Đi lễ chùa, giám đốc EVN bị cách chức: Cầu thăng tiến sao lại 'thăng thiên'?

Vụ việc ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Điện lực huyện Bình Lục (Hà Nam) mất chức do đi lễ đền Trần trong giờ hành chính đã minh chứng việc thăng quan, tiến chức phải xuất phát từ năng lực bản thân chứ không thể bằng mê tín dị đoan...

Mới đây, dư luận xôn xao việc ông Nguyễn Hữu Nghị - Giám đốc EVN huyện Bình Lục (Hà Nam) đi lễ đền Trần (Nam Định) trong giờ hành chính dịp xuân Mậu Tuất 2018 bị kỷ luật miễn nhiệm chức vụ và điều động làm Quản đốc Phân xưởng xây lắp sửa chữa điện, Công ty Điện lực Hà Nam trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 5/3.

Trước đó, 7 cán bộ Kho bạc Nhà nước TP Nam Định (tỉnh Nam Định) vì đi lễ đền Trần trong giờ hành chính cũng bị tạm đình chỉ công tác để xem xét kỷ luật. Trong số đó, có cả ông Nguyễn Tài Tâm – Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Nam Định, ông Lê Hữu Vũ – Phó Giám đốc, bà Đỗ Thị Thu Hương, Kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước thành phố...

 Việc thăng quan, tiến chức phải xuất phát từ năng lực bản thân chứ không thể bằng sự u mê được.

Việc thăng quan, tiến chức phải xuất phát từ năng lực bản thân chứ không thể bằng sự u mê được.

Chắc hẳn những cán bộ trên đều biết rằng, trong công điện số 240/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nêu rõ: “Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công”.

Nhưng động lực nào khiến họ bất chấp cả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đi lễ đền Trần trong giờ hành chính để đến mức phải mất chức, xem xét kỷ luật?

Không biết tự khi nào, nhiều người tin rằng xin được ấn đền Trần sẽ dễ được thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc nên vì thế, đến hẹn lại lên cứ đến dịp khai ấn đền Trần, người người từ khắp nơi trên cả nước, dù đi ban ngày hay tranh thủ ban đêm cũng cố gắng đến đền Trần để xin ấn cầu quan. Bởi vậy, năm nào đền Trần cũng có hàng vạn người đến, hàng chục vạn chiếc ấn được phát ra.

Mặc dù, trong các tài liệu lịch sử chính thống như Đại Việt sử ký, Đại Việt sử lược... đều không thấy nói gì đến tục xin được ấn đền Trần sẽ thăng quan tiến chức

Mỗi năm đền Trần phát ra hơn chục vạn ấn nhưng chưa có con số nào chứng minh những người nhận được ấn phát thì được thăng quan tiến chức. Trong khi đó, thực tế đã có người, ấn nhận chưa nóng tay đã bị cách hết chức vị. Minh chứng rõ ràng nhất là vị Giám đốc Điện lực huyện Bình Lục (Hà Nam), đi lễ đền Trần đầu năm với mong muốn cầu thăng tiến nhưng thăng tiến chưa thấy đâu đã “thăng thiên”, mất chức.

Đi lễ hội vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam nhưng niềm tin thái quá vào điều gì đó không tồn tại trong thực tế dễ khiến con người ta sa vào “mê tín”. Một khi đặt niềm tin vào thánh thần tức ngay chính bản thân họ đang không tin vào năng lực thực sự của chính mình.

Trong khi đó, để thăng quan tiến chức phải dựa vào sự nỗ lực cố gắng của bản thân, phát huy năng lực, trí tuệ làm tốt nhiệm vụ ở vị trí hiện tại, tuân hủ luật Lao động và các quy định của pháp luật. Nếu bất chấp quy định pháp luật, vi phạm luật lao động, làm những điều sai trái, bất tuân kỷ cương phép nước… chắc chắn không thánh thần nào “phù hộ” được.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/goc-nhin-kien-thuc/di-le-chua-giam-doc-evn-bi-cach-chuc-cau-thang-tien-sao-lai-thang-thien-1017852.html