Di dời dân khỏi chung cư cũ: Nỗi lo đi rồi bao giờ về?

Nhiều câu hỏi về việc tái định cư, mức hỗ trợ đền bù và quan trọng là bao giờ họ được quay về là câu hỏi vẫn chưa có lời hồi đáp.

Cư dân vẫn thấy an toàn?

Mặc dù đã gắn biển cảnh báo nguy hiểm cấp độ D cả chục năm nay, nhưng cư dân tòa nhà A Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) vẫn bình thản sống. Không ít người dân khi được hỏi, họ đều khẳng định rằng, khu chung cư cũ này chưa hề xảy ra bất kì vấn đề nào liên quan đến lún nứt nghiêm trọng. Vì vậy, việc gắn biển cấp độ D dường như chưa chính xác.

Theo cư dân ở nhà A Ngọc Khánh, việc gắn biển cấp độ D với tòa nhà này là chưa chính xác.

Theo cư dân ở nhà A Ngọc Khánh, việc gắn biển cấp độ D với tòa nhà này là chưa chính xác.

Để minh chứng cho điều này, ông Long (67 tuổi, sống ở tầng 3 tòa A Ngọc Khánh ) dẫn PV vào quan sát căn hộ của ông. Người đàn ông này cho biết, căn hộ của ông chưa có bất cứ vết nứt nào, tường, trần nhà đều không bị ẩm mốc. Và bao năm nay, ngoài việc chỉ sơn lại tường cho mới thì ông chưa phải sửa bất kỳ thứ gì trong nhà mình. “Nhiều khu tập thể khác, tường còn bị nứt, ẩm dột, bong tróc hơn nơi đây nhiều nhưng cũng chỉ ở cấp độ C. Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành khảo sát và đánh giá lại hiện trạng tòa nhà này”, ông Long nói.

Ông Long cho biết, mấy chục năm nay căn hộ của ông không phải sửa sang bất cứ thứ gì

Cùng với ý kiến này, ông Trí một người dân sống ở tầng 2 cho biết, trước đây ông là công nhân của Công ty Lắp ghép nhà ở số 1, nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội. Chính bản thân ông và rất nhiều người đang sinh sống tại tòa nhà này đã bê từng viên gạch, tấm thép xây lên khu chung cư này. Chính vì thế, ông hiểu rất rõ về kết cấu của tòa nhà.

“Tất nhiên theo thời gian, nhà bị nghiêng, lún, bong tróc tuy nhiên đây là nhà lắp ghép nên nếu nhà có sập thì phải sập cả tòa, chứ không thể có chuyện sập một khu vực. Mà hiện tại, các cơ quan chức năng kết luận chỉ có đơn nguyên 1 là nguy hiểm, còn đơn nguyên 2 lại không ảnh hưởng gì?”, ông Trí nói.

Người dân ở tòa nhà A Ngọc Khánh sẵn sàng di dời nếu chính quyền có kế hoạch cụ thể

Dù đưa ra lý lẽ này, nhưng ông Trí cũng cho biết, gia đình ông sẽ di dời nếu thành phố có chủ trương và kế hoạch rõ ràng về việc đi và ở. “Nếu đi chúng tôi sẽ ở đâu và ở trong bao lâu? Nơi tạm cư có đảm bảo không? Việc đền bù thế nào? Sau này, liệu chúng tôi có về được không?”, ông Long nói.

Xập xệ không kém tòa nhà Ngọc Khánh, khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) đã có quyết định khẩn cấp di dời cách đây 6 năm, tuy nhiên tới nay toàn bộ hộ dân tại đây vẫn ở nguyên tại chỗ. Khi được hỏi, hầu hết người dân đều cho biết, chờ chủ đầu tư vào và thỏa thuận rõ ràng tất cả rồi mới đi.

Bà Liễu (60 tuổi) cư dân sống tại đây cho biết, trước đây cũng có công ty xây dựng đến khu tập thể khảo sát và họp chúng tôi để bàn bạc về phương án đền bù. Tuy nhiên, sau đó không thấy họ quay trở lại. “Nhà xuống cấp chúng tôi cũng lo lắng lắm chứ. Được chuyển đến một nơi an toàn, sạch sẽ thì ai chẳng muốn, nhưng các cơ quan chức năng phải có những chính sách làm sao để chúng tôi yên tâm. Hầu hết các hộ dân ở đây đều không muốn đi vì chưa rõ việc chúng tôi được đền bù thế nào, nơi tạm cư ở đâu, sau khi xây dựng xong, chúng tôi còn được về nhà mình nữa không? Tôi được biết, có gia đình ở khu tập thể Thành Công đã làm đơn tự nguyện di dời đi nhưng khu tạm cư không được như mong muốn nên lại quay về”.

