Đi lễ đền Bà Chúa Kho cần phải chuẩn bị những lễ vật gì?

Nhiều người có quan niệm, đầu năm đi đền Bà Chúa kho để 'vay' tiền bạc hoặc xin lộc rơi lộc vãi, mong cho một năm làm ăn thuận lợi, phát đạt. Xin giới thiệu đến độc giả cách sắm lễ Bà Chúa Kho đầy đủ nhất.

Sắm lễ bà Chúa Kho, cũng như mọi đền chùa khác, trước hết là ở sự thành tâm. Tùy theo điều kiện của mỗi người mà sắm lễ khác nhau. Tuy nhiên, thông thường sắm lễ đền bà Chúa kho có những thứ sau:

Đi lễ đền Bà Chúa Kho cần phải chuẩn bị những lễ vật gì?

- Lễ chay: Gồm hương hoa, trà, quả, phẩm oản… dùng để dâng ban Thánh Mẫu.

- Lễ mặn: Nếu muốn dùng lễ mặn thì nên mua đồ chay hình tướng gà, lợn, giò, chả. Hoặc có thể dùng đồ mặn là thịt lợn, thịt gà…

- Lễ đồ sống: Tuyệt đối không dùng các đồ lễ sống gồm trứng, gạo, muối hoặc thịt tại các ban quan Ngũ hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Công Đồng Tứ Phủ.

- Cỗ Sơn Trang: Gồm những đồ đặc sản chay Việt Nam. Không được dùng cua, ốc, lươn, ớt, chanh quả… Nếu có gạo nếp cẩm nấu xôi chè thì cũng thuộc vào lễ này.

- Lễ ban thờ Cô, thờ Cậu: Thường gồm oản, quả, hương hoa, gương, lược… Nghĩa là những đồ chơi mà người ta thường làm cho trẻ nhỏ. Nhưng lễ vật này cầu kỳ, nhỏ, đẹp và được bao trong những túi nhỏ xinh xắn, đẹp mắt.

- Lễ thần Thành Hoàng, Thư Điền: Phải dùng chay mới có phúc và những lời cầu nguyện được linh ứng.

Sau khi kết thúc việc dâng lễ, khấn ở các ban thờ thì trong khi đợi hết một tuần nhang, người dân có thể viếng thăm phong cảnh nơi thờ tự. Khi thắp hết một tuần nhang có thể thắp thêm một tuần nhang nữa. Thắp nhang xong, vái 3 vái trước mỗi ban thờ rồi hạ sớ đem ra nơi hóa vàng để hóa.

Hóa sớ xong mới hạ lễ dâng cúng khác. Khi hạ lễ thì hạ từ ban ngoài cùng vào đến ban chính. Riêng các đồ lễ ở bàn thờ Cô, thờ Cậu như gương, lược… thì để nguyên trên bàn thờ hoặc giả nơi đặt bàn thờ này có nơi để riêng thì nên gom vào đó mà không đem về.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/di-le-den-ba-chua-kho-can-phai-chuan-bi-nhung-le-vat-gi-a420428.html