Đi lên dưới tán cây rừng

Sau gần 20 năm gắn bó với trồng rừng, xã nghèo Trường Thủy đã vươn lên với hàng ngàn hộ dân có thu nhập cao và cuộc sống ngày càng ổn định…

 Đẩy mạnh trồng rừng là Trường Thủy phát huy tiềm năng và thế mạnh. Ảnh: B. Châu.

Đẩy mạnh trồng rừng là Trường Thủy phát huy tiềm năng và thế mạnh. Ảnh: B. Châu.

Bây giờ, lên miền tây huyện lệ Thủy là thấy ngút ngàn rừng trồng. Rừng chạy trên những triền đồi, ven đường, quanh hồ.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho hay: “Việc giao đất giao rừng cho người dân đã thành động lực cho vùng miền tây khó khăn của địa phương vươn lên xóa nghèo bền vững. Từ đây, đã xuất hiện nhiều gương điển hình về trồng rừng có thu nhập mỗi năm trên vài tỷ đồng”.

Sáng lên vùng miền tây

Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy (đã được sáp nhập xã Văn Thủy vào), nói không cần sổ sách, toàn xã hiện có khoảng 1.500 hộ dân. Diện tích rừng trồng (chủ lực là keo tràm) có trên 4.500ha.

“Nếu tính trung bình, mỗi hộ có đến 3ha. Có lẽ là địa phương đứng nhóm đầu của cả nước về diện tích rừng trồng/hộ dân đấy”, ông Tình hồ hởi nói.

Trước đây, nói đến Trường Thủy là nhắc chuyện đói nghèo. Những năm đó, hộ nghèo của địa phương này chiếm đến trên 50% tổng số hộ.

Rồi chuyện giao đất, giao rừng như làn gió mới thổi qua vùng bán sơn địa với những vùng đồi khô cằn, cây bụi này. Mồ hôi, nước mắt người dân đổ xuống cho những cánh rừng đầu tiên mọc lên.

Lúc đó, bà con chỉ trồng cây bạch đàn bán cho thầu xây dựng để làm cột chống giàn giáo. Vậy nhưng, thu nhập ngoài sức bà con mong đợi.

“Điều đó đã làm bà con tin tưởng vào việc trồng rừng kinh tế. Phong trào trồng rừng dậy lên như sóng biển. Khi trồng hết diện tích đất trong xã, nhiều bà con mạnh dạn mua, thuê đất của địa phương khác để trồng rừng", ông Phan Hữu Tình nói thêm.

Quả đúng như lời ông Tình trao đổi. Diện tích rừng trồng ở địa phương chỉ có gần 2.000ha, nhưng diện tích rừng ở địa phương khác mà chủ rừng là người xã Trường Thủy đến trên 2.500ha.

Nếu tính toán theo chu kỳ khai thác rừng trồng là 4 năm thì trung bình mỗi năm, Trường Thủy có trên 1.000ha rừng vào kỳ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Đức, một hộ dân trồng rừng cho hay, nếu tính ở mức thấp nhất, mỗi ha cho thu nhập 100 triệu đồng, chi phí trồng, chăm sóc, thu hoạch hết 50 triệu đồng thì chủ rừng lãi được 50 triệu đồng.

“Như vậy, trung bình mỗi năm, người dân Trường Thủy thu về từ rừng trên 50 tỷ đồng tiền lãi. Ngoài ra, khi thu hoạch rừng còn giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương như trồng, phát cây dại, chặt cây khai thác, vận chuyển… từ rừng. Nói chung gọi là công lao động cũng có được con số vài chục tỷ đồng nữa”, ông Đức nói thêm.

Nhiều người dân Trường Thủy cũng khẳng định rằng, nguồn thu từ rừng trên trăm triệu đồng mỗi năm khoảng vài trăm hộ. Thu trên 200 triệu đồng/năm có khoảng gần trăm hộ. “Nhiều hộ có từ 100 đến 200ha rừng cho thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng chứ chẳng phải đùa đâu”, ông Đức bộc bạch.

Việc giao đất, giao rừng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trồng rừng kinh tế. Ảnh: B. Châu.

Kinh tế hộ gia đình được cải thiện tốt, thu nhập ngày tăng lên nhờ rừng. Vì vậy, khi bước vào xây dựng nông thôn mới thì cả Văn Thủy, Trường Thủy đều song hành đi lên. Từ những xã nghèo, nhờ kinh tế rừng mà trỗi dậy. Cuối năm 2018, Trường Thủy đạt nông thôn mới thì đầu năm 2019, Văn Thủy (lúc này chưa sáp nhập) cũng cán đích.

Những nông dân tỷ phú nhờ rừng

Khi nói về nghề trồng rừng và làm giàu từ rừng ở xã Trường Thủy, nhiều người nhắc đến ông Dương Anh Đức (thôn Xuân Giang).

Vốn là cán bộ của nông trường Đại Giang (chuyên trồng chè của huyện Lệ Ninh ngày trước), sau khi nông trường giải thể ông Đức chuyển nghề trồng chè sang trồng rừng. Từ năm 1999, ông đã nhận đất, khai hoang trồng rừng.

Thuở đi tiên phong trong việc đào hố trên đồi cằn sim mua để trồng rừng của ông làm nhiều người cười nhạo. Họ bảo: “Rỗi hơi thì đi rèo bò”. Không nản lòng, ông Đức cứ lẳng lặng ngày nối ngày lên vùng đồi hoang.

