Di dời chung cư cũ ở TPHCM: Liệu có 'một đi không trở lại'?

Trên địa bàn TP.HCM có một số chung cư cũ sử dụng nhiều năm đã xuống cấp, phải xây dựng lại để đảm bảo an toàn cho cư dân và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khẩn trương di dời dân xong rồi… bỏ đó khiến cuộc sống của người dân bị di dời bất ổn.

Nỗi lòng người đi

Ra đi và không biết bao giờ về là tâm trạng chung của gần 80 hộ dân ở chung cư 155 - 157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) trong bối cảnh chung cư cũ nát bị buộc phải di dời vào ngày 14/6 tới đây. Nhiều câu hỏi về việc tái định cư và quan trọng là bao giờ họ được quay về nhà vẫn chưa có câu trả lời.

Chung cư 155 - 157 Bùi Viện tọa lạc trên diện tích đất gần 600m2 ở vị trí đắc địa bậc nhất phố đi bộ Bùi Viện, trung tâm của “khu phố Tây” nổi tiếng của Sài Gòn. Dù tuổi đời chỉ mới hơn 40 năm, nhưng với không gian chung chật hẹp, nhếch nhác, nhiều hạng mục được xác định là xuống cấp nên bị chính quyền địa phương yêu cầu di dời khẩn cấp.

Trước đó, qua khảo sát, Sở Xây dựng nhận định, hiện trạng bên ngoài chung cư chắc chắn nhưng bên trong đã xuống cấp nghiêm trọng nên đề xuất UNBD TP.HCM khẩn trương di dời. Theo kết luận kiểm định chất lượng công trình, chung cư này có chất lượng cấp D - khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, thuộc diện nhà chung cư hư hỏng nặng cần phải phá dỡ.

 Trong 10 năm qua, thành phố mới chỉ tháo dỡ được 32 chung cư cũ và việc cải tạo diễn ra rất chậm. Ảnh: N.P.

Trong 10 năm qua, thành phố mới chỉ tháo dỡ được 32 chung cư cũ và việc cải tạo diễn ra rất chậm. Ảnh: N.P.

UBND quận 1 đã đưa ra quyết định vào ngày 14/6 tới đây, tất cả người dân chung cư Bùi Viện sẽ di chuyển ra bên ngoài và được lựa chọn nơi ở mới nằm trong danh sách quỹ nhà tái định cư. Theo phương án tổ chức di dời và bố trí tạm cư đối với các hộ dân tại chung cư trên đã được UBND quận 1 đưa ra, dự kiến các hộ dân tại đây sẽ di dời về tạm cư tại chung cư Phú Mỹ (quận 7) và chung cư xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Nếu người dân không đồng ý tạm cư tại đây, sẽ được nhận tiền thuê nhà để tự lo nơi ở mới với mức: 4 nhân khẩu trở xuống được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, từ 5 nhân khẩu trở lên sẽ hỗ trợ thêm 1,25 triệu/nhân khẩu/tháng nhưng không quá 15 triệu đồng mỗi hộ. UBND quận 1 cam kết sẽ mời chủ đầu tư tham gia cải tạo không vì mục đích thương mại, rồi bố trí lại để 100% cư dân trở về sinh sống trong căn hộ mới…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cư dân ở đây cho rằng phương án di dời mà UBND quận 1 đưa ra chưa hợp lý, và quan trọng là vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia cải tạo chung cư này. Nhiều người dân ở đây khi được hỏi thì điều băn khoăn nhất và cũng là nguyên nhân chính khiến cho đến nay họ vẫn chưa chịu di dời, đó là ngày trở về chưa được xác định một cách cụ thể.

"Chính quyền lo lắng cho tính mạng người dân thì hãy sớm tìm chủ đầu tư, đừng để như chung cư Cô Giang, người dân di dời 11 năm vẫn chưa xây dựng", chị Nga, một cư dân có gia đình sinh sống ở đây nhiều năm phản ứng. Các cư dân đề nghị chính quyền địa phương phải đảm bảo thời gian tạm cư của các hộ dân sau khi di dời không quá 36 tháng để họ sớm ổn định cuộc sống mà không ảnh hưởng đến kế hoạch, tương lai của con em.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Với mục tiêu đến năm 2020 giải quyết 50% trong số 474 chung cư cũ, UBND TP.HCM đã ủy quyền cho các quận cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại khó có thể đạt được, bởi trong 10 năm qua, thành phố mới chỉ tháo dỡ được 32 chung cư cũ và việc cải tạo diễn ra rất chậm.

