Đi nhờ xe và 'couchsurfing' ở Tây Úc

Khi ngẫm lại hành trình du lịch bụi qua Tây Úc, tôi thấy mình như Cheryl Strayed – nhân vật chính trong bộ phim “Wild”. Tôi may mắn hơn cô ở lý do của sự khởi hành: không phải lên đường vì muốn bù đắp cho mình sau quá nhiều mất mát, đớn đau (cùng lắm, với tôi chỉ là những chênh vênh của tuổi trẻ), nhưng giống nhau ở chỗ chúng tôi đã gặp rất nhiều người, chứng kiến nhiều câu chuyện dọc đường để học được cách đổi thay suy nghĩ và cách sống. Hành trình “couchsurfing” ở quê hương của những chú kangaroo đã khiến tôi nghĩ nhiều hơn về hai chữ “gia đình” và về việc khi nào thì tôi sẽ thực sự dừng chân.

ĐỪNG HY VỌNG BẤT KỲ ĐIỀU GÌ KHI “COUCHSURFING”
Không phải tôi hù dọa gì đâu, đó là điều đầu tiên mà bạn nên nhớ khi du lịch theo kiểu couchsurfing, nôm na là du lịch bụi. “Couchsurfing” cũng là tên của một mạng xã hội tập hợp những người thích du lịch trên khắp thế giới, nơi bạn có thể tìm kiếm những người sẵn sàng cung cấp các chỗ ở miễn phí. Từ “couch” nghĩa là mặt phẳng, ám chỉ việc bạn có thể sẽ phải ngủ trên ghế sofa hay một chỗ cắm trại ngoài sân vườn (yên tâm, không ai để bạn ngủ trong chuồng gia súc đâu!).

Không thể phủ nhận tài chính có hạn là một trong những lý do khiến tôi chọn kiểu du lịch này. Nhưng trên hết, tôi cần những trải nghiệm. Khi đi nhờ xe người lạ, tôi có cơ hội cảm nhận sự tử tế và lòng tin. Hơn thế nữa, đi nhờ xe là một phong cách du lịch chỉ dành cho những người tự do về mặt thời gian lẫn tinh thần. Bạn không biết nên trông đợi điều gì khi bắt đầu một ngày mới: không biết người nào sẽ dừng xe lại, càng không biết hành trình sẽ đưa bạn đến đâu. Trong trường hợp không bắt được xe, bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần cắm trại ở một nơi nào đó. Với tôi, đó là điều tuyệt vời nhất của “couchsurfing”. Không gò bó vào một lịch trình cụ thể, không phải suy nghĩ đi đâu – ăn gì – chơi gì, tôi tự do chào đón những điều ngoài mong đợi, và dĩ nhiên, những điều ấy cũng miễn phí!

NHỮNG BUỔI CHIỀU TÂY ÚC
Vì muốn dành thời gian tìm hiểu về cuộc sống nông trại, gần gũi thiên nhiên để nhìn rõ hơn những hoạt động hằng ngày của người Tây Úc, tôi dành phần lớn thời gian ở Bunbury thay vì Perth – thành phố đông dân là thủ phủ tiểu bang Tây Úc. Bunbury quyến rũ tôi bằng những buổi chiều hoàng hôn rực rỡ, những căn nhà tràn ngập hoa hồng, cuộc sống năng động nhưng hoàn toàn không mất đi sự thong thả. Tôi nhận thấy người Úc may mắn hơn chúng ta khi không phải chật vật với cuộc sống mỗi ngày, có lẽ vì thế mà họ biết cách cân bằng hơn. Nếu ở Tây Úc một khoảng thời gian đủ lâu (hơn 20 ngày) giống tôi, bạn sẽ thấy hình ảnh những gia đình cùng đạp xe trên đường, cắm trại, câu cá, dã ngoại, những người lớn tuổi kéo camper van (dạng nhà di động trên xe tải) khắp các nẻo đường, qua đêm ở một khu cắm trại tự do bên vách đá, một bờ biển, hay một khu rừng... là điều hoàn toàn quen thuộc. Ngắm nhìn họ, một thứ cảm xúc mềm mại đã nảy nở trong lòng tôi. Sự hào hứng khám phá những vùng đất mới thoáng chốc nhường chỗ cho khao khát muốn có một gia đình, dạy dỗ lũ trẻ của mình theo cách năng động và tự lập, tận hưởng những ngày bình yên. Tôi bước đi trong khu rừng, len lỏi giữa ánh nắng chiều xuyên qua những ngọn cỏ khô đượm màu vàng óng, lạc vào cõi bình yên trong khoảnh khắc giao thoa giữa ngày và đêm.

