'Dị nhân' U70 chi 50 tỷ đồng làm tổ cho cò

Nhiều năm nay, ông Mai Văn Quân (SN 1958), trú tại xã Hà Ngọc (Hà Trung, Thanh Hóa) tự bỏ tiền xây tường rào, trồng cây để tạo cảnh quan, làm nơi trú ngụ cho hàng vạn con cò, vạc trong khuôn viên nông trang rộng gần 22ha của mình.

“Dị nhân” làm tổ cho cò

Trang trại của ông Quân nằm ngay trung tâm của một vùng đầm lầy chiêm trũng, ba mặt là núi, đan xen một vài quả đồi, gò đất, tạo thế uốn lượn rất đẹp mắt. Ông Quân kể: "Khoảng năm 2004, tôi nhận thuê 8 ha đồng lau sậy chiêm trũng để làm nông trang. Đến năm 2014, chính quyền địa phương kêu gọi tôi thuê thêm 13 ha khu lòng hồ ngập nước. Đã có nhiều đơn vị tới khảo sát, nhưng họ đều lắc đầu bỏ đi vì thấy khó sinh lời. Thấy vậy, tôi nhận rồi đắp đường sá, cải tạo cảnh quan. Khi tôi nhận thuê khu vực này, số lượng cò hàng đêm về trú ngụ ngày càng đông. Cái duyên của tôi với đàn cò và mảnh đất này đã đến như vậy".

Sau khi nhận khu đất mới này, việc đầu tiên “dị nhân” nghĩ tới là làm sao bảo vệ được đàn cò. Ông xem mục tiêu này là trung tâm trong kế hoạch cải tạo và xây dựng, cho dù có khó khăn vất vả tới đâu. Đàn cò là biểu tượng, cũng là cái hồn của làng quê Việt. “Từ bé, mỗi khi đi chăn trâu cắt cỏ, tôi đã được ngắm nhìn đàn cò bay lượn và thường thả hồn mình theo chúng”, ông Quân nói.

Khu đất này rộng nên việc bảo vệ đàn cò gặp rất nhiều khó khăn. Việc ông Quân bỏ cả đống tiền xây dựng hệ thống tường rào bao quanh 22 ha trang trại vì mục đích bảo vệ đàn cò khiến nhiều người bảo ông gàn dở. “Nhưng vì yêu thiên nhiên, muốn nhìn thấy đàn cò hàng ngày về đây trú ngụ nên tôi bỏ ngoài tai tất cả và quyết tâm để làm. Vì tôi thấy việc bảo vệ đàn cò có một ý nghĩa đặc biệt”, người đàn ông đã luống tuổi bộc bạch.

"Dị nhân" U70 chi 50 tỷ đồng làm tổ cho cò

"Dị nhân" U70 chi 50 tỷ đồng làm tổ cho cò

Ngoài những bụi tre lớn là nơi làm tổ chính cho đàn cò, ông Quân còn trồng nhiều loại cây khác như đa, bồ đề, si, xà cừ, dừa, sưa, sấu... và nhiều cây ăn quả như ổi, chuối, táo... Những loại cây này vừa là nơi làm tổ và cũng là thức ăn cho chim chóc sinh sống. Khi được hỏi, ông Quân cũng không thể hạch toán được chính xác mình đã bỏ bao nhiêu tiền của vào khu trang trại và đảo cò. Ông chỉ có thể ước chừng khoảng 50 tỷ đồng. Tâm nguyện của “dị nhân” là mỗi buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, trở về trang trại, ông được gần gũi thiên nhiên, được ngắm đàn cò chao lượn. Việc này không có giá trị vật chất nào so sánh được.

“Mỗi khi bước chân vào các nhà hàng, tôi không dám nhìn vào các món chim mà bạn bè, thực khách gọi ra. Tôi xem đàn cò hay những loài chim khác như những thành viên thân thiết của gia đình mình. Biết đâu món trên bàn nhậu là chim nhà mình bị bắt khi chúng ra ngoài kiếm ăn. Tôi rất buồn và mong các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vấn nạn săn bắt chim tự nhiên, giữ môi trường sống cho con cháu chúng ta sau này”, ông Quân nói.