Vì sao người dân cứ mãi sống trong các chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng mà không chịu di dời? Điều mong muốn của cư dân là sớm được quay về nơi ở cũ, an cư tại chung cư đã xây dựng lại. Thế nhưng, thực tế nhiều trường hợp sau khi cưỡng chế di dời thì chính quyền lại không đốc thúc chủ đầu tư nhanh chóng xây dựng nên dự án vẫn “trùm mền”, hoặc xây dựng với tiến độ rất chậm.

Điển hình trong số đó là chung cư Cô Giang. Từ năm 2007, quận 1 tiến hành giải tỏa di dời cư dân chung cư này, sau đó chủ đầu tư tổ chức động thổ rầm rộ rồi bỏ đó. Đã hơn 10 năm trôi qua, mặt bằng này vẫn là bãi đất trống.

Ông Trương Thế Hải (chủ căn nhà số 129 Cô Bắc) lý giải: “Cư dân nằm trong diện bị cưỡng chế hết sức lo lắng bởi việc ép buộc di dời không chỉ gây nhiều thiệt hại về vật chất, mà tổn thương đến tinh thần. Để chuyển chỗ ở, phải thu xếp ổn định cuộc sống và việc làm mới, xin được chỗ học mới cho con cái, người dân khó trăm bề. Do vậy rất cần có lộ trình và thời gian thích hợp cho cư dân di dời”.

Trong khi đó, ở các dự án đã có chủ trương đầu tư thì quá trình thực hiện cũng gặp nhiều vướng mắc. Ở chung cư 155 - 157 Bùi Viện, kế hoạch trước đây xác định phải chọn được nhà đầu tư xây mới chung cư trong quý 3/2018, nhưng đến nay vẫn chưa chọn được. Tương tự, phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án phá dỡ chung cư cũng chưa thống nhất. Hiện, quận vẫn đang chờ ý kiến của UBND TP về quỹ nhà tạm cư, thời gian di dời các hộ dân, cũng như phương án hoàn vốn cho Nhà nước khi đầu tư xây dựng lại chung cư thay thế (ở chung cư có 87 căn thuộc sở hữu tư nhân, 13 căn thuộc sở hữu nhà nước).

Một vướng mắc lớn khác là liên quan đến thỏa thuận bồi thường, tái định cư giữa chủ dự án và người dân. Không ít người dân yêu cầu bồi thường cao hơn mức chủ đầu tư chấp nhận. Trong khi đó, hầu hết chung cư xây dựng trước năm 1975 đều ở khu vực trung tâm, được kiểm soát chặt về hệ số sử dụng đất và mức trần giới hạn về dân số. “Nếu quận bố trí tạm cư xa quá hoặc giá suất tái định cư quá cao thì chúng tôi cũng chẳng đi. Dân lao động và buôn gánh bán bưng, lấy đâu ra tiền đóng khoản chênh lệch lớn”, bà Phạm Thị Thanh Tâm (chung cư Bùi Viện) cho biết.

Theo quan điểm của các chuyên gia, để đẩy nhanh cải tạo, xây mới các chung cư cũ, nát trên địa bàn TP.HCM, việc tiên quyết đề ra là các địa phương phải vượt ra khỏi sự ràng buộc của từng dự án, rộng hơn nữa là thoát ra khỏi địa giới hành chính của các quận, huyện để liên kết, tạo quỹ đất đủ lớn nhằm có thể thu hút doanh nghiệp tham gia. Muốn vậy, phải đảm bảo hài hòa lợi ích: Người dân có nơi ở mới, doanh nghiệp có lợi nhuận, Nhà nước có được công trình mới.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/di-doi-chung-cu-cu-o-tphcm-lieu-co-mot-di-khong-tro-lai-164718.html