Đi qua làng cổ (Kỳ 2: Cuộc đấu tranh giữa cũ và mới)

“Thành phố có thể xây, phá và xây lại, càng về sau càng nguy nga. Tòa thiên nhiên và di sản để hoài niệm về một ký ức thật xa xôi mà cha ông đã phải đánh đổi bằng máu, xương thì không như vậy... Đà Nẵng cũng đã đến lúc ngoái lại, nhìn lại chặng đường phát triển của mình”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Cửu Loan - Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng trước tác động của quá trình đô thị hóa thời gian qua xét về khía cạnh văn hóa, lịch sử.

Việc cư dân, nhất là ngư dân bản địa phải rời xa địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng để dành đất cho đô thị hóa cũng góp phần làm mai một bản sắc.

Việc cư dân, nhất là ngư dân bản địa phải rời xa địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng để dành đất cho đô thị hóa cũng góp phần làm mai một bản sắc.

CẦN THIẾT PHẢI NHÌN LẠI

Nói về sự cần thiết dừng lại để nghĩ thêm về phát triển theo chiều sâu, muốn nhắc về việc sử dụng tài nguyên đất, cảnh sắc thiên nhiên sao cho chừng mực, sao cho khỏi quá tay, để phần và dành dụm cho con cháu, ông Loan cho rằng, Đà Nẵng đang sở hữu một giang sơn đủ cho một quốc gia mà nhiều nước muốn có cũng không thể có. “Đà Nẵng đang là chủ một Việt Nam thu nhỏ, chớ nên vội vã vắt kiệt vùng đất ven biển, hãy để cho Sơn Trà là một quỹ dự trữ, hãy đắn đo khi chiếm lĩnh những khoảng không gian giữa thành phố và vùng rừng núi, hãy biết trân trọng những gì còn sót lại, giữ lấy nó bởi di sản đâu có nhiều”, ông Loan nói. Theo ông Loan, cần tạo dựng cảnh quan đặc trưng, không gian đô thị truyền thống có cá tính vùng, địa phương là rất quan trọng, đừng để hình ảnh của Đà Nẵng hiện lên với sự khô cứng và vô cảm.

Ông Nguyễn Cửu Loan nhìn nhận, Đà Nẵng đã có thành công, nhưng Đà Nẵng vẫn phải tìm hướng mới để vươn cao, vươn xa. “Đà Nẵng chưa phải là những muộn màng, phải thật sự nhìn nhận tiếp cận để đánh giá những gì ta làm hôm qua nhằm nhận biết đô thị Đà Nẵng trong vai trò lịch sử của nó, xem xét nó từ các phương diện: tính chất đô thị, hình thái đô thị, diện mạo đô thị, văn hóa đô thị, tinh thần đô thị, để làm cơ sở thực hiện những lộ trình trong tương lai”, ông Loan kiến giải. Là một công dân Đà Nẵng, ông hy vọng những người hoạch định chính sách và quản trị đô thị, những người thiết kế đô thị đảm nhận những trách nhiệm đích thực nặng nề trước cộng đồng xã hội. “Phải luôn nghĩ rằng đồng bào mình sống hôm nay ra sao? Con cháu mình mai này sống thế nào? Tất cả đều phụ thuộc cái tầm mà chúng ta đang nghĩ, ở cách chúng ta đang làm, ở văn hóa mà chúng ta đang ứng xử. Biết hiểu thấu và giải quyết thỏa đáng những nhu cầu của cộng đồng chắc chắn sẽ tạo ra những cái đẹp cho hôm nay và để lại những di sản cho mai sau”, ông Loan nói.

Nói về vấn đề “đô thị và cuộc đấu tranh cũ - mới”, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, các đô thị cũ đều có những tích lũy lớn nhỏ. Tích lũy vật chất là quỹ kiến trúc đô thị. Tích lũy tinh thần là truyền thống lịch sử và văn hóa, là nếp sống thị thành. Quỹ kiến trúc đô thị không được tiếp tục sử dụng là một sự phí phạm. Sử dụng mà không tái tạo, nó thành ứ tồn lịch sử, không chung sống cùng cơ thể đô thị hiện đại. Quỹ tinh thần mà không tinh gọn và kế thừa, thì chẳng khác gì tự chặt rễ. Đô thị đánh mất đi cái hồn cùng cốt cách, tạo nên bởi thời gian và sự cộng sinh.

“Đô thị, hễ gián đoạn với dĩ vãng, là đánh mất chỗ dựa và bộ nhớ. Quỹ kiến trúc đô thị và quỹ giá trị tinh thần là những di sản, chứ không phải là di tích. Chúng không cần lưu giữ nguyên vẹn. Những di sản đô thị, vật chất và tinh thần, không thể và vô nghĩa nếu đặt vấn đề “di tích hóa”, “bảo tàng hóa”. Chúng chỉ có ý nghĩa khi tiếp nối dòng chảy tự nhiên của mỗi đô thị trên lộ trình bảo tồn – sàng lọc – thích ứng, góp phần tạo nên những tích lũy trong sự tiến hóa không ngừng của đô thị”, GS Hoàng Đạo Kính đánh giá.

