Di dời ga Nha Trang, nghi nhắm đất vàng: Thận trọng

Doanh nghiệp muốn di dời ga Nha Trang theo hình thức BT nhưng công trình xây dựng mới có bằng quỹ đất vàng mà doanh nghiệp được đổi?

Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung vừa có kiến nghị với Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp này được nghiên cứu, khảo sát, đầu tư thực hiện dự án tuyến đường sắt tránh TP Nha Trang và nhà ga Nha Trang theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) và hoàn vốn bằng quỹ đất của nhà ga hiện tại.

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hội KTS tỉnh Khánh Hòa cho biết, ông mới nghe thông tin về đề xuất của Tập đoàn Tuấn Dung qua báo chí song chủ trương di dời ga Nha Trang đã có từ lâu. Tỉnh Khánh Hòa rất mong muốn thực hiện vì số lượng tàu ra vào ga với tần suất chạy tàu lớn, thường xuyên gây ùn tắc, mất an toàn giao thông tại khu vực trước ga và tại nút giao thông Mã Vòng do tuyến đường sắt vào ga giao cắt cùng mức với đường Lê Hồng Phong, ngay nút giao thông Mã Vòng.

Ủng hộ chủ trương di dời ga Nha Trang nhưng KTS Nguyễn Hoàng đặt dấu hỏi về năng lực của doanh nghiệp đề xuất di dời khi theo thông tin được truyền thông đăng tải, doanh nghiệp này chưa có bất kỳ dự án nào nổi bật, đặc biệt quỹ đất của nhà ga hiện tại sẽ được sử dụng như thế nào?

"Chi phí di dời ga Nha Trang cực kỳ tốn kém vì phải đền bù giải tỏa, đồng thời không chỉ phải đầu tư phần hạ tầng phục vụ trực tiếp chạy tàu mà còn cả hạ tầng kĩ thuật của các đơn vị đường sắt liên quan trong khu ga, liệu doanh nghiệp có đủ năng lực để làm hay không?

Phương án hoàn vốn sẽ bằng quỹ đất ga Nha Trang hiện tại. Doanh nghiệp cho biết vẫn giữ nhà ga (công trình kiến trúc) làm bảo tàng đường sắt vì đây là công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nhưng quỹ đất xung quanh sẽ làm gì? Bị phân lô bán nền để thu tiền hay xây dựng công trình gì trên đó? Tình trạng ấy không phải là hiếm ở Việt Nam.

Ga Nha Trang nằm giữa thành phố đang gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông, gây ách tắc cục bộ mỗi khi tàu ra - về vào giờ cao điểm. Ảnh: Lao động

Ga Nha Trang nằm giữa thành phố đang gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông, gây ách tắc cục bộ mỗi khi tàu ra - về vào giờ cao điểm. Ảnh: Lao động

Bên cạnh đó, đây là "đất vàng" ở Nha Trang, liệu phần công trình doanh nghiệp xây dựng mới có giá trị bằng quỹ đất nhà ga hiện tại mà doanh nghiệp được đổi? Thực tế nhiều dự án làm theo hình thức BT trước đó, các công trình xây dựng thường thiếu nọ thiếu kia, trong khi giá trị miếng đất vàng lại bị định giá thấp xuống. Tại sao phải dùng hình thức BT mà không phải là đấu thầu? Hàng loạt dự án BT trong thời gian qua bị biến tướng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước ", Phó Chủ tịch Hội KTS tỉnh Khánh Hòa bày tỏ lo ngại.

Chính vì vậy, KTS Nguyễn Hoàng hoàn toàn ủng hộ ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc với Tập đoàn Tuấn Dung vào ngày 22/4.

"Bộ trưởng đã nói rất rõ, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, nhà đầu tư cũng phải tham gia đấu thầu theo luật định, qua đấu thầu ai có năng lực thì làm.

Phải hết sức thận trọng và cứ theo đúng quy định mà làm. Doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực và như Bộ trưởng chỉ đạo, doanh nghiệp phải tiến hành nghiên cứu tiền khả thi dự án theo đúng các quy định pháp luật, làm rõ phương án tài chính, tính khả thi của dự án, xin ý kiến của TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, lấy ý kiến của người dân…

Đất là tiền. Doanh nghiệp phải làm rõ toàn bộ quỹ đất ga Nha Trang sau khi di dời nhà ga sẽ được sử dụng vào mục đích gì, có phù hợp với quy hoạch thành phố không? Hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng giao thông bao gồm cả giao thông kết nối như thế nào? Hạ tầng cơ sở, hạ tầng kĩ thuật khu ga mới cần đảm bảo tất cả các chức năng, nhiệm vụ phục vụ vận tải ra sao? Quy mô bao nhiêu, làm gì?

Tôi nghĩ nếu doanh nghiệp làm đàng hoàng, làm đúng, bài bản thì không ai phản đối. Đừng để rơi vào trường hợp luận chứng không chặt chẽ, năng lực chủ đầu tư không có mà vẫn được phê duyệt rồi bao nhiêu công trình lỡ dở", KTS Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.

Trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, lãnh đạo Phòng Kết cấu hạ tầng (Cục Đường sắt Việt Nam) cho biết, đề xuất của Tập đoàn Tuấn Dung chỉ mới là ý tưởng ban đầu của doanh nghiệp này. Để tiến hành, doanh nghiệp phải thực hiện quá trình nghiên cứu và được Thủ tướng chấp thuận, sau đó phải đấu thầu…

“Các dự án này không có chuyện chỉ định thầu. Nếu đơn vị nghiên cứu dự án không trúng thầu sẽ được doanh nghiệp trúng thầu hoàn tiền. Trường hợp nếu không được phê duyệt dự án, doanh nghiệp phải chấp nhận mất tiền. Còn hiện nay họ mới đề xuất thì Bộ GTVT không có lý do gì từ chối và chưa đòi hỏi về năng lực”, vị này khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng quỹ đất ga Nha Trang do Bộ GTVT quản lý nhưng phải nằm trong quy hoạch của TP Nha Trang.

“Hai vấn đề cốt lõi khi dời ga Nha Trang ra ngoại thành là phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh và phải đấu thầu. Quan điểm của tỉnh là phải giữ lại kiến trúc nhà ga hiện tại. Mặt khác, hình ảnh ga Nha Trang cũng phải được gắn với di tích lịch sử.

Theo quy định hiện nay, tất cả việc như dời ga, xây dựng công trình đường sắt đến ga mới, làm nhà ga mới, sử dụng quỹ đất còn lại của nhà ga cũ đều phải đấu thầu hết”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/di-doi-ga-nha-trang-nghi-nham-dat-vang-than-trong-3378952/