Di dời nhà nổi Hồ Tây: Xử lý vi phạm nên không có bồi thường

Trước quyết định yêu cầu các nhà nổi Hồ Tây phải di dời trước cuối quý I/2017 nhiều DN trong diện di dời đang viện lý do thiếu kinh phí.

Du thuyền Tây Long đã chủ động bỏ kinh phí 90 triệu đồng để di dời về khu vực Đầm Bẩy. Ảnh: DN

Viện lý do

Về chủ trương cải tạo khu vực Hồ Tây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các DN kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây; xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi... trên hồ Tây. Chủ tịch TP cũng yêu cầu các công việc nói trên phải hoàn thành ngay trong quý I-2017.

Theo quan sát của phóng viên, các phương tiện thủy (bao gồm các tàu thuyền, nhà nổi, sàn nổi thương mại,..) tập trung chủ yếu tại các khu vực như đầu đường Nguyễn Đình Thi, đường Thanh Niên, bán đảo Tây Hồ với hàng chục phương tiện thủy khác nhau vẫn đang hoạt động. Còn tại khu vực Đầm Bẩy, Tây Hồ (khu vực dự kiến các thuyền được cấp phép hoạt động sẽ di dời về đây), hiện có 3 du thuyền đang hoạt động từ trước đó nay cộng thêm du thuyền Tây Long mới di dời về từ ngày 7/2 đến nay là 4 du thuyền. Tuy nhiên theo lời ông Đỗ Việt Anh, Du thuyền Tây Long, các du thuyền ở Hồ Tây đang ở trong tình trạng đi không được, ở không xong!

Ông Đỗ Việt Anh cho biết, ngày 17/6/2016, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã có văn bản (số 731) thông báo về việc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa trên Hồ Tây. Tiếp đó, ngày 20/6, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với UBND Quận Tây Hồ đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động của các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động tại khu vực này.

Sau khi dừng hoạt động từ năm 2016 đến nay, theo ông Đỗ Việt Anh, DN đã phải mất một số tiền lớn (khoảng hơn 2 tỷ đồng) để duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa du thuyền toàn bộ tàu thuyền, đợi lệnh về bến mới theo chủ trương của TP. Tuy chấp hành ngừng hoạt động, nhưng đến thời điểm hiện tại DN vẫn khó di dời vì hiện thời bến mới tại Đầm Bảy chưa xây dựng xong bên cạnh đó kinh phí di dời cũng khá lớn.

“Từ năm 2016, các đơn vị hoạt động bến thủy nội địa đã phải dừng kinh doanh nhưng phương tiện không thể di dời bởi bến mới chưa phân vị trí và chưa có cầu cảng neo đậu phương tiện. Đến thời điểm hiện tại việc phân vị trí bến mới vẫn chưa được chốt", ông Đỗ Việt Anh nói.

Còn theo bà Lê Thị Minh Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Hồ Tây, Công ty được UBND Hà Nội cấp phép hoạt động kinh doanh trên mặt nước khu vực Hồ Tây từ năm 2001 trong thời hạn 30 năm (đến nay mới hoạt động được 16 năm) song lại bị yêu cầu di dời khẩn cấp mà chưa chốt được phương án bồi thường là chưa thực sự phù hợp.

Cũng theo bà Phương chủ trương của TP là “làm sạch” Hồ Tây để cho DN có tiềm năng lớn hoạt động đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ nhu cầu nhân dân nội đô, các DN nhỏ và vừa như chúng tôi sẵn sàng chấp hành, song TP cũng cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho DN. Cũng theo bà Phương, hiện DN cũng đang đóng cọc khu vực Đầm Bẩy để di dời thuyền về. "Nhưng việc di dời về Đầm Bẩy cũng chỉ là giải pháp tình thể, để thuyền lưu trú tạm chứ chưa chắc đã được hoạt động", bà Phương nói.

Kiên quyết thực hiện di dời

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, những DN đang hoạt động tại khu vực Hồ Tây, nếu có giấy phép hoạt động thì chủ trương của TP là sẽ di dời cho DN về bến mới để hoạt động (dự kiến bến mới sẽ là khu vực Đầm Bẩy) song theo tìm hiểu phóng viên được biết, trong thông báo của UBND thành phố Hà Nội về việc di chuyển về bến Đầm Bảy, Nhật Tân được giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội thiết kế mẫu cầu, phê duyệt sau đó giao cho các DN để tự thực hiện. Nhưng đến nay, các DN chưa di chuyển được theo thông báo của UBND thành phố Hà Nội vì chưa được bàn giao địa điểm cụ thể để di chuyển, chưa nhận được thiết kế cầu bến được phê duyệt.

Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do trước đây, việc thiết kế xây dựng bến thủy tại Đầm Bảy được giao cho Sở Giao thông vận tải thực hiện. Nhưng trong chỉ đạo mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ này cho UBND quận Tây Hồ để thiết kế, sắp xếp các du thuyền Hồ Tây về Đầm Bảy.

Trước việc hầu như các DN đang hoạt động tai khu vực Hồ Tây chưa tự ý tháo dỡ, di dời, sáng 16/2, UBND phường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) đã có cuộc làm việc với các chủ du thuyền, nhà nổi ở khu vực bến thủy Hồ Tây (từ số 2 đến số 10 đường Nguyễn Đình Thi).

Tại buổi làm việc ông Vũ Bá Đông, Phó chủ tịch UBND phường đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc dừng hoạt động kinh doanh tự động tháo dỡ cầu dẫn, sàn cứng xong trước ngày 20/2, nếu quá thời hạn này, phường sẽ báo cáo quận để có phương án xử lý.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng ban quản lý hồ Tây cho biết qua cuộc kiểm tra của đoàn liên ngành, giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của tất cả các công trình từ số 2 đến số 10 Nguyễn Đình Thi đã hết hạn; đăng kiểm của một số phương tiện cũng đã hết hạn.

Về kiến nghị của các DN việc bồi thường cho chi phí, lãnh đạo phường Thụy Khuê cho rằng, đây là xử lý vi phạm chứ không phải giải phóng mặt bằng nên sẽ không có chuyện bồi thường.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/di-doi-nha-noi-ho-tay-xu-ly-vi-pham-nen-khong-co-boi-thuong.aspx