Đi sai luồng tuyến, sà lan mắc kẹt vào cầu Rạch Cát

Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường vụ sà lan mắc kẹt dưới cầu Rạch Cát (TP.Biên Hòa) để điều tra vụ việc

Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường vụ sà lan mắc kẹt dưới cầu Rạch Cát (TP.Biên Hòa) để điều tra vụ việc

(ĐN)- Liên quan đến vụ sà lan 500 tấn mắc kẹt vào cầu Rạch Cát, các cơ quan chức năng đã xác định, bước đầu do sà lan đi sai luồng, vi phạm các quy định trong Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Như tin Báo Đồng Nai đã đưa, trước đó vào khoảng 18 giờ ngày 5-12, một sà lan tự hành loại 500 tấn dài khoảng 30m, cao gần 4m mang số hiệu ĐT-25683 (không chở hàng) lưu thông trên sông Cái (nhánh sông Đồng Nai) theo hướng từ cầu Đồng Nai đi cầu Hóa An thì bất ngờ cabin phía sau sà lan vướng vào thành cầu.

Thời điểm sà lan mắc kẹt, triều cường nước sông Đồng Nai đang lên nhanh, khiến sà lan không thoát ra được. Để “giải cứu” sà lan, lực lượng tham gia đã tiến hành bơm nước vào khoang sà lan để nhấn chìm xuống. Sau đó, dùng máy khoan, cắt thủng một số điểm dưới bụng sà lan nhằm cho nước vào nhanh hơn.

Trong khoảng thời gian này, 2 đoàn tàu hỏa chở khách đang lưu thông qua cầu Rạch Cát nên để đảm bảo an toàn nhân viên đường sắt đã báo động, cho tàu chạy với tốc độ rất chậm (5km/giờ). Đến 20 giờ tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã đưa thành công sà lan ra khỏi gầm cầu. Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định, do sà lan đi sai luồng, vi phạm các quy định trong Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, hiện Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp cùng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, giám sát chất lượng cầu vượt Rạch Cát sau khi bị sà lan va vào, cũng như khẩn trương xác định thiệt hại sự cố trên để có biện pháp đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua lại.

Cầu Rạch Cát có chiều dài hơn 125 m, với ba nhịp. Cầu đươc xây dựng đầu thế kỷ 20 cùng với cầu Ghềnh. Cả hai cây cầu vượt sông Đồng Nai này đều do hãng Eiffel thiết kế, chế tạo và hoàn thành vào năm 1903. Tháng 3-2016, cầu Ghềnh sập sau khi bị sà lan tông. Đến tháng 7-2016, cầu Ghềnh mới được khôi phục, lưu thông trở lại.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202012/di-sai-luong-tuyen-sa-lan-mac-ket-vao-cau-rach-cat-3033701/