Châu Úc có diện tích rộng gấp 23 lần Việt Nam nhưng dân số chỉ nhỉnh hơn 1/4 dân số nước ta, khoảng 25 triệu người, nên việc xây nhà cao tầng trong khu dân cư là điều không cần thiết. Ở Bunbury, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những căn nhà trệt rộng rãi với phòng khách lắp kính trong suốt đủ để người ngoài nhìn thấy rõ trong nhà có một người phụ nữ luống tuổi đang ngồi đọc sách, một chiếc lò sưởi được chất đầy củi, một căn bếp có bộ bàn ghế trắng tinh được điểm thêm những lọ hoa... Ở bên ngoài, những viên gạch lát tường cổ điển, bãi cỏ xanh mướt, mùi hoa hồng tràn ngập trong sân hoàn toàn không có điểm tương đồng với những ngôi nhà cao tầng siêu mỏng, siêu bức bí tôi vẫn thấy ở Sài Gòn.

Những buổi chiều ở Tây Úc, bạn tôi thường rủ tôi đi bắt ghẹ ở một vịnh gần nhà. Chúng tôi bắt chước một nhóm gần đó, lội bì bõm trong làn nước cao tới đầu gối, người cầm vợt, người cầm giỏ, mắt dò tìm những con ghẹ. Đơn giản hơn thì đứng trên cầu quăng những cái bẫy có gắn sẵn mồi. Ở một đất nước mà vật giá đắt gấp 10 lần Việt Nam, số ghẹ miễn phí này quả là điều may mắn. Tuy nhiên, việc bắt ghẹ cũng phải tuân thủ những quy định, chẳng hạn như chỉ được bắt ghẹ cái có chiều dài mai nhỏ hơn 127mm, người nào bắt nhiều hơn 10 con có thể bị phạt đến 200 đô Úc hoặc hơn. Buổi đầu tiên, tôi bắt được 10 con ghẹ. Tối ấy chúng tôi đã có một bữa tươi với món ghẹ luộc chấm muối tiêu. Tôi định mua thêm chút bia nhưng những người bạn Tây đồng hành đã kịp ngăn cản, họ bảo: “Bia ở đây đắt lắm, chỉ có bia ở Việt Nam mới rẻ thôi. Việt Nam quả là thiên đường du lịch!”.

LÒNG TỐT CỦA NGƯỜI LẠ
Đó là món quà lớn nhất đối với tôi trong suốt hành trình tự do trải nghiệm thiên nhiên và cuộc sống của người bản xứ. Giờ đây khi nghĩ lại chuyến đi này, tôi nhớ về Susan, người đã cho chúng tôi ở nhờ tại Capel trước khi vượt sa mạc Úc đến thành phố cảng Sydney.

Susan chuẩn bị chỗ cho chúng tôi trong một chiếc camper van xinh xắn có đầy đủ nội thất từ tủ lạnh đến tivi, sofa và giường nệm thật êm với khăn trải nhiều màu sắc.

Trước “nhà” là bãi cỏ xanh mướt được tưới bằng hệ thống tự động, một chiếc võng mắc giữa mấy cây bạch đàn cao chót vót - nơi chúng tôi thường nằm ngắm trăng mỗi buổi tối. Xa xa sau đám cây là một cái hồ mênh mông đang mùa nước cạn, xâm xẩm tối sẽ thấy thấp thoáng bóng những chú kangaroo tới ăn cỏ. Cả căn nhà, cả khu vườn lọt thỏm trong một rừng cây của khu bảo tồn thiên nhiên Capel.

Susan làm công việc thiết kế, là một cô gái thông minh và tự tin. 30 tuổi, cô sở hữu tất cả những thứ mà tôi – một người cùng lứa với cô ao ước: một căn nhà riêng, một khu vườn rộng rãi. Tốt nghiệp 2 trường đại học và làm việc vất vả suốt 7 năm qua, tất cả những gì tôi gom góp được chỉ là chi phí cho chuyến đi đến nước Úc xinh đẹp này.

