Đi làm thuê để về làm chủ

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, tạo dựng việc làm là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là xây dựng tâm thế làm việc, việc đi lao động có thời hạn ở nước ngoài không chỉ kiếm tiền mà hướng đến mục đích cao hơn, xa hơn là 'đi làm thuê, về làm chủ'.

Dự báo, năm 2019, nhiều thị trường tiếp tục “rộng cửa” với lao động Việt Nam.

“Đi làm thuê, về làm chủ” là khẩu hiệu của quê hương xứ sen hồng - Đồng Tháp trong công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2018, toàn tỉnh có 2007 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 200,7% kế hoạch năm. Hiện nay, số lao động đang theo học ngoại ngữ, giáo dục định hướng và trúng tuyển chờ xuất cảnh là 521 người. Tam Nông, Cao Lãnh, Lấp Vò là những địa phương đi đầu trong công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp cho biết, các thị trường “hút” người lao động đến làm việc là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia…Với ngành nghề chủ yếu là trang trí nội thất, cơ khí, chế biến thủy sản, điện tử…

Xuất thân trong một gia đình khó khăn, đông anh em, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, anh Trần Duy, sinh năm 1994, ngụ tại xã An Long, huyện Tam Nông đã lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Anh Duy Kể, cuối năm 2015, anh trúng tuyển hợp đồng làm việc ngành thực phẩm tại Nhật Bản. Mức lương cao nhất đạt được là hơn 30 triệu đồng/tháng, tháng 11/2018 anh hoàn thành hợp đồng về nước. Trong thời gian làm việc tại đây anh đã tích lũy được hơn 500 triệu đồng, kinh tế gia đình đã ổn định.

Anh Duy chia sẻ: Với kiến thức học hỏi được, cùng số vốn tích lũy, anh thấy tự tin hơn trong cuộc sống và sẵn sàng tham gia lao động, khởi nghiệp tại địa phương.

Ông Lê Tùng Sĩ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp thông tin, kết quả điều tra xã hội học gần 2.000 người về công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cho thấy, sau khi hết hạn hợp đồng về nước, 8,33% tích lũy được dưới 50 triệu đồng, 24,17% tích lũy từ 50-100 triệu đồng, từ 100-200 triệu đồng là 17,5%. Đặc biệt, số tiền tích lũy được từ 200-500 triệu đồng là 15,83%, trên 500 triệu đồng chiếm 4,167 và 2,5% tích lũy được trên 1 tỷ đồng.

Qua khảo sát cũng cho thấy, 74,2% muốn tiếp tục đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 44,17% số người muốn làm việc tại Nhật Bản. Nguyên nhân do thị trường Nhật Bản thu nhập cao hơn so với các thị trường lao động khác. Doanh nghiệp thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký, công việc vừa sức, nơi làm việc đảm bảo an toàn, ít rủi ro…

Ông Bùi Thành Nhơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: Chủ trương của tỉnh là lựa doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo hướng có năng lực, trách nhiệm, thị trường lao động với điều kiện làm việc hiện đại, thu nhập ổn định, ở mức cao... để hợp tác. Ngoài ra, trước khi thực hiện hợp đồng, lãnh đạo tỉnh, đơn vị liên quan trực tiếp khảo sát nơi làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt… ở những nơi lao động sẽ đến làm việc.

Đồng Tháp cũng đã tiên phong và thực hiện thành công chính sách vay vốn theo hình thức tín chấp đối với lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, năm 2018, bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Đồng Tháp đã hỗ trợ vay tín chấp từ 90-100% cho hơn 1.660 lao động có chi phí xuất cảnh. Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cũng hỗ trợ trên 1.400 lao động với số tiền gần 6,6 tỷ đồng để học nghề, học ngoại ngữ, khám sức khỏe, lệ phí visa... Bên cạnh đó, tỉnh đang tìm giải pháp để vận dụng các chính sách hỗ trợ thực tập sinh, người lao động sau khi kết thúc hợp đồng về nước được tham gia chương trình khởi nghiệp, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đóng góp cho quê hương.

Tuy nhiên, ông Bùi Thành Nhơn cũng trăn trở, điều khiến Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng dễ mất cơ hội làm việc tại các thị trường hiện nay là do tình trạng người lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp vẫn xảy ra. Thêm vào đó, tình trạng "môi giới" xuất khẩu lao động chưa qua cấp phép hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn, khiến nhiều người bị “lừa”… qua đó làm giảm uy tín của hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, trước thực trạng “đất chật, người đông”, xuất khẩu lao động là hướng đi mở để người lao động “vươn mình ra biển lớn”. Đây vừa là mục tiêu xã hội, vừa là mục tiêu kinh tế trước mắt, là động lực phát triển cho tương lai.

Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, "tạo dựng việc làm là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là xây dựng tâm thế làm việc". Do đó, việc đi lao động có thời hạn ở nước ngoài không chỉ kiếm tiền mà còn là cơ hội để tranh thủ trau dồi kỹ năng, nâng cao kiến thức nghề nghiệp, hướng đến mục đích cao hơn, xa hơn là "đi làm thuê, về làm chủ”./.

Chương Đài
Theo TTXVN

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/di-lam-thue-de-ve-lam-chu/356897.vgp