Đi khám vô sinh phát hiện giang mai

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do xoắn khuẩn nhạt màu Treponema pallidum gây nên. Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Hình ảnh lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh.

Biểu hiện của bệnh giang mai

Biểu hiện của bệnh giang mai

Bệnh nhân khám giang mai tăng

Chị Nguyễn Thị L. 34 tuổi, Thường Tín, Hà Nội sinh được bé gái năm nay 7 tuổi. Nhiều năm liền vợ chồng chị L. muốn sinh thêm con nhưng hai lần mang thai đều bị lưu không rõ lý do.

Gần đây, chị L. muốn mang thai lại. Dù chị không sử dụng biện pháp tránh thai nào nhưng gần 1 năm qua vẫn không có con. Chị L. quyết định đi khám bệnh, khi xét nghiệm máu bác sĩ phát hiện chị dương tính với bệnh giang mai.

Bác sĩ khuyên chồng chị cũng nên làm xét nghiệm. Kết quả, chồng chị L. cũng dương tính với xoắn khuẩn giang mai. Bác sĩ sản khoa khuyến cáo hai vợ chồng chị phải điều trị dứt điểm giang mai mới có hi vọng sinh con hoặc sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản khác.

Theo BS Trần Thị Kim Loan, Bệnh viện Đa khoa An Việt, thời gian gần đây số ca bệnh tình dục có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Đặc biệt, bệnh giang mai tưởng chừng bị lãng quên nhưng gần đây lại có nhiều ca mắc.

Đặc biệt trường hợp của một nữ sinh 17 tuổi, đang là học sinh lớp 11 tìm tới bác sĩ khám vì các vết trợt trên tay như dạng viêm da tay. Cô gái tìm trên mạng thấy có dấu hiệu mắc giang mai nên cầu cứu bác sĩ. Nữ sinh này có bạn trai hơn 6 tuổi và thường xuyên quan hệ tình dục không có biện pháp nào phòng tránh bệnh.

Ghi nhận các ca mắc bệnh giang mai ngày càng tăng đặc biệt ở lứa tuổi trẻ do các em chưa có biện pháp quan hệ tình dục và ngại sử dụng các biện pháp tình dục an toàn. Lối sống “thoáng” hơn của giới trẻ cũng làm gia tăng căn bệnh do quan hệ tình dục.

Bác sĩ Loan tư vấn cho bệnh nhân.

Bác sĩ Loan cho biết có thể bệnh nhân quan tâm tới các dấu hiệu của bệnh nhiều hơn nên họ tìm tới bác sĩ cũng nhiều hơn trước. Nếu quan hệ tình dục không an toàn và xuất hiện các vết loét lạ trên cơ thể thì người bệnh cần chú ý có thể đã mắc giang mai.

Bệnh giang mai là bệnh lây qua đường tình dục, bệnh có thể gặp ở bất cứ ai. Bệnh do xoắn khuẩn Treponema pallidum. Vi khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi quan hệ không được bảo vệ, qua vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai.

Nếu không được điều trị sớm, triệt để có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể. Đặc biệt giang mai có thể truyền cho con nếu người phụ nữ mang bệnh nhưng không biết bệnh.

Biểu hiện của bệnh

Bác sĩ Loan cho biết biểu hiện của giang mai tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh.

Giai đoạn 1: Những dấu hiệu của bệnh nhân giang mai thường xuất hiện ở khoảng thời gian 2 đến 4 tuần sau khi bị nhiễm bệnh, bao gồm lở loét (bệnh hạ cam) ở nơi vi khuẩn vào cơ thể. Vết lở loét này thường xảy ra ở bộ phận sinh dục, nhưng cũng có thể được tìm thấy ở miệng hoặc trực tràng (hậu môn) nếu các bộ phận này cũng có liên quan đến hoạt động tình dục với người bị nhiễm bệnh. Vết lở loét này có thể tự lành sau 1 đến 5 tuần.

Giai đoạn 2: Theo bác sĩ Loan, các biểu hiện của bệnh giang mai giai đoạn 2 bắt đầu 6-12 tuần sau đó. Các triệu chứng bao gồm: sốt, nhức đầu, đau khớp, mất cảm giác ngon miệng, nổi ban (trên bộ phận sinh dục, hoặc miệng, và đặc biệt là trên lòng bàn tay và lòng bàn chân), đau họng, sưng tuyến hạch (nách, háng, cổ), và mệt mỏi. Giai đoạn ngầm này có thể kéo dài nhiều năm mà không có triệu chứng.

Giai đoạn 3: Bắt đầu khoảng 10-40 năm sau khi bắt đầu nhiễm bệnh. Các triệu chứng bệnh giang mai bao gồm tổn thương tim mạch và não, vấn đề trí nhớ, tê liệt, và vấn đề thăng bằng.

Theo bác sĩ Loan, một số người có thể không gặp bất cứ dấu hiệu bệnh giang mai ở giai đoạn 2 hoặc 3.

Phương Thúy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/di-kham-vo-sinh-phat-hien-giang-mai-post333153.info