Di dời trụ sở bộ, ngành, trường học khỏi nội đô: Không thể mãi chần chừ!

Một trong những mục tiêu của 6 đồ án quy hoạch phân khu tại 4 quận lõi nội đô được thành phố Hà Nội phê duyệt đó là, từ nay đến năm 2030 sẽ giảm dân số tại 4 quận lõi khoảng 215.000 người. Mục tiêu là vậy, tuy nhiên theo ý kiến của người dân để giảm được mục tiêu trên, trước mắt cần phải di dời được trụ sở các bộ, ngành, các trường đại học,… bởi đó là vấn đề nan giải mà bấy lâu vẫn chưa thực hiện được.

Cần phá được “tảng băng” trì trệ

Trước thông tin quy hoạch phân khu tại 4 quận lõi nội đô là Đống Đa, Ba Đình, Ha Bà Trưng và Hoàn Kiếm, là người sinh ra và lớn lên tại Thủ đô, anh Nguyễn Mạnh Tùng, ở phường Thành Công, quận Ba Đình, cho biết, ở 4 quận nội đô, số lượng các nhà tập thể, chung cư cũ xuống cấp đã trở thành bài toán “nhức nhối” trong quy hoạch, chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Cần di dời các trường đại học, các trụ sở bộ, ngành theo đúng kế hoạch đảm bảo thực hiện chỉnh trang đô thị nội đô Hà Nội. Ảnh: Đ.Đ

Cần di dời các trường đại học, các trụ sở bộ, ngành theo đúng kế hoạch đảm bảo thực hiện chỉnh trang đô thị nội đô Hà Nội. Ảnh: Đ.Đ

Một trong những vấn đề được nhắc đến nữa đó là, làm sao di dời được một số trụ sở của các bộ, ngành, các trường đại học, bệnh viện lớn ra khỏi nội đô. “Tôi được biết, Nhà nước đã có chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ra khỏi phạm vi trung tâm thành phố năm 2008 và được coi là một giải pháp quan trọng nhằm từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, con số trụ sở bộ, ngành và trường đại học di dời chưa là bao trong khi các trụ sở cũ vẫn được các Bộ, ngành sử dụng, vì sao lại khó giải quyết đến vậy trong khi đất di dời các trường, các bộ, ngành đã được phân chia. Phải chăng các đơn vị cố tình chây ì?”, anh Tùng đặt câu hỏi.

Theo rà soát của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, hiện có 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương nằm tại khu vực nội đô lịch sử trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, tòa nhà Quốc hội ở trung tâm Ba Đình). Trong đó đã có 11 cơ quan được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời. Đó là các Bộ: Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải; Y tế; Giáo dục và Đào tạo,… Chủ trương là vậy, tuy nhiên suốt nhiều năm qua, phương án di dời vẫn trì trệ bởi nhiều cơ quan lấy lý do, chưa rõ ràng về cơ chế xử lý đối với phần đất trụ sở cũ, cơ quan sở hữu trước đó có quyền bán đi để lấy quỹ xây dựng trụ sở mới hay không nên đã xảy ra tình trạng chậm bàn giao. Mặc dù đến nay đã có 9 bộ, ngành, cơ quan hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, song chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan Trung ương quản lý và Xã hội sử dụng. Còn lại các cơ quan tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho Thành phố khai thác, sử dụng.

Đối với các trường đại học, cao đẳng, hiện 4 quận trung tâm có 26 trường. Trong đó, quận Đống Đa có nhiều nhất với 10 trường đại học và học viện, mỗi trường trung bình có 10.000 sinh viên. Con số này đang gây áp lực lớn về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của khu vực. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nhấn mạnh việc sắp xếp lại hệ thống trường đại học, cao đẳng khu vực nội đô khống chế số lượng khoảng 30.000 sinh viên. Bên cạnh đó, chủ trương xây mới các khu, cụm đại học ở các huyện như Thạch Thất, Sơn Tây, Gia Lâm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên với diện tích từ 3.500 - 4.500 ha, quy mô khoảng 50.000 sinh viên,... Nhưng sau 10 năm triển khai, đến nay mới chỉ duy nhất trường Đại học Y tế cộng đồng tại quận Ba Đình thực hiện di dời về quận Bắc Từ Liêm.

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc chậm trễ này chủ yếu là do công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn nhưng chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng. Bên cạnh đó, các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội thành. Sự phối hợp giữa các tỉnh, Thành phố với các bộ, ngành có liên quan chưa chủ động.

Kỳ vọng bước tiến lịch sử

Đề cập về việc các bộ, ngành và các trường đại học chậm di dời trụ sở khỏi các quận nội đô, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc các bộ, ngành chậm di dời và giao lại đất cho Hà Nội quản lý, sử dụng là do đang vướng ở Luật Đất đai. Vì theo luật này quy định trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… được giao đất có thời hạn, trong thời hạn được giao đất thì họ có toàn quyền sử dụng, khai thác. Vì vậy, nhiều đơn vị mặc dù đã được Hà Nội bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sỡ cũ vì còn thời hạn giao đất, đây là vấn đề khó khăn. Do đó, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù để có thể sớm thu hồi đất sau khi các đơn vị di dời để thực hiện theo đúng chủ trương của Thủ tướng là xây dựng các không gian xanh và công trình công cộng.

Kỳ vọng vào quy hoạch phân khu nội đô tại 4 quận lõi, anh Bùi Phương, người dân sinh sống tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, cho biết, khi quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được công bố và triển khai sẽ đem đến sự thay đổi cho người dân phố cổ. Bởi hiện tại, không chỉ có gia đình anh Phương, mà nhiều hộ dân khác tại các quận lõi đang gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày do diện tích chật chội. “Người dân chúng tôi mong chờ chính sách mới của Nhà nước với các giải pháp cụ thể, hợp lý; qua đó, không chỉ tạo cơ hội cho người dân có cơ hội làm ăn sinh sống nếu chuyển đến nơi ở mới, mà còn giúp quá trình chỉnh trang quy hoạch đô thị được khoa học và hợp lý”, anh Phương cho hay.

Không chỉ anh Phương, nhiều người dân khi được hỏi cũng mong muốn, quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được công bố và triển khai sẽ bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân theo đúng định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011. Trong đó, giảm áp lực về dân số tại 4 quận lõi được khoảng 215.000 người. Mục tiêu là vậy, tuy nhiên, để triển khai được thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, với quyết tâm cao. Trong đó, việc trước mắt là sớm di dời toàn bộ trụ sở các bộ, ngành, trường đại học trong nội đô theo kế hoạch, có như vậy mục tiêu giảm dân số theo quy hoạch phân khu 4 quận lõi nội đô mới hoàn thành như kỳ vọng. /.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/di-doi-tru-so-bo-nganh-truong-hoc-khoi-noi-do-khong-the-mai-chan-chu-122398.html