Tại các hội thảo “hiến kế” để phát triển Đà Nẵng được tổ chức thời gian qua, nhiều chuyên gia khẳng định, phát triển nói chung, phát triển du lịch - dịch vụ nói riêng là xu thế tất yếu của Đà Nẵng, nhưng không phải bằng mọi giá, và càng không phải ăn xổi ở thì. Bên cạnh đô thị hóa thì việc giữ được làng quê, nghề truyền thống, giữ được văn hóa thì mới có được sản phẩm du lịch riêng có, khác biệt. Điển hình như Hội An. Nhờ giữ được làng chài, làng rau, làng gốm, làng mộc… thì người đánh cá, người trồng rau, cuốc ruộng, đến đứa trẻ chăn trâu cũng có thu nhập. Ngược lại du khách cũng được sự hấp dẫn bởi sự trải nghiệm thú vị, bổ ích. Đó cũng chính là hướng phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững. Làm khách sạn, khu nghỉ dưỡng thì chỉ có nhà đầu tư hưởng lợi, người dân thì “lưu vong trên chính mảnh đất của mình”.

Nét văn hóa truyền thống chỉ được nỗ lực lưu giữ qua các lễ hội hàng năm, rất ít khi được phổ biến, lưu truyền trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày.

CHƯA ĐẦU TƯ ĐÚNG MỨC CHO VĂN HÓA

“Có một thời gian rất dài, Đà Nẵng không, hay nói đúng hơn là chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư cho văn hóa”, ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng khẳng định. Lấy dẫn chứng từ những năm 2014 về trước, kinh phí đầu tư cho văn hóa quá thấp nên ngành văn hóa không đủ để tổ chức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nói chung, trong đó có tín ngưỡng, văn hóa biển. Từ năm 2015 trở lại đây, nhận thức và hành động của các cấp chính quyền có sự thay đổi lớn, kéo theo đó, kinh phí đầu tư cho văn hóa cũng được quan tâm hơn. Trước đây, do nhận thức cho rằng tín ngưỡng của cư dân ven biển mang yếu tố mê tín dị đoan, cho nên không được quan tâm lắm. Rất may trong những năm gần đây, TP Đà Nẵng đã kịp thời thấy được vấn đề và có một số giải pháp cụ thể để khắc phục. Trước hết, Đà Nẵng thấy được vai trò, vị trí của kinh tế biển - là một trong 3 trụ cột chính. “Kinh tế biển không nói đến văn hóa, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến văn hóa. Khi kinh tế biển phát triển thì đó là nền tảng, điều kiện để cho văn hóa, tín ngưỡng phát triển. Chủ trương này thể hiện trong rất nhiều các Nghị quyết, Chỉ thị của Thành ủy, các quận, huyện ủy; đặc biệt mới nhất là trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị”, ông Hùng nói.

Còn theo TS Lê Thị Thu Hiền – giảng viên khoa Lịch sử (Trường ĐHSP Đà Nẵng), sự nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng cư dân ven biển là đáng ghi nhận, trân trọng. Tuy nhiên, mới chỉ là những kết quả ban đầu, trên thực tế vấn đề này vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Nổi lên là, nội dung các Nghị quyết Đại hội Đảng của thành phố và các quận ven biển Đà Nẵng cho thấy, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa, tín ngưỡng cư dân ven biển hầu như ít được đặt ra trong nội dung các kỳ Đại hội và đưa vào Nghị quyết. Nếu có thì cũng rất sơ lược, khái quát, không cụ thể. “Sự thiếu định hướng rõ ràng, cụ thể từ phía chính quyền địa phương các cấp đã dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ trong quá trình triển khai, thực hiện và giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác bảo tồn tín ngưỡng, lễ hội của cư dân ven biển Đà Nẵng”, TS Hiền khẳng định.

Đồng quan điểm với ông Huỳnh Văn Hùng, TS Hiền cho rằng đầu tư cho văn hóa của thành phố Đà Nẵng tuy có tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa tương xứng với phát triển kinh tế. “Dù ngân sách đầu tư cho văn hóa có tăng nhưng chưa cao, chủ yếu tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa mang tính hiện đại, chưa đầu tư mạnh và đầu tư thường niên cho văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, đặc biệt là văn hóa, tín ngưỡng biển”, TS Hiền cho hay; đồng thời dẫn chứng thêm, trong công tác quy hoạch kinh tế - xã hội - văn hóa những năm qua của thành phố cũng như các quận ven biển, chính quyền vẫn chưa chú ý đến việc bảo tồn không gian làng biển cổ - không gian thực hành văn hóa tín ngưỡng cổ truyền của cư dân ven biển. Vì vậy, hầu hết các làng biển xưa ở Đà Nẵng như làng Nam Ô, Mỹ Khê, Mỹ Thị, Tân Lưu... đều đã và đang đứng trước nguy cơ bị biến mất, mà trước mắt là sự biến mất về không gian cư trú, không gian sinh hoạt, tiếp đó sẽ là không gian sản xuất và các hình thái văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. “Nói cách khác, thành phố chưa coi văn hóa biển truyền thống và kinh nghiệm đi biển được truyền đời của ngư dân Đà Nẵng là di sản cần được lưu giữ và phát huy trong chính môi trường đã sản sinh, gìn giữ và trao truyền nó”, TS Hiền nói.

(Còn nữa)

DOÃN HÙNG

Thời gian qua, chính quyền thành phố, ngành du lịch và các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để tạo ra thật nhiều các sản phẩm du lịch giải trí mới, hiện đại. Tuy nhiên, thực tế thì phần lớn các sản phẩm ấy chưa thật sự ấn tượng và khác biệt so với các thành phố biển khác. Du khách muốn trải nghiệm, tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người bản địa thì rất hiếm, có chăng cũng chỉ tìm thấy ký ức mong manh ở một vài bảo tàng hoặc di tích ít ỏi còn sót lại.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_221804_di-qua-lang-co-ky-2-cuoc-dau-tranh-giua-cu-va-moi-.aspx