Đi học nghề xong, từ nuôi vài con lợn bạo tay đầu tư trang trại

Nhờ được học nghề, nâng cao kỹ thuật mà hàng nghìn nông dân người dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Thọ đã được tạo việc làm, tăng năng suất, tăng thu nhập dù làm những công việc cũ hay công việc mới.

Đa dạng nghề đào tạo

Mới đây, tại khu 4, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn (Phú Thọ), lớp dạy nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn đã được mở với 35 học viên là nông dân người dân tộc thiểu số. Trong vòng 3 tháng, các học viên được học các nội dung cụ thể như: Kỹ thuật xây dựng chuồng trại; chuẩn bị thức ăn, nước uống; kỹ thuật chăn nuôi; cách sử dụng thuốc thú y...

Chị Vân cùng nhiều lao động được học nghề chế biến gỗ. Ảnh: N.T

“Trung tâm Dạy nghề và giáo dục thường xuyên huyện Tân Sơn thường xuyên mở những lớp học tại nhà văn hóa thôn, xã để tạo điều kiện cho lao động nông thôn thuận lợi trong quá trình theo học”.

Ông Ngô Thái Sơn

Ông Hà Minh Khá - người dân tộc Thái (khu 4, Tân Phú) vốn là nông dân gắn bó lâu năm với nghề chăn nuôi lợn, tuy nhiên nhiều năm nay gia đình ông chỉ dừng lại ở chăn nuôi quy mô nhỏ. Cuối tháng 9.2018, ông tham gia học nghề chăn nuôi lợn do xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Tân Sơn tổ chức.

Ông Khá cho biết: “Qua lớp học, tôi nắm được nhiều kiến thức từ chọn con giống, chăm sóc, quản lý chuồng trại, phòng trừ bệnh tật, chăm sóc con lợn... Các thầy cô dạy dễ hiểu, dễ áp dụng nên hầu hết học viên đều làm theo được”.

Kết thúc học nghề, ông Khá dự định sẽ mở rộng chăn nuôi theo hướng trang trại, thay vì chăn nuôi quy mô nhỏ. Cách đó không xa, cũng ở huyện Tân Sơn, một lớp học nghề chế biến gỗ đang được tổ chức. Lớp học có 30 học viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Sau khi học lý thuyết, các học viên được thực hành tại xưởng.

Chị Hà Thị Hải Vân - người dân tộc Nùng (học viên lớp chế biến gỗ) cho biết, trước đây chị làm nghề nông nghiệp, thu nhập không ổn định, may ra đủ ăn. Giống như nhiều học viên khác, chị Vân cũng mong muốn sau học nghề được tạo việc làm hoặc được vay vốn để mở xưởng làm thêm.

Tạo đầu ra lao động

Ông Hà Minh Thuyết – giáo viên Trung tâm Dạy nghề và giáo dục thường xuyên huyện Tân Sơn cho biết, qua các lớp học, học viên được dạy lý thuyết quan trọng hơn là dạy kỹ năng thực hành. Cụ thể như nghề chế biến gỗ, các học viên được học cách xẻ gỗ, phơi gỗ, đóng gỗ... Kết thúc khóa học, học viên sẽ được cấp chứng chỉ để xin việc tại các công ty chế biến gỗ.

Ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và giáo dục thường xuyên huyện Tân Sơn thông tin: “Ban đầu trung tâm sẽ phối hợp với địa phương thực hiện khảo sát các nghề nông dân có nhu cầu học, sau đó mới tiến hành cho nông dân đăng ký và trung tâm tiến hành lên kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu của lao động nông thôn”.

Cũng theo ông Sơn, do đặc thù người dân huyện Tân Sơn làm nông nghiệp là chính, vì thế trung tâm tập trung dạy những nghề nông nghiệp như: Quản lý dịch hại tổng hợp (quản lý nông nghiệp), nuôi phòng trị bệnh cho trâu bò, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, trồng cây dược liệu... Qua đó, giúp bà con phục vụ phát triển kinh tế gia đình và phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ trong vùng.

Ông Sơn thông tin thêm, thời gian gần đây, trung tâm đã liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở hoặc xưởng sản xuất đóng trên địa bàn tạo đầu ra cho người lao động. Đến nay 95% số lao động qua đào tạo nghề tại trung tâm có việc làm, cho thu nhập ổn định.

“Trước khi đào tạo chúng tôi đã làm việc với doanh nghiệp sơ tuyển đánh giá chất lượng lao động, vì thế số lao động được đào tạo là lao động đã được doanh nghiệp chấp nhận. Trong quá trình đào tạo, phía trung tâm cũng phối hợp cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp thực hành đào tạo nhằm kết nối giữa lao động với doanh nghiệp. Qua đó tránh được tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại hoặc kiểm tra lại tay nghề của lao động” – ông Sơn nói.

Nguyệt Tạ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/di-hoc-nghe-xong-tu-nuoi-vai-con-lon-bao-tay-dau-tu-trang-trai-929511.html