Mơ ước phát triển du lịch gắn với bảo tồn tự nhiên

Khi câu chuyện trở nên say mê, ông Quân đã chia sẻ thêm cho chúng tôi về kho tàng các ngôi nhà, đồ vật cổ của các làng quê Việt Nam qua nhiều thời kỳ mà ông đã dày công sưu tầm gần 30 năm nay. “Sau đây tôi sẽ giới thiệu với anh tâm huyết của tôi trong công cuộc lưu giữ những giá trị căn bản của hồn Việt mà tôi ấp ủ”, ông vui vẻ khoe với phóng viên.

Sau khoảng 5 phút lái xe, trước mắt chúng tôi hiện ra một khu vực rộng lớn có nhiều ngôi nhà Việt cổ thuộc nhiều thời kỳ khác nhau. Hàng chục nghệ nhân đang say sưa phục chế, chỉnh trang lại hơn 40 ngôi nhà cổ mà ông Quân đã sưu tầm được. Ông Quân dự định sẽ cho dựng những ngôi nhà cổ này ở trong khu nông trang và sẽ xin chuyển đổi thành khu du lịch sinh thái để phục vụ nhu cầu tham quan của người dân.

“Tôi đang gửi hồ sơ xin cơ quan chức năng cho tôi chuyển đổi khu đất làm khu du lịch sinh thái. Trong đó sẽ trưng bày những ngôi nhà cổ, những hiện vật đời thường gắn với dân tộc Việt mình như cái cày, bừa, hay cái cối xay... Đó là cách tôi lưu giữ lại những giá trị của cái hồn dân tộc. Quan điểm của tôi muốn lưu giữ những giá trị đó để cho con cháu chúng ta sau này được nhìn thấy và hình dung về một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử của ông cha”, ông Quân nói về dự định của mình.

Với kinh nghiệm của một người sưu tầm những kiến trúc, đồ vật cổ, ông Quân “dị nhân” còn tham gia, đóng góp nhiều công sức vào việc trùng tu các đền, miếu tại địa phương như: Đền thờ Lý Thường Kiệt, Gia Miêu Ngoại Trang (các công trình kiến trúc ở nơi gốc tích của vua, chúa nhà Nguyễn)...

Anh Mai Nam Hải (SN 1984), người dân sống gần khu đảo cò cho biết: “Ngày bé, chưa nhận thức được hết, tôi và trẻ con trong làng vẫn thường lội ra khu vực đó đi bắn chim, cò. Không hiểu vì sao đàn cò chỉ về mỗi chỗ đó để trú ngụ, mặc dù xung quanh đó cũng có nhiều cây. Có những khi trời mưa bão người dân trong làng tranh nhau ra đó để bắt cò.

Từ hồi ông Quân xây tường rào và được chính quyền địa phương tuyên truyền nên việc săn bắn chim hoang dã đã chấm dứt hắn. Bây giờ, mỗi chiều nhìn đàn cò bay lượn kín cả bầu trời tôi thấy rất thích”. Cũng bởi những chuyện mà ông Quân làm có phần khác người, nên người dân nơi đây hay vui miệng gọi ông là “dị nhân”.

“Ông Mai Văn Quân là Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp huyện Hà Trung. Khi biết tin ông Quân xây rào bảo vệ, gây dựng đàn cò, địa phương chúng tôi rất ủng hộ. Nếu trang trại của ông Quân được chấp thuận, chuyển đổi thành khu du lịch sinh thái sẽ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đồng thời góp phần bảo vệ thiên nhiên”.

Ông Nguyễn Minh Tấn - Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc

Xuân Chinh - Việt Phương

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (2)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/di-nhan-u70-chi-50-ty-dong-lam-to-cho-co-a352891.html