Cho đến khi, ông Đức bán được những khoảnh rừng đầu tiên và thu được mớ tiền “khổng lồ” trong con mắt người dân, thì người ta mới đua nhau kiếm đất trồng rừng.

Việc khai thác và tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng được thuận lợi và cho người dân có thu nhập cao. Ảnh: B. Châu

Đến bây giờ, ông Đức có khoảng 60ha rừng. Ông tính toán, mỗi năm có khoảng 15ha rừng được thu hoạch. Do có kinh nghiệm canh tác tốt nên rừng ông có sản lượng cao, cho thu lãi trên 60 triệu đồng/ha. Như vậy, đều đặn như tiếng chuông đồng hồ, mỗi năm, ông Đức thu ngót nghét tỷ bạc từ rừng.

“Có trồng rừng, có ngày được hưởng. Nhờ rừng mà gia đình tôi có nhà cửa, có ô tô và con cái học hành đỗ đạt”, ông Đức tâm sự.

Một góc nông thôn mới ngày nay ở xã Trường Thủy. Ảnh: B. Châu.

Ở Trường Thủy, tỷ phú rừng trồng còn phải kể đến gia đình của các ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Nguyễn văn Thánh, Trần Công Tư, gia đình bà Nguyễn Thị Chiến, Nguyễn Thị Mỹ… Các hộ gia đình này đều có diện tích rừng trên 50ha và thu nhập mỗi năm từ rừng trồng trên dưới tỷ đồng..

Thêm những cánh rừng gỗ lớn

Anh Nguyễn Thanh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy đưa chúng tôi lên vùng rừng chất lượng cao của xã. Anh Quyết nói: “Chủ trương của địa phương là vận động các chủ rừng có điều kiện thì chuyển sang canh tác theo mô hình trồng rừng gỗ lớn để có thu nhập cao hơn”.

Nếu không được anh Quyết giới thiệu cặn kẽ, chúng tôi khó tin đây là rừng keo 4 năm tuổi bởi thân cây gần bằng bắp chân, cao gần 10m, thẳng tắp vươn đón ánh mặt trời.

Ở Trường Thủy bây giờ, chuyện bán gỗ rừng còn dễ hơn bán mớ rau, con gà. Nghe cũng lạ. Chỉ khi anh Quyết giải thích thì mới vỡ nhẽ. “Bán mớ rau, con bà phải chạy đưa xuống chợ mới được. Còn bán rừng, chỉ cần bấm máy gọi là có người đưa xe đến trả giá mua ngay. Mà chủ xe chở cây bao giờ cũng kèm thêm lao động, chỉ cần đồng ý bán, họ khai thác xong chở đến nhà máy cân khối lượng, tiền trao tay, xong luôn”.

Nhiều chủ rừng đi với chúng tôi so sánh hiệu quả trong kinh doanh trồng rừng. Với rừng cây khoảng 4 năm tuổi được bán thì có lãi từ 50 đến 60 triệu đồng/ha. Cũng rừng này nếu để thêm 3 năm nữa, khi đó cây lớn, chắc gỗ và bán sẽ cho lãi 90 đến 100 triệu đồng/ha. “Đó là chưa kể đến chuyện tiết kiệm được chi phí như cây giống, công lao động” ông Đức tính toán.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 3 nhà máy gỗ dăm có công suất lớn. Vì vậy, việc bán rừng nguyên liệu được thuận tiện và giá cao. Điều này càng kích thích người dân Trường Thủy và cả vùng rộng lớn phía tây huyện Lệ Thủy đầu tư trồng rừng.

Trồng rừng gỗ lớn là hướng đi mới, cho thu nhập cao hơn ở Trường Thủy. Ảnh: B. Châu.

Theo anh Quyết, hiện địa phương không còn đất để mở rộng diện tích rừng trồng. Do vậy, để tăng thu nhập cho bà con thì phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rừng chứ không thể trồng theo truyền thống như trước đây và tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn.

“Chúng tôi chỉ đạo dùng giống cây keo lai giâm hom và giống keo mới để rút ngắn được thời gian sinh trưởng. Sau mỗi lần thu hoạch, người dân thuê máy cày xới đất, thực hiện bón phân khi trồng. Bén rễ, cây vụt lớn từng ngày”, anh Quyết nói thêm.

Điều mà lãnh đạo và người dân xã Trường Thủy trăn trở là các tuyến đường giao thông nhanh xuống cấp do ô tô vận chuyển gỗ rừng trồng đi lại liên tục. Chính quyền địa phương cũng đang lên kế hoạch quy định các tuyến đường phù hợp trọng tải tải ô tô, đồng thời hỗ trợ kinh phí duy trì đường sá. Có như vậy, các tuyến đường giao thông ở Trường Thủy mới có thể phục vụ tốt cho phát triển kinh tế rừng trồng.

Cách đây khoảng 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo của Trường Thủy còn trên 11% tổng số hộ. Đến nay, chỉ còn 3,5%. Đó là con số mà không phải địa phương ở vùng gò đồi nào muốn là có ngay được. Có thu nhập cao từ rừng, người dân Trường Thủy cất nhà lầu, mua xe hơi để phục vụ nhu cầu cá nhân. Đi bất cứ thôn nào, cũng thấy thấp thoáng nhà kiên cố sánh cao bằng ngọn cây.

“Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của địa phương chúng tôi đạt gần 29 triệu đồng/năm”, ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy nói.

Nguyễn Tâm

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/di-len-duoi-tan-cay-rung-d274601.html