Tôi luôn bị cuốn hút bởi khu vườn của Susan. Vườn chỉ có vài cây cà chua, bí ngòi, hành tây, các loại rau… đủ để cung cấp lương thực ngày qua ngày cho một người, nhưng điều đặc biệt nằm ở cách Susan chăm sóc khu vườn. Cô nuôi một nông trại giun để phân hủy rác thải hữu cơ trong bếp, tạo thành chất mùn đầy dinh dưỡng, bằng cách này rác thải được tái sinh, bắt đầu một cuộc sống mới trong vườn rau. Tất cả tạo thành một vòng tròn khép kín. Lối sống tự lập, lành mạnh của Susan đã gợi cho tôi một ý tưởng rất hay về cuộc sống khi về già, một cuộc sống đơn giản tự cung tự cấp.

Sau vài ngày lưu lại, chúng tôi chia tay Susan để tiếp tục hành trình. Đi nhờ xe tại Tây Úc thú vị ở chỗ những người dừng xe thường là người già. Họ cho chúng tôi ngồi ké một đoạn đường đủ dài để nghe những mẩu chuyện của họ, tôi đáp lại bằng câu chuyện của kẻ lữ hành. Ở điểm rẽ, họ sẽ thả chúng tôi xuống với nụ cười niềm nở, đôn hậu và không quên chúc mọi điều tốt lành. Buổi sáng đã bắt đầu như thế với rất nhiều niềm vui, và tôi còn cảm nhận được sự ấm áp từ tình yêu thương, niềm tin của những người xa lạ.

Chúng tôi đi xuyên qua vườn quốc gia Frankland rợp bóng cây xen kẽ những gốc đen trơ trọi còn sót từ vài vụ cháy nhiều năm trước, rồi cứ thế ngang qua những vườn mận, vườn đào trĩu quả ở Denmark, Albany. Sau này, khi đã ăn mận từ những vùng khác của nước Úc, tôi mới nhận ra mận ở Denmark và Albany vừa ngon vừa rẻ, tôi có thể ăn mãi những trái mận chín mọng ngọt lừ được bán với giá chỉ 2-3 đô/kg.

Julie là người lạ tốt bụng tiếp theo “nhặt” tôi trên đường. Cô mang quốc tịch Pháp, đến Úc từ nửa năm trước với tấm visa lao động kỳ nghỉ. Theo xe của Julie, tôi tiến vào Esperance, thành phố lớn cuối cùng của Tây Úc trước khi chạm chân tới sa mạc Nam Úc. Nơi này nổi tiếng với những bãi biển dài, cát trắng mịn như tuyết và nước xanh lấp lánh như pha lê nhưng cũng là một vùng đất rất khô hạn. Vụ cháy lớn vài ngày trước khiến vịnh Lucky buộc phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc tôi phải dẹp bỏ mơ mộng được ngã mình trên bãi cát, vuốt ve những chú kangaroo. Tôi đổi hướng đến Blue Heaven - bãi biển duy nhất mở cửa lúc này.

Những lời đồn đại về bãi biển đẹp nhất nước Úc tại Esperance là có thật. Tôi đã tin điều đó khi đứng ngắm Blue Heaven từ đỉnh đồi. Mặc cho những ngày hè nóng bức, mặc cho những trận cháy rừng khắc nghiệt, nước biển vẫn lạnh cóng, cái lạnh sâu thẳm từ vùng biển Ấn Độ Dương. Thêm bãi cát trắng mịn như tuyết, tôi đã nghĩ đến chuyện sẽ chụp vài tấm hình để khi về nhà có thể mang ra tán phét với chúng bạn về việc mình đã “siêu nhân” như thế nào khi chỉ mặc độc một bộ bikini ở nơi lạnh lẽo đầy “tuyết”.

Cùng những người bạn đồng hành mới quen, tôi còn phải tới Norseman, theo con đường chạy dọc rìa lục địa tiến vào Nam Úc - phần khô nhất của nước Úc. Phải, tôi đã nghĩ nhiều hơn về việc sẽ có một cuộc sống bình yên, nhưng đó là khi về già, bây giờ, tôi vẫn còn một hành trình thú vị đang chờ đợi phía trước! Khám phá thế giới không chỉ là việc tồn tại trong giấc mơ, chỉ cần đặt bước chân đầu tiên, hành trình sẽ đưa chúng ta đi đến nơi mình muốn.

Bài & ảnh LUCY NGUYEN
Thiết kế ANH HOA

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/magazine/di-nho-xe-va-couchsurfing-o-tay-uc/