Một góc của khu tập thể Thành Công

Còn ông Hoàng (69 tuổi) cư dân sống ở khu tập thể Thành Công, Ba Đình chia sẻ, ông là cựu chiến binh và có thời gian gắn bó mấy chục năm với “ngôi nhà chung” này. Vì vậy, nếu phải di dời sẽ cuộc sống của ông gặp nhiều khó khăn. "Chúng tôi biết là nhà xuống cấp thì sẽ nguy hiểm, chúng tôi đồng tình chuyển đi, nhưng mong chính quyền hãy xem xét thấu đáo, phải bố trí nơi tạm cư phù hợp và đền bù thỏa đáng cho chúng tôi", ông Hoàng nói

Ngoài những khó khăn về việc tạm cư ở những khu vực xa trung tâm, nỗi lòng của người ra đi và chưa biết bao giờ về cũng là tâm trạng chung của nhiều hộ dân ở khu tập thể này. Nhiều câu hỏi về việc tái định cư, mức hỗ trợ đền bù và quan trọng là bao giờ họ được quay về là câu hỏi vẫn chưa có lời hồi đáp.

Nhà đầu tư không mặn mà?

Hiện trên địa bàn Hà Nội có gần 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 nhà chung cư độc lập có quy mô từ 2 đến 5 tầng, phân bố chủ yếu tại 4 quận nội đô. Từ hơn 10 năm trước, Hà Nội đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn. Tuy nhiên, sau hơn chục năm triển khai, chương trình này gần như dậm chân tại chỗ khi mới chỉ có 14 chung cư cũ được xây dựng mới đưa vào sử dụng, chiếm chưa tới 1%; 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng; 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời, nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

Đến nay, cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội mới đạt khoảng 1%

Mới đây Bộ Xây dựng đã nhận định một trong những trở ngại lớn chính là các quy định, chính sách chưa khuyến khích nhà đầu tư, vì thế nhiều nhà đầu tư không mấy mặn mà. Thực tế cho thấy, xây dựng lại lượng lớn chung cư đang hư hỏng, xuống cấp, ngân sách nhà nước không thể kham nổi. Do đó, lâu nay ngành chức năng vẫn phải huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Tại Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng cho biết, trong 28 chung cư cũ mà thành phố mời gọi doanh nghiệp cải tạo và xây dựng mới đã có 18 nhà đầu tư đăng ký tham gia. Tuy nhiên, lợi ích của doanh nghiệp và một số quy định chính sách đang “vênh” nhau khiến nhiều nhà đầu tư vẫn đắn đo.

Cụ thể, theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và các quy định hiện hành, việc khống chế chiều cao cũng như yêu cầu phải giữ quy mô dân số đang có là một trong những trở ngại lớn nhất. Thực tế, các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội tập trung chủ yếu ở các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đây lại là những quận có mật độ dân số đông, thậm chí cao gấp đôi so với quy hoạch dân số được phê duyệt.

Được biết, để bù đắp được vốn đã bỏ ra và có lãi, việc đầu tư phải thỏa mãn 2 điều kiện: Thứ nhất, tòa nhà xây dựng mới phải có tổng diện tích xây dựng gấp tối thiểu 3 lần diện tích của các tòa nhà chung cư cũ, tương đương với chiều cao mới phải đạt từ 15 tầng đến 18 tầng. Nhưng, điều này lại vi phạm quy định khống chế quy hoạch chiều cao xây dựng của khu vực trung tâm. Thứ hai, nhà đầu tư được sử dụng toàn bộ diện tích mặt bằng tầng 1 vào kinh doanh thương mại.

Song, điều này gặp phải phản kháng của những hộ ở tầng 1 sống bằng hoạt động kinh doanh tại chỗ. Chính sự bất cập này đang khiến một số doanh nghiệp chỉ lựa chọn tòa nhà chung cư cũ có vị trí đắc địa để khắc phục được 2 ràng buộc nêu trên.

Bên cạnh đó là trở lại về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng đang là những nút thắt cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện. Để tháo các nút thắt này, mới đây UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố lập quy hoạch chi tiết cải tạp, xây dựng lại các khu chung cư cũ phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô và quy hoạch phân khu đô thị trước khi phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn. Trong đó, cho phép nghiên cứu về tầng cao, quy mô dân số phù hợp với hiện trạng dân số và đảm bảo khả thi khi thực hiện. Bên cạnh đó, căn cứ kế hoạch cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, cho phép UBND thành phố lập và phê duyệt danh mục các khu chung cư cũ phải cải tạo, xây dựng lại hàng năm.

UBND thành phố cũng kiến nghị được tổ chức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án. Các hộ dân có thể đề xuất, giới thiệu các chủ đầu tư tham gia đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, thay cho việc các hộ dân lựa chọn chủ đầu tư, báo cáo UBND thành phố chấp thuận như quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP.

Đồng thời, cho phép thành phố ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14-1-2013 của Chính phủ quy định cụ thể các hoạt động liên quan đến việc đầu tư phát triển đô thị; Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) và các Nghị định 43/2014/NĐ-CP trong việc thu hồi các căn hộ đối với từng hộ gia đình, cá nhân.

Vấn đề đặt ra với TP Hà Nội thời gian tới là phải đối mặt với nhiệm vụ giải quyết vấn đề cải tạo, xây dựng lại các khu nhà ở chung cư cũ như thế nào trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Trong khi đó, đa phần cư dân sống tại các khu chung cư cũ là cán bộ công nhân viên, người làm công ăn lương, khả năng chi trả thấp. Các chung cư cũ lại đa phần nằm ở khu vực nội thành, là khu vực hạn chế phát triển dân cư theo quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt.

Theo Thương trường

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/di-doi-dan-khoi-chung-cu-cu-noi-lo-di-roi-bao-gio-ve-62668.htm