Đi rừng nhặt được viên đá quý 5 tỷ, vạn người đào núi tìm vận may

Nghe theo những tin đồn thất thiệt, rất nhiều người đổ xô lên núi tìm đá quý. Nhưng đá quý chẳng thấy đâu, có người còn phải bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc.

Kéo lên núi Yên Bái vì tin đồn đào được đá quý 5 tỷ

Khoảng hơn 1 tuần nay, hàng nghìn người dân huyện Lục Yên (Yên Bái) đổ xô lên núi thuộc xã Liễu Đô để đào tìm đá quý. Việc người dân đổ xô lên núi đào đá xuất phát từ tin đồn một người dân ở huyện Lục Yên tìm được viên đá trên rừng to bằng ngón tay và bán với giá 5 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết, có ngày cao điểm số lượng người kéo lên núi đến khoảng 1.000 người.

Hàng trăm người đổ xô lên núi đào đá quý ở Yên Bái. Ảnh: An Phương

Hàng trăm người đổ xô lên núi đào đá quý ở Yên Bái. Ảnh: An Phương

Bí thư Đảng ủy xã Liễu Đô Hoàng Công Lệnh chia sẻ, có người ở xã tìm được đá xanh quý, nhưng rất hiếm. Giá trị của đá cũng chỉ khoảng vài triệu đồng chứ không như đồn thổi là "đá bằng ngón tay giá 5 tỷ đồng".

Sau nhiều lần, nhiều ngày với công việc đào, xúc, bới, nhặt rồi đập ra chỉ là những viên đá sỉ, không ít người đành xuống núi trong bộ dạng rệu rã, thất vọng. Đá quý chưa thấy đâu, nhưng đất bị cày xới, cây cối bị chặt phá, chưa kể nguy hiểm luôn rình rập với phu đá khi đường đi phải vượt qua vách đá tai mèo.

Điều đáng nói, những năm 1980-1990, huyện Lục Yên từng được coi là "thủ phủ" của đá quý. Sau nhiều năm khai thác quá mức, các mỏ đá ở địa phương đã dần cạn kiệt.

Dân đổ xô ra sông ở Phú Thọ tìm đá quý

Vào tháng 4/2017, hàng trăm người dân ở khắp nơi tụ tập tại khu vực bờ sông Chảy (thuộc địa phận thôn 2, xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) để đãi cát, bới sỏi mong tìm được một vài viên đá quý giúp họ đổi đời.

Hàng trăm người bỏ việc ra bờ sông Chảy, thuộc địa phận xã Đồng Khê, đãi cát tìm đá quý.

Việc tìm kiếm bắt nguồn từ thông tin một người dân đi giặt quần áo và nhặt được một viên đá quý và bán với giá hơn 100 triệu đồng, một số người khác nhặt được những viên đá nhỏ bằng hạt ngô bán với giá 10-20 triệu. Tin đồn lan xa, khiến không chỉ người dân xã Đồng Khê mà hàng trăm người các xã thuộc huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái), tỉnh Tuyên Quang cũng đổ xô về đây thử vận may.

Tuy nhiên, chính quyền xã Đông Khê xác nhận với báo giới, thông tin này chỉ là tin đồn. Những người được cho là nhặt được đá quý nói là không có chuyện đó.

Đổ xô đi đào đá đen dưới đáy hồ thủy điện Sông Hinh

Cuối năm 2018, hàng trăm người đổ đến vùng lòng hồ thủy điện Sông Hinh (Phú Yên) để đào đá đen, gây mất tình hình an ninh trật tự.

Nhiều gia đình cùng đi đào đá đen tìm vận may.

Cách đó khoảng một năm, cũng có người đi đào đá đen bán cho người đi thu mua đồng nát với giá 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 7/2018, đá đen bỗng có giá lên đến cả triệu đồng nên dân trong vùng đổ xô đến đây đào để bán cho đầu nậu. Họ mua với giá từ 300.000 đồng đến 4 triệu đồng/kg đá đen.

