Di dời bộ, ngành, trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội: Đủng đỉnh đến bao giờ?

Quyết định 130/2015/QĐ-TTg của Chính phủ về sử dụng quỹ đất khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, trường học, bệnh viện (BV), bộ ngành ra nội đô Hà Nội nêu rõ: 'Ưu tiên công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, không sử dụng xây chung cư cao tầng…'.

Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược lâu dài của Chính phủ. Đồng thời, là giải pháp quan trọng giảm áp lực quá tải hạ tầng cho Hà Nội. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, kết quả di dời rất hạn chế, các cơ sở được sắp xếp quỹ đất mới chưa bàn giao lại quỹ đất cũ cho Hà Nội.

Bài 1: Chưa có cơ sở giáo dục nào chịu… đi

Trong khi Chính phủ không ngừng thúc giục di dời các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ra ngoại thành thì thực tế đối nghịch hoàn toàn. Các trường trong diện di dời vẫn bám trụ nội đô. Diễn tiến này kéo dài khiến tình trạng kẹt xe, quá tải dân cư tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.
Nhận đất rồi… chờ
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 96 trường ĐH, CĐ, chiếm 1/3 số trường và 40% tổng số SV cả nước. Thực trạng này khiến bài toán ùn tắc giao thông trở nên nhức nhối. Chính vì thế, Chính phủ đã ban hành Quyết định 130 với nội dung quan trọng di dời một số cơ sở giáo dục ra ngoại thành.
Vào thời điểm năm 2008, khi ghé thăm các diễn đàn thuộc ĐH quốc gia Hà Nội, chủ đề được nhiều SV quan tâm nhất là: “Bao giờ được lên Hòa Lạc học?”. Với những phỏng đoán về quy mô cũng như điều kiện học tập, có gì khác so với môi trường hiện tại? Trường nào xuất quân về khu mới đầu tiên? Thế nhưng, hơn 10 năm qua, nhiều lứa SV đã ra trường, song dự án vẫn chưa… cán đích.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng

Từng được kỳ vọng là khu đô thị ĐH hiện đại bậc nhất khu vực Ðông Nam Á, dự án đầu tư xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ thông qua với diện tích khoảng 1.000ha, gồm 13 dự án thành phần. Theo dự tính ban đầu, dự án kéo dài trong 13 năm (2003 - 2015), tổng đầu tư ước tính 7.230,8 tỷ đồng từ vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Theo đúng tiến độ, đến đầu năm 2010, có 3 trường tiến quân lên đó đầu tiên: ĐH Khoa học Tự nhiên, Khoa Sư phạm (tiền thân của trường ĐH Giáo dục hiện nay) và ĐH Công nghệ. Và dự tính năm 2015, toàn bộ ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ chuyển lên khu mới. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn diện tích dự án vẫn là hàng trăm héc ta đồi đất phủ kín cỏ dại. Việc triển khai chậm và đầu tư dang dở nhiều hạng mục hạ tầng tại đây đã dẫn đến lãng phí không nhỏ. Còn đất "đóng đô" của ĐH Quốc gia vì thế vẫn nằm rải rác ở các khu đất "vàng" trong quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hoàn Kiếm.
Tương tự, một số cơ sở giáo dục, đại học nghề nghiệp được bố trí quỹ đất tại khu ĐH tập trung Hòa Lạc với quy mô 279ha. Đến nay, mới có Đại học Luật - Đại học quốc gia Hà Nội được giới thiệu di dời đến khu vực này.
Hà Nội cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Đại học Dục Tú – Mai Lâm (huyện Đông Anh) với diện tích 42,9ha để làm dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Thủ đô. Sau đó, di dời hai trường: CĐ sư phạm Hà Nội và CĐ cộng đồng Hà Nội sang ĐH Thủ đô. Theo quy hoạch, sau khi hai trường CĐ này di dời đi sẽ bổ sung một số trường phổ thông cho quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, đến nay chưa trường nào chuyển sang, bởi bài toán “nguồn kinh phí”. Thậm chí hai trường này vẫn đang xin ngân sách của TP để cải tạo cơ sở hiện có. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang lập quy hoạch phân khu cụm trường Chúc Sơn với tổng diện tích 234ha. Ngoài ra, tiếp tục giới thiệu địa điểm xây dựng cho các cơ sở như CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cơ sở 2 thuộc phường Trung Văn, Nam Từ Liêm; Đại học y tế cộng đồng thuộc phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm. Dù vậy, nhiều cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục sử dụng.
Trăm lý do lần lữa
Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tĩnh - Phó Hiệu trưởng ĐH Công đoàn cho biết, do cơ sở 1 ở phố Tây Sơn (Đống Đa) chật hẹp, nhà trường đã chủ động báo cáo với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan chức năng về việc mở cơ sở 2 tại tỉnh Hưng Yên. Hiện dự án xây dựng trường ở cơ sở 2 tại một phần đất trên xã Giai Phạm và một phần ở xã Đồng Than thuộc huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) có diện tích 27ha đang ở cuối giai đoạn 1.
Ông Nguyễn Đức Tĩnh phân tích, đến nay, dự án xây dựng cơ sở 2 của ĐH Công đoàn đã thực hiện được 6 năm. Việc đền bù, GPMB mất nhiều thời gian, sau đó lại điều chỉnh quy hoạch và thiết kế. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách và một phần tự có của nhà trường. Giai đoạn 1 chưa kết thúc nhưng nhà trường đang xem xét thực hiện giai đoạn 2, tuy vậy việc nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào kinh phí đầu tư. Nhà trường định hướng đến năm 2018 khi giai đoạn 1 kết thúc có thể đưa SV đến đào tạo một số học phần. Để tạo điều kiện trong việc di chuyển của SV, giảng viên, trường đã làm việc với Sở GTVT, để tương lai xây dựng một trạm xe buýt phục vụ việc di chuyển từ cơ sở 1 đến cơ sở 2.
“Khi SV di chuyển ra cơ sở 2, trụ sở nhà trường hiện tại dùng đào tạo cán bộ công đoàn với số lượng quy mô chỉ bằng 1/10. Đồng thời, đây là khu di tích lịch sử bởi Bác Hồ đã có 5 lần về thăm trường – nơi đào tạo cán bộ công đoàn từ năm 1959. Hơn nữa, Bộ VHTT&DL đã đồng ý cho phép nhà trường dựng tượng Bác Hồ trước khuôn viên. Vì thế đây là di tích mà Tổng liên đoàn cần phải giữ” – vị Phó Hiệu trưởng cho hay.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Vinh – Hiệu trưởng CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, trường nằm trên phố Thái Thịnh (Đống Đa) có lịch sử 42 năm. Khi mới xây dựng, công suất tuyển sinh mỗi năm 300 SV. Số lượng SV hiện nay đã tăng lên gấp 10 lần. Chủ trương di dời các trường ra khỏi nội đô là đúng đắn. Tuy nhiên, do sự ổn định từ lâu nên việc di dời chắc chắn bao hàm thuận lợi và khó khăn. Về thuận lợi, trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu thành trường đạt trình độ quốc tế