Dí dỏm thơ Trần Hưng

Có thể nói Trần Hưng là một trường hợp lạ. Anh đến với thơ từ rất sớm, là thành viên tiên phong đồng thời là chủ nhiệm CLB thơ Facebach (Facebook + Bách khoa). Trong khi nhiều bạn bè đến với thơ muộn hơn nhưng đã xuất bản vài ba tập thì Trần Hưng chỉ xuất hiện khiêm nhường trong những tập thơ chung, vài lần hiện diện trong những tuyển tập như 'Thơ - Mười năm đầu thế kỷ XXI' hay 'Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam'.

Nhà thơ Trần Hưng.

Nhà thơ Trần Hưng.

Mãi đến gần đây, sau chừng 30 năm đến với thơ, Trần Hưng mới trình làng tập sách đầu tay “Quá một như không” (NXB Hội Nhà văn, 2020). Tập thơ ẩn chứa sức nén của một người từng trải, lãng du và đặc biệt dí dỏm. Sự dí dỏm ấy trước hết được chưng cất bởi một người yêu đời, yêu người. Tâm hồn anh cũng vô cùng trẻ trung trong cách quan sát, chơi chữ, chơi vần.

Với 48 bài thơ được chia thành hai phần, phần nào cũng phập phồng hơi thở cuộc sống hôm nay với những hồi ức và sự mới mẻ. Trong bài “Tuổi”, Trần Hưng viết: “Có người nheo mắt chua me/ ném ta quả sấu xanh lè ban mai”, hay “Tàu bay giấy”: “em gấp tàu bay giấy/ phóng lên trời Từ Liêm”. Còn ở bài “Học trò”, anh có những câu: “vô tình gặp lại sân chơi/ quả bàng đã chín mà tôi chưa già”…

Trong quan sát của bạn bè, Trần Hưng là người cầu toàn và luôn muốn chăm chút cho những câu thơ được tốt nhất. Điều này được chứng minh qua cách nâng lên đặt xuống từng bài trong tập thơ đầu tay tới tận trước khi gửi qua nhà xuất bản xin “cấp giấy thông hành”. Đồng thời còn chứng minh qua cách làm lạ hóa, tiếp cận cái mới, cái dí dỏm, để thơ anh không lẫn với người khác. Cái chất thơ lục bát của anh vì thế lóe sáng, giàu sức gợi, nhiều bài được làm lạ hóa bằng từ ngữ mang tính công nghệ. Ví như: “tôi thấy tôi là copy/ xin em một bản Tứ Kỳ nay mai/ vài dòng trăm tag nghìn like/ bao nhiêu chữ cái thì ngoài nhớ quên”…

Có ý kiến cho rằng, thơ Trần Hưng là sản phẩm của sự va chạm giữa một Trần Hưng-thi sĩ duy mỹ, duy cảm; và một Trần Hưng - kỹ sư duy lý, logic chính xác tốt nghiệp trường Bách khoa. “Trần Hưng là người làm thơ chậm. Chậm do anh có kỷ luật với thơ. Chậm do anh đủng đỉnh để chơi giỡn với đời, chơi giỡn với thơ…”, nhà phê bình văn học Văn Giá nhận xét.

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/di-dom-tho-tran-hung-546655.html