Đi lễ đầu Xuân: Nét đẹp văn hóa tâm linh và những biến tướng, 'tà lễ' cần gạt bỏ

Theo quan niệm truyền thống, người Việt thường xuất hành ngày đầu Xuân bằng việc đi lễ chùa, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình trong một năm mới. Tuy nhiên, hiện nay, việc đi lễ xuất hiện nhiều biến tướng, khi nhiều người vẫn có những quan niệm hết sức sai lầm rằng xoa tiền hay chạm vào tượng Phật sẽ được nhiều tài lộc, sức khỏe; hoặc chi nhiều tài sản chen chân dâng sao giải hạn…

Tiêu cực bùng phát

Trước vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia văn hóa nhận định: “Vấn đề tâm linh trong xã hội hiện nay phân thành nhiều nhóm khác nhau. Những người hiểu biết thì có niềm tin mang tính chất văn hóa, chỉ quan niệm là vấn đề giữa cái hư và thực, quá khứ với hiện tại, giữa tâm linh với thực tiễn có liên hệ và không coi chuyện đó là quan trọng, là “ăn thua”. Bên cạnh đó, cũng có những tầng lớp, những nhóm người do không hiểu biết, dễ bị lôi kéo, kích động, bị ảnh hưởng tâm lý đám đông dẫn đến hình thành nên những niềm tin không có cơ sở khoa học, hay còn gọi là niềm tin mù quáng”.

Ông phân tích: “Từ niềm tin mù quáng đó, dẫn đến rất nhiều những nghi lễ, cách hành lễ, thờ cúng không khoa học, không có tác dụng, thậm chí gây phản cảm.

Nhiều tiêu cực bùng phát trong hoạt động cúng lễ vốn là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. (Ảnh minh họa)

Nhiều tiêu cực bùng phát trong hoạt động cúng lễ vốn là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. (Ảnh minh họa)

Đầu tiên, là gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc: nhiều khi có những lễ dâng sao giải hạn ở đền, chùa, đình, miếu,… có thể tiêu tốn lên tới hàng trăm triệu đồng. Cũng từ đó, gây ra ô nhiễm môi trường, tốn kém, thiệt hại cho gia chủ, nghiêm trọng hơn, thậm chí có những trường hợp, có niềm tin “ngu muội” đến mức tán gia bại sản, bán sạch nhà cửa để làm theo chỉ dẫn của các thầy, lễ bái, cầu cúng… Bộ phận này tuy không nhiều, nhưng cũng gây ra một hiện tượng tiêu cực, không tốt trong xã hội.

Đặc biệt, dịp đầu xuân, những biểu hiện tâm linh tín ngưỡng đó càng được bộc lộ rõ nét, đồng thời, rất nhiều địa phương tổ chức những nghi lễ thờ cúng tự do không quản lý, dẫn đến diễn biến thái quá và không bảo đảm cuộc sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân một cách ổn định, một số cơ sở tín ngưỡng, người dân và người quản lý bị trục lợi hóa. Trục lợi với đời sống thường nhật đã nguy hiểm nhưng đồng tiền thâm nhập đến đời sống tín ngưỡng sẽ phá hoại nền nếp, gây ra rối loạn xã hội”.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, trong cuộc sống hiện nay, đôi khi người ta câu nệ quá, dẫn đến sự phát triển tiêu cực. Tình trạng lạm dụng lễ hội đã trở nên đáng báo động ở rất nhiều lễ hội các cấp địa phương, cấp tỉnh và cả cấp quốc gia, biểu hiện trên nhiều mặt khác nhau. Điều đó làm cho những ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát.

Ông cũng bày tỏ, nhiều năm gần đây, việc lễ chùa hay tìm đến những chốn tâm linh đang bị nhiều người làm lệch lạc đi nét đẹp này: “Nhiều người quan niệm cứ cầu lộc, cầu phúc, cầu sức khỏe, may mắn bằng ít tiền lễ và xoa tay vào tượng là đạt được lời cầu. Nhưng không hề có chuyện như vậy, theo quan điểm của Phật giáo Việt Nam, những hành vi như vậy là bất kính, là “phải tội”, chỉ làm nhiễu loạn không khí thanh tịnh, linh thiêng vốn có, mất đi sự tôn nghiêm nơi cửa Phật, ảnh hưởng đến mỹ thuật của pho tượng”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ phân tích việc xoa tiền lẻ hoặc xoa tay vào tượng là hành vi bất kính, mất đi sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Giá trị vật chất không tồn tại trong văn hóa tâm linh

PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh: “Theo quan niệm của người Việt Nam, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, trong dịp đầu xuân năm mới, có thể đến một ngôi chùa gần nhà, thắp nén hương, cầu cho tinh thần thoải mái, thanh tịnh, không câu nệ về mặt nghi lễ, không phải quan trọng mâm cao cỗ đầy, tốn kém tiền bạc hay là hóa mã vàng bạc quá nhiều.

Nhiều khi đi chùa chỉ là vấn đề tâm linh, không nên a dua theo những người hành nghề mê tín, nghe theo họ tung tin bịp bợm không hay.

Nhiều người cho rằng cứ đi cúng lễ nhiều thì sẽ được nhiều tài nhiều lộc, nhưng không đúng với thực tế, muốn nhiều tài lộc thì phải hướng suy nghĩ, hành vi của bản thân vào thực tế, tập trung học tập, rèn luyện, tu dưỡng, hoạt động kinh tế, có tâm có đức. Những người đi cầu đi cúng nhưng khi triển khai công việc vẫn gian tham, bịp bợm thì cũng sẽ gặp những điều không tốt.

Theo tôi, không nên quá tin, quá nặng nề vào những điều như thế, chỉ làm cho có tính chất tượng trưng, cho đúng với sự hiểu biết ở trình độ cao thì tốt hơn là chen chân cầu cúng dâng hương, dâng lễ vật đồ sộ, mà không học tập phấn đấu rèn luyện, cũng không bao giờ thành đạt trong cuộc sống”.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia văn hóa cho rằng việc đi lễ của một bộ phận người Việt hiện nay đang dần trở nên phản cảm.

Đồng quan điểm đó, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng giải thích thêm: “Không phải cứ cầu cúng thật nhiều tiền vàng thì sẽ nhận lại được nhiều như thế. Giá trị vật chất không tồn tại trong các không gian linh thiêng. Kể cả chuyện đi chùa thì lại cúng mặn, đốt vàng mã, thắp hương, công đức tiền lẻ bừa bãi… tất cả cũng đều bắt nguồn từ nhận thức sai lệch hoặc thiếu hiểu biết của người dân khi đến cửa Phật…

Thực tế, cái tham trong ba nghiệp là tham sân si, người ta nghĩ cúng dường nhiều thì được nhiều hiệu quả, thoát tội cho chính mình gây ra. Lại có một bộ phận cán bộ, quan chức coi chùa chiền là nơi “hối lộ” thần thánh để thoát tội nên lễ bái phải to, phải hoành tráng. Đó là sai lầm, vì đó là khoản “tà lễ”, tức là khoản lễ từ “tà tâm”, không đánh đổi được sự bình an”.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/di-le-dau-xuan-net-dep-van-hoa-tam-linh-va-nhung-bien-tuong-ta-le-can-gat-bo-a421845.html