Đi ngược thế giới, Trung Quốc 'chơi lớn' tại Iran?

Trung Quốc là người chơi chính duy nhất còn hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ của Iran. Trái ngược với phần lớn các chính phủ lớn của phương Tây, Bắc Kinh cho phép các công ty của mình kinh doanh ở đó.

Trung Quốc coi các lệnh trừng phạt đối với Iran là cơ hội để tiếp cận các lĩnh vực và một thị trường khổng lồ tại Iran - nơi có thể đã thuộc về các công ty phương Tây nếu không có lệnh trừng phạt, theo nhận định trên trang Thestatesman.

Đòn giáng vào chiến lược của Mỹ

Trung Quốc và Iran đang soạn thảo Hiệp định Đối tác Thương mại và Quân sự. Sự hợp tác này được trình bày chi tiết trong một thỏa thuận đề xuất dài 18 trang, theo một bản tin của The New York Times. Thỏa thuận về việc tăng cường mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh, sẽ mở rộng đáng kể sự hiện diện của Trung Quốc ở Iran. Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Iran sẽ đạt tổng cộng 400 tỷ USD trong 25 năm. Đổi lại, Trung Quốc sẽ nhận được nguồn cung dầu Iran thường xuyên và chiết khấu cao trong vòng 25 năm tới. Thỏa thuận cũng đề xuất hợp tác quân sự sâu sắc hơn, kêu gọi đào tạo và tập trận chung, nghiên cứu và phát triển vũ khí chung và chia sẻ thông tin tình báo.

Năng lượng đang là một trong những lĩnh vực hợp tác chính giữa Trung Quốc và Iran.

Năng lượng đang là một trong những lĩnh vực hợp tác chính giữa Trung Quốc và Iran.

Iran cần tăng sản lượng dầu của mình lên ít nhất 8,5 triệu thùng/ngày để tiếp tục là một người chơi trên thị trường năng lượng, và vì điều đó, họ cần Trung Quốc và thỏa thuận này.

Các hành động của Trung Quốc ở nước ngoài được thúc đẩy bởi nhu cầu đảm bảo năng lượng, kim loại và khoáng sản chiến lược để hỗ trợ mức sống ngày càng cao của dân số đông đảo nước này. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới. Trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên của Iran được xếp vào hàng lớn nhất thế giới, khiến quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty năng lượng nhà nước của Trung Quốc, những công ty đang ngày càng tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Hiện Iran là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba của Trung Quốc. Mối quan tâm của Trung Quốc đối với các nguồn dự trữ năng lượng của Iran cũng có sự phối hợp từ yêu cầu của chính Tehran đối với công nghệ nước ngoài và vốn nước ngoài cho ngành năng lượng của họ vì các lệnh trừng phạt đã ngăn cản Iran tiếp cận những nguồn đó.

Bên cạnh đó, một trong những cảng mới được đề xuất phát triển trong thỏa thuận là tại Jask, ngay bên ngoài eo biển Hormuz, lối vào Vịnh Ba Tư. Jask sẽ mang lại cho Trung Quốc một vị trí chiến lược trên vùng biển phần lớn dầu mỏ của thế giới đi qua. Lối đi này có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ, nơi Hạm đội 5 hoạt động.

Thỏa thuận này vẫn chưa được trình lên Quốc hội Iran để thông qua. Có những nghi ngờ ở Iran rằng chính phủ nước này đang chuẩn bị trao mọi thứ cho Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, các quan chức vẫn chưa tiết lộ các điều khoản của thỏa thuận. Nếu có hiệu lực, mối quan hệ đối tác này sẽ tạo ra những điểm nóng mới và tiềm ẩn nguy hiểm trong mối quan hệ đang xấu đi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Văn bản đang chờ xử lý này cũng là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Trump. Đó là việc Trung Quốc trực tiếp bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trung Quốc cảm thấy họ có đủ khả năng để thách thức Hoa Kỳ và đủ sức mạnh để chống lại các hình phạt của Mỹ vào thời điểm Washington đang quay cuồng với suy thoái và virus corona.

Vượt qua cả vấn đề năng lượng

Mối quan hệ Trung Quốc - Iran đang vượt qua cả vấn đề năng lượng. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Iran và sự hợp tác này có sức hấp dẫn chính trị đối với các nhà lãnh đạo ở Tehran. Điều này sẽ giúp xác thực tuyên bố của họ rằng các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến Iran và Iran không cần phương Tây.

Còn Trung Quốc coi Iran là nguồn cung cấp năng lượng chính và là thị trường quan trọng. Iran nằm ở ngã tư của Trung Đông, Nam và Trung Á, và châu Âu, có khả năng tiếp cận Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz. Vị trí địa chính trị này thúc đẩy Trung Quốc hướng đến việc tích hợp các khu vực trọng điểm này thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và giao thông tại Iran – điều sẽ giúp mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc đang tận dụng việc Iran bị cô lập. Khi không có các nhà cung cấp và công ty quốc tế tiến vào Iran, sau lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc tràn ngập thị trường Cộng hòa Hồi giáo. Người Iran hoan nghênh sự hợp tác liên tục của Trung Quốc vào thời điểm mà không quốc gia nào khác, ngoại trừ Nga, sẵn sàng can dự. Mối quan hệ song phương tiếp tục phát triển với sáng kiến Một vành đai, Một con đường.

1 số nước lân cận cũng đã cảm nhận được sức nóng của mối quan hệ đối tác Trung Quốc-Iran sắp tới. Gần đây, Iran tuyên bố sẽ bỏ qua Ấn Độ và xây dựng dự án đường sắt Chabahar - Zahedan bằng năng lực kỹ thuật và kinh phí của riêng mình, mặc dù ban đầu việc tài trợ và xây dựng tuyến đường này là một phần của dự án cảng Chabahar.

Hiệp ước Chabahar đã quy định về việc phát triển cảng Chabahar và trong giai đoạn hai là xây dựng tuyến đường sắt dài 628 km từ cảng Chabahar đến Zahedan ở biên giới Afghanistan. Sau đó, đường sắt này đã được mở rộng đến Sarakhs, giáp biên giới với Turkmenistan. Đây là một tuyến đường thương mại có thể nối Ấn Độ với Châu Âu và các nước SNG với chi phí tối thiểu.

Dù Ấn Độ có tham gia vào việc xây cảng Chabahar nhưng việc bị từ chối tiếp cận đường sắt sẽ khiến Ấn Độ không thể thực hiện được những mục tiêu khi phát triển dự án này. Trong khi đó, trang The Hindu từng đưa tin rằng, có nhiều báo cáo khẳng định Trung Quốc sẽ thuê dài hạn cảng Chabahar, dù phía Iran kiên quyết bác bỏ khả năng này. Một động thái như vậy khi xảy ra sẽ giúp Trung Quốc mở rộng khả năng kiểm soát dọc theo bờ biển Pakistan – Iran.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/di-nguoc-the-gioi-trung-quoc-choi-lon-tai-iran-20200828095733287.htm