền trên, Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ mất dần nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa.

Theo KTS Trần Huy Ánh- Ủy viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội, chỉ trong gần 90 năm trở lại đây, Việt Nam cũng như nhân loại đã không ngừng hoàn thiện các khái niệm, phương pháp tiếp cận để nhận diện các công trình kiến trúc có giá trị di sản di tích đô thị.

Ví dụ năm 2017, các chuyên gia di sản kiến trúc đô thị thế giới đã ghi nhận công trình Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội do KTS Lê Văn Lân thiết kế, được xây dựng và hoàn thành năm 1974 là công trình Di sản kiến trúc hiện đại của Việt Nam, đứng ngang tầm với các công trình tương tự của các KTS thế giới lừng danh thế kỷ XX.

Điều đó cho thấy những giá trị của di sản kiến trúc đô thị vừa có tính lịch sử vừa có tính thời đại.

Mặc dù, UBND TP Hà Nội xây dựng và ban hành danh sách các công trình kiến trúc khác xây dựng trước 1954 cần được bảo tồn.

Trong đó, có Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và trụ sở Bộ Ngoại giao, Phủ Chủ tịch, trụ sở Bộ Tư pháp, trụ sở Báo Văn nghệ quân đội, tháp nước Hàng Đậu, nhà thờ Cửa Bắc, cầu Long Biên, trường THPT Chu Văn An, nhà tù Hỏa Lò, nhà thờ Hàm Long, ga Hà Nội…

Cùng với danh mục các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần được bảo tồn, Hà Nội cũng công bố danh sách biệt thự cũ.

Cả hai danh mục trên đều thuộc nhóm phụ lục của Nghị quyết về việc ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954.

Tuy nhiên, thực tế dù đã triển khai nhiều năm nhưng đến nay nhiều di sản văn hóa, lịch sử đang đứng trước nguy cơ mai một do không nằm trong diện khoanh vùng bảo vệ.

Không nên cứng nhắc

Có thể thấy, khi chưa được công nhận, xếp hạng thì công trình sẽ do chủ đầu tư có quyền tự chỉnh trang tu bổ. Dẫn đến thực tế hiện nay nhiều khi công trình bị thi công sửa chữa rất tùy tiện.

Nguyên nhân chủ yếu là hội đồng đánh giá, xếp hạng di sản chưa hoạt động đúng mức và chịu sự tác động của các hoạt động khác trong xã hội.

Hiện nay hội đồng di sản chịu sự quản lý của Bộ VHTTDL, chưa có sự tham gia của người dân tại khu vực có di sản, chưa có thành phần các nhà khoa học chuyên môn ngoài ngành văn hóa như khảo cổ học, kiến trúc, lịch sử, mỹ thuật…

Việc đánh giá xếp hạng các di tích hiện chỉ theo tiêu chí khung cứng của Bộ VHTTDL. Một số công trình di sản có dấu ấn thời gian của đô thị, có giá trị nghệ thuật, hay tôn giáo, mang hồn cốt của dân tộc, địa phương còn đang bị lãng quên…

Chưa kể, tiêu chí đánh giá xếp hạng chưa sát với thực trạng của từng công trình. Việc kiểm tra, giám sát hay phát hiện di sản mới để đưa vào quản lý kiểm soát rất ít.

Nhiều công trình có giá trị ở các địa phương chưa được đưa vào xếp hạng.

Đa số các công trình được xếp hạng là các công trình có giá trị lịch sử đấu tranh trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Tỉ lệ công trình có giá trị nghệ thuật, kiến trúc còn thấp. Các chi tiết có giá trị nghệ thuật, kiến trúc trong di sản vì thế bị mai một, phá bỏ.

Chưa kể, nếu có được quan tâm thì do số lượng người tham gia trong công tác bảo quản, tu bổ trùng tu di sản đã ít nên nhiều công trình sau khi trùng tu đã bị biến dạng, thậm chí làm qua loa cho xong.

Xung quanh vấn đề này, KTS Lê Thành Vinh- nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích đánh giá: “Chúng ta đang khá cứng nhắc khi phân loại và tiếp cận di sản. Tiếp cận một di sản, dù được công nhận hay chưa, trước hết, phải tôn trọng và ứng xử khách quan, nhân văn”.

KTS Lê Thành Vinh cũng cho rằng nếu nhìn nhận giá trị di sản chỉ dựa trên trên phương diện hành chính là xếp hạng di tích sẽ dễ dẫn đến cực đoan. Bởi trong thực tế, nhiều di sản chưa được xếp hạng, nhưng giá trị văn hóa, lịch sử của nó là không thể phủ nhận, chưa kể, còn có nhiều di sản khác có vai trò quan trọng trong cấu trúc không gian, tạo lập giá trị lịch sử, văn hóa.

Khắc phục tình trạng này, cần có những danh sách khác, những cách phân loại khác để khẳng định giá trị của các di sản phụ trợ thông qua việc bổ sung các quy định chi tiết hơn về di sản đô thị, các nhân tố cấu thành di sản đô thị trong Luật Di sản văn hóa.

“Trong phạm vi đô thị của mình, nhà quản lý ở các góc độ đô thị, kiến trúc, văn hóa… cũng cần có những quy định phù hợp để giữ lại giá trị của các nhân tố đã trở thành di sản”- KTS Vinh góp ý.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/di-san-chua-duoc-xep-hang-tai-thu-do-tim-huong-bao-ton-tintuc408814