Đi học về, bé 3 tuổi bị ong đốt dẫn tới suy gan, thận

Ngày 12/10, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai tiếp nhận một trường hợp cháu bé 3 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi bị ong đốt cách đó 1 ngày.

Bị ong đốt phải làm gì?

Bị ong đốt phải làm gì?

Bệnh nhi V.T.M.D, 3 tuổi, dân tộc Mông, trú tại xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Trước đó 1 hôm, vào chiều thứ 6 ngày 11/10, cháu bé trên đường về nhà bất ngờ bị bầy ong từ trên cây lao xuống tấn công. Trên người cháu bé có khoảng 30 vết ong đốt, chủ yếu tập trung ở vùng đầu.

Điều đáng tiếc là gia đình cháu đã không đưa bé đi viện ngay mà để bé ở nhà 1 ngày sau mới đưa cháu đến bệnh viện. Hiện cháu bé đang nằm tại Khoa hồi sức, cấp cứu của Bệnh viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, suy gan, suy thận..., sức khỏe ngày một diễn biến xấu.

Nhiều trường hợp đi nương hoặc ở nhà do vô tình bị ong đốt và không được xử lý kịp thời, đúng cách dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng, nhất là với trẻ em và người có tuổi do sức đề kháng, chịu đựng kém, người có mẫn cảm với phấn hoa.

Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Tuyến bên trái chứa chất kiềm lỏng, tuyến bên phải chứa chất toan lỏng (axit). Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholine.

Theo các bác sĩ trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khi bị ong đốt cần thực hiện ngay lập tức các biện pháp sau:

- Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.

- Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.

- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.

- Uống nhiều nước để loại thải độc tố.

- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

- Sau đó phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: Số lượng vết đốt nhiều (trên 10 nốt), bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi; Bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng; Nạn nhân có các biểu hiện khó chịu như: Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều,…

Để phòng tránh ong đốt, mọi người nên cố gắng tránh tiếp xúc với ong. Không chọc phá tổ ong. Trẻ em là đối tượng thường bị ong đốt do trẻ được nghỉ học đi chơi và thường hay tò mò, chọc phá tổ ong.

Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không bay theo nữa). Không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.

Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/di-hoc-ve-be-3-tuoi-bi-ong-dot-dan-toi-suy-gan-than-post316524.info