Tại khu vực xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), từng tốp người rất đông mang theo những dụng cụ như: cuốc, xẻng, xà beng tiến vào lòng hồ để đào đá đen. Có người thì tìm được đá đen chỉ sau vài lớp đất, có người thì phải đào sâu, tạo hàm ếch lút cả đầu người mới tìm thấy đá đen,...

"Xới tung" rừng ở Thanh Hóa để tìm đá quý

Không chỉ xảy ra hiện tượng khai thác gỗ trái phép mà tại khu vực rừng thuộc xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa còn diễn ra tình trạng khai thác đá xanh. Việc người dân vào rừng mong tìm cơ hội đổi đời đã khiến cho tình hình an ninh rừng có những thời điểm rất phức tạp. Cũng bởi thế, dưới những tán cây rừng nơi đây đã bị đào xới nham nhở.

Cảnh tan hoang trong rừng Xuân Lẹ, Thường Xuân.

Một phu đá tâm sự: Đây là nghề may rủi, có những thời điểm đào bới cả tháng trời chẳng được gì, nhưng nếu may mắn, chỉ cần đào được đá xanh quý hiếm thì có cơ hội đổi đời.

Nhưng không phải ai đến đây cũng đều gặp được may mắn. Thậm chí, đã có nhiều người phải bỏ mạng giữa rừng cũng chỉ vì vào rừng đi đào đá xanh.

Cơn sốt 'đá đỏ' Quỳ Châu và những ký ức đau thương

Vùng đất Châu Bình (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) hơn 30 năm trước nổi tiếng cả nước vì những viên đá đỏ trị giá hàng tỷ đồng và 'cơn lốc' khai thác đá đỏ.

Người ta rỉ tai nhau về ai đó trúng được viên đá đỏ giá cả trăm triệu đồng ở đồi Triệu. Lại có tin, một thanh niên trúng viên rubi hàng tỷ đồng trên đồi Tỷ. Đá đỏ ở Quỳ Châu nhiều đến nỗi có cậu bé chăn trâu rỗi việc bới lại những đám đất mà cửu vạn hất lên cũng kiếm được viên đá cả chục triệu đồng.

Đá đỏ và khu vực hồ nước ở ngọn Mồ Côi cạnh đồi Tỷ, nơi từng xảy ra vụ sập hầm làm 75 người chết.

Không ai biết chính xác đá đỏ Quỳ Châu được phát hiện từ bao giờ. Theo một số người dân bản địa kể lại, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, có một nhóm cán bộ địa chất từ ngoài Hà Nội vào khảo sát vùng đất này. Tình cờ, họ phát hiện một viên đá to bằng ngón tay, có màu đỏ tươi và hình thù rất đẹp. Tò mò, họ đem về Hà Nội nghiên cứu, sau đó bán viên đá cho người nước ngoài với giá gần 3 tỷ đồng. Sau đó, thông tin bị lộ và gây ra một “cơn sốt” đổ xô đi tìm đá đỏ.

Thời đó, có hàng vạn người đổ xô về Quỳ Châu để tìm vận may. Nhưng đã có hàng trăm người bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc.

Những cuộc tìm kiếm đá màu, khiến những cánh đồng bị xới tung từng mảng, chỉ còn là những cái hố sâu hoắm, hở hàm ếch lọt đến cả chục người. Cũng vì thế, vùng đất Châu Bình đang yên bình bỗng dưng trở thành “lãnh địa máu” với những trận chém giết kinh hoàng để tranh giành lãnh địa.

Chủ tịch UBND xã Châu Bình thừa nhận khi cơn lốc đá đỏ quét qua đã làm cuộc sống người dân Châu Bình quay cuồng trong bệnh tật, tệ nạn, chết chóc nhưng giấc mơ đá đỏ vẫn chưa từ bỏ được.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/nghe-theo-tin-don-do-xo-len-nui-tim-da-quy-548507.html