Đi lại đường xưa (Tiếp theo và hết)

Quảng Bình là tỉnh hậu phương trực tiếp của miền nam, giữ vị trí xung yếu trên mặt trận giao thông vận tải chi viện tiền tuyến. Đây cũng là nơi có hệ thống đường Trường Sơn dài nhất, hơn 500 km với ba trục dọc và năm trục dọc ngang. Con đường đạn bom, xương máu ngày xưa giờ đã trở thành tuyến giao thông quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch...

Cầu Khe Ve - một trong những điểm Mỹ đánh phá ác liệt tại Quảng Bình.

Cầu Khe Ve - một trong những điểm Mỹ đánh phá ác liệt tại Quảng Bình.

Ngược dòng lịch sử

Chúng tôi tìm đến Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình, Bảo tàng Quảng Bình và Hội cựu Thanh niên xung phong, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình để tìm hiểu về những dấu mốc quan trọng của con đường, những ngày đầu tiên của người đi mở lối.

Sách “Lịch sử và dấu ấn Trường Sơn” (NXB Thanh niên 2018) và “Lịch sử Giao thông Vận tải Quảng Bình” ghi rõ: ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền nam. Đầu tháng 6-1959, Đoàn tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào nam bắt đầu từ Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Ngày 13-8, sau tám ngày đêm phạt núi băng rừng, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã được đưa tới Tà Riệp, ngay trạm tiếp nhận của Liên khu 5.

Bên cạnh những tấm biển ghi địa danh lịch sử, giờ đã có thêm những tấm biển chỉ dẫn du lịch mới mẻ, hấp dẫn.

Đường 12A chạy men theo các vách núi cao không khác gì tuyến đường quanh co và hiểm trở lên Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Tại đây, lực lượng của Công trường 12, đội TNXP 75 trong đó có đại đội C759 của bà Trần Thị Thành và Binh trạm 12 đã bám trụ từ đầu cho đến khi kết thúc chiến tranh. Tuyến đường 12 phá thế độc đạo của đông Trường Sơn, đi qua nước bạn Lào là một sáng tạo vượt khó thể hiện tinh thần quyết tâm cao hơn núi của quân dân ta. Đây cũng là tuyến đường khốc liệt nhuốm bao nhiêu xương máu của các anh hùng liệt sĩ.

Trong 46 di tích tiêu biểu thuộc Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trọng điểm, Quảng Bình có 18 di tích gồm: di tích Ngầm Khe Rinh; Phà Gianh; Đèo Đá Đẽo; Hang Hóa Tiến - Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh 559 - Bộ đội Trường Sơn; Bến phà Xuân Sơn; Hang Thông tin Km4 - Đường 20; Hang NH- Tổng kho NH; Dốc Ba Thang - Đường 20 Quyết Thắng; Phà Long Đại; di tích Km0 - Đường 10; Cầu Ka Tang; Ngã tư Thạch Bàn; Làng Ho; Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh 559- Hiền Ninh; Hang Tám Thanh niên xung phong; Đồi Cha Quang; Cổng Trời (km34+500 đường 12 A thuộc xã Dân Hóa, Minh Hóa); ngầm Cà Roòng.

Có lẽ trong lịch sử ngành giao thông vận tải, hiếm có con đường nào được mở với tốc độ kỷ lục như đường 20 Quyết Thắng. Xuất phát từ Phong Nha lên Cà Roòng, chọc thủng dãy đá vôi của Trường Sơn, nối liền đường 128 ở ngã ba Lùm Phùm (Lào), với chiều dài 123km, con đường đã được thi công và hoàn thành trong bốn tháng (từ ngày 20-12-1965 đến ngày 5-5-1966) trong điều kiện bị đánh phá ác liệt. Hai trung đoàn bộ đội công binh, tổng đội TNXP gồm hàng vạn người từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam Ninh ngày đêm bất chấp mưa bom, bão đạn. Máu và mồ hôi trộn lẫn đất đá, thấm đẫm từng kilomet đường…

Ngày hôm nay, trên mỗi tuyến đường của các trục dọc, ngang Trường Sơn còn dày đặc các điểm di tích, những địa danh, những tấm bia ghi chiến tích hào hùng và các đền, đài tưởng niệm.

Trong cái nắng mùa hè bỏng rát của miền trung, chúng tôi đã dừng chân thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại bến phà Xuân Sơn, phà Long Đại, Di tích Hang Tám Cô trên đường 20 Quyết Thắng, tại Đồi Cha Quang, di tích Cổng Trời nơi trận địa pháo cao xạ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân ngã xuống. Những cung đường ác liệt ấy giờ đã bình yên, chỉ còn tiếng xe chạy đêm chạy ngày chở hàng hóa lưu thông giữa các cửa khẩu và những đoàn khách du lịch khám phá núi rừng, nghỉ dưỡng ở nhiều khu du lịch sinh thái.

Cuộc sống hối hả trôi đi.

Bản làng của đồng bào dân tộc Sách, Khùa, Mày bình yên giữa núi rừng.

Trên con đường nối từ Trường Sơn đông sang Trường Sơn tây, chúng tôi gặp ở Hang Tám cô là những giọt mưa rào, thì lên cửa khẩu biên giới Việt - Lào là cái nắng khô gắt như chảo lửa, đủ để cảm nhận không chỉ có đạn bom, thời tiết và khí hậu núi rừng khắc nghiệt cũng là một nỗi cực nhọc mà thế hệ cha anh đã trải.

