Đi một được hai

Có bao giờ bạn gặp trường hợp đi viết đề tài này lại gặp đề tài khác hay hơn không? Tôi đã có niềm vui đó khi về một địa phương.

Có bao giờ bạn gặp trường hợp đi viết đề tài này lại gặp đề tài khác hay hơn không? Tôi đã có niềm vui đó khi về một địa phương.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Giao với bức tranh về nụ cười Võ Thị Thắng.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Giao với bức tranh về nụ cười Võ Thị Thắng.

Bức tranh "Nụ cười Võ Thị Thắng"

Ông Trần Ngọc Giao gửi thư cho vợ trong chiến tranh nhưng không đến với người nhận mà lại rơi vào tay một lính Mỹ, sau đó nằm im ở Trường Đại học Massachusett (Mỹ). May mắn là nhờ nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cuối cùng qua 22 năm đi nửa vòng trái đất, thư đã về đúng chủ nhân của nó. Đây là câu chuyện nổi tiếng của năm 1989 với rất nhiều báo chí đã viết. Không khỏi tò mò, trong chuyến công tác về Đức Phổ năm 2015, tôi nhờ các anh ở Tỉnh đội Quảng Ngãi đưa xuống xã Phổ Văn với mục đích mình có thể thêm thông tin mới về đề tài này.

Đại tá cựu chiến binhTrần Ngọc Giao đón tôi chân tình, ấm áp. Chậm rãi nhấm tách nước trà nóng hổi của ông trao, tôi nhìn vòng quanh căn nhà cũ. Đập vào mắt tôi là bức tranh sơn dầu khá to treo trên tường với hình ảnh nụ cười chị Võ Thị Thắng từng khiến quan tòa chính quyền Sài Gòn khiếp sợ. Thì ra bức tranh do một họa sĩ nghiệp dư vẽ. Đó là cuối năm 1975, ông Giao làm cán bộ địch vận Quân khu 5 đi kiểm tra các trại cải tạo binh lính chế độ cũ thì thấy một trại viên ở tổng trại số 4 An Nhơn, Bình Định đang vẽ tranh sơn dầu. Ông đã đưa cho anh ta xem bức ảnh nhỏ "Nụ cười chiến thắng" trên tờ báo và nhờ vẽ giúp. Một tháng sau quay lại, ông không ngờ tác phẩm thật đẹp đã được hoàn thành trên giấy nén các-tông. Bức tranh được treo ở nhà ông từ đó đến nay. Bài báo "Tác giả bức thư 22 năm với nụ cười Võ Thị Thắng" khá dài của tôi đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng đã ra đời như thế và được Đại tá Trần Ngọc Giao gọi điện cảm ơn vì đã giúp ông tâm sự giãi bày nhiều điều.

Cô gái trong bức ảnh của bác sĩ Mỹ

Quả là đợt tác nghiệp kỳ lạ. Trên chuyến xe đi cùng tôi gặp cựu chiến binh Trần Ngọc Giao hôm ấy có một cán bộ văn phòng Tỉnh đội Quảng Ngãi. Nghe tôi kể về bức thư nổi tiếng ở Phổ Văn, anh buột miệng: "Tôi có nghe câu chuyện khác về bức ảnh của cô gái Việt Nam được bác sĩ Mỹ chụp và ở bên Mỹ hàng chục năm, sau đó nhân vật chính đã được xác định. Chị có muốn tìm hiểu không?". Được lời như bắt được vàng, tôi sốt sắng hỏi địa chỉ.

Nhà thương binh Phạm Thị Xuân Viên ở TP Quảng Ngãi không quá khó tìm. Câu chuyện của chúng tôi quay về những ngày chị sống trong tù đày. Lấy trong tủ ra tấm ảnh đen trắng có một cô gái đang cười rạng rỡ dù chân đang xiềng chung với một nữ tù khác, chị Viên bồi hồi kể về tuổi thanh xuân dữ dội của mình.

12 tuổi chi đã làm liên lạc cho các chú ở xã Đức Tân (H. Mộ Đức), rồi học y tá làm cứu thương. Mấy năm sau chị xuống làng đi nhận lúa động viên của bà con thì địch phát hiện và bị bắn gãy xương đùi. Tại bệnh xá Quảng Ngãi, sợ tù nhân trốn, chúng xiềng chân Viên và Nguyễn Trần Thị Lan với nhau, đi đâu cũng phải đi cùng, khổ sở vô cùng. Chính trong thời gian này, nữ bác sĩ Jane cùng Hội Quaker (còn gọi là Hoa Cơ) đã đến Quảng Ngãi trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân chiến tranh. Quá khâm phục sự bình thản can trường của những nữ tù "Việt Cộng", bác sĩ Jane đã giấu máy ảnh trong túi thuốc và chụp nhiều tấm hình họ. Năm 2006, bác sĩ cùng người bạn trong dịp sang Việt Nam đã tặng những tấm phim ngày trước cho Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Nhà văn Trầm Hương công tác tại đây đã mang ra Quảng Ngãi gặp Hội tù yêu nước tỉnh tìm giúp người trong ảnh. Phạm Thị Xuân Viên nhận ngay ra mình và đôi chân người bạn cùng xiềng năm nào. Chị đi khắp nơi để tìm bằng được chị Lan.

Khi kể câu chuyện của mình, người nữ thương binh vẫn day dứt là chưa làm được chế độ đãi ngộ cho đồng đội còn đang rất khó khăn. Vậy là cùng với bài báo tôi viết về bức ảnh đặc biệt ấy, mấy tháng sau chị Viên cùng Hội tù yêu nước bổ sung hồ sơ, giúp chị Lan hưởng được chế độ tù đày. Tôi thấy vui khi nhận được thông tin ấy và càng biết ơn chuyến đi kỳ diệu về quê hương Núi Ấn, sông Trà.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_226698_di-mot-duoc-hai.aspx