Thấp thoáng vút qua bên đường 12A từ Khe Ve lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo là những triền đồi thoai thoải với ngút ngàn xanh của cây rừng, là những bản làng xinh đẹp của đồng bào dân tộc Sách, Khùa, Mày bình yên giữa núi rừng. Tại đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo, chúng tôi được các chiến sĩ kể câu chuyện dạy người dân nơi đây trồng lúa nước. Cuộc sống ở các bản làng trong rừng sâu nơi có con đường đi qua đang thay đổi từng ngày.

Bến phà Xuân Sơn từng hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn Mỹ dội xuống… giờ là bến thuyền yên ả đón khách du lịch tham quan động Phong Nha. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Một quần thể du lịch với nhiều loại hình khám phá hang động, sinh thái, nghỉ dưỡng cũng dọc ngang dày đặc quanh Phong Nha - Kẻ Bàng đang thu hút du khách nước ngoài với nhiều hình thức dịch vụ độc đáo, hấp dẫn.

Cầu Cha Quang.

Những day dứt của hôm nay

Ngôi làng bên dòng sông Long Đại sau chiến tranh như một bãi sa mạc với những hố bom chằng chịt. Những người con Long Đại bước vào một công cuộc “Lấp hố bom để xây dựng cuộc sống mới”. Gần 60 năm qua, Long Đại đã khoác lên mình một màu xanh trùng điệp của núi rừng. Nhưng, câu chuyện của các cựu thanh niên xung phong, cựu dân quân của làng khiến chúng tôi ra về trong nỗi day dứt khôn nguôi.

Chúng tôi theo chân các mệ Phan Thị Thuật, Nguyễn Thị Vân, Phan Thị Trở, Phan Thị Minh, Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Quàng… đến nhà mệ Nguyễn Thị Tuế ở làng Long Đại khi chiều đang đổ bóng. Chui qua khung cửa hẹp để bước vào căn nhà ngột ngạt, chúng tôi thấy mệ Tuế đang nằm cạnh gầm giường. Thì ra, mệ không chịu được cái nóng hầm hập của gió Lào nên mệ xuống đất nằm cho đỡ nóng. Mệ Tuế là một trong hai nữ dân quân bị mắc kẹt trên chiếc phà trong trận oanh tạc dữ dội khiến cả trung đội phải làm truy điệu sống trước khi đi cứu phà. Mệ Nguyễn Thị Tuế và mệ Trần Thị Bán, khi đó đã nhảy ụp xuống gầm phà, may mắn thoát chết. Mệ Bán đã mất mấy năm trước do bệnh tật. Còn mệ Tuế hiện cũng đau yếu, gầy guộc, sống cô độc, lay lắt trong căn nhà tình nghĩa Hội cựu TNXP xây mấy năm về trước, rau cháo qua ngày.

Các cựu dân quân và TNXP của làng Long Đại vẫn thường qua lại chăm sóc cho mệ Nguyễn Thị Tuế (bên phải) sống một mình trong căn nhà nhỏ.

Mệ Tuế cũng như mệ Thuật và nhiều mệ ở thôn Long Đại, đi qua gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, họ vẫn sống cuộc đời đạm bạc. Những người TNXP thì được hưởng trợ cấp ít ỏi. Còn dân quân thì hầu như chưa có chế độ gì. Khi đất nước cần, họ lao ra giữ đường, giữ phà, phục vụ chiến đấu để góp sức mình làm nên chiến thắng lịch sử 30-4-1975. Hết chiến tranh, họ lại quay về đời sống thường nhật của người nông dân nghèo khó. Nhiều người như mệ Diệp, mệ Tuất… tham gia chiến tranh khi mới 15-17 tuổi, không nghĩ phải có một giấy tờ gì ghi nhận công lao, thành tích để đòi hỏi quyền lợi cho mình.

Vậy nhưng, khi hỏi đến nguyện vọng của mình, các mệ chỉ mong xây được một tấm bia ghi địa điểm di tích “Bến đưa quân” bên dòng sông Long Đại để tưởng nhớ quá khứ một thời oanh liệt.

“Nước sông Long Đại thì hiền hòa, nhưng đất Long Đại thì cằn khô vì nắng nóng triền miên”. Ít ai biết, nằm ngay bên bờ sông nhưng những người nông dân Long Đại vẫn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vì nước ngầm nhiễm mặn. Người dân “Làng đỏ” chỉ khao khát có một đường ống nước to vượt sông để mang nước từ hồ Rào Đá xuống phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

“Hiện tại thôn chúng tôi thiếu nước sản xuất. Vụ đông xuân này ruộng bỏ hoang, dân không có gạo ăn, nhà tôi giờ này cũng không còn hạt thóc nào”, mệ Thuật nói.

Nước sông Long Đại thì hiền hòa, nhưng đất Long Đại thì cằn khô vì nắng nóng triền miên, người dân thiếu nước sản xuất.

Và ước mơ của mệ, không cho riêng mình mà cho cả đồng đội, cũng chẳng quá cao sang nhưng lại chưa thể thực hiện được, ấy là ở những ngày cuối đời, được một lần đến thăm Lăng Bác. Chỉ mong được về Hà Nội viếng Bác Hồ một lần, rồi dẫu có nhắm mắt xuôi tay cũng thỏa ước nguyện….

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những nữ dân quân anh hùng bám trụ và chiến đấu tại khúc trọng yếu trên tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền nam vẫn chưa một lần bước ra khỏi ngôi làng Long Đại nhỏ bé của mình…

Cột mốc cửa khẩu Cha Lo - nơi tuyến đường 12A chạy qua nước bạn Lào.

HỒNG MINH - HƯƠNG GIANG - BÍCH NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/phong-su-ky-su/item/40204902-di-lai-duong-xua-tiep-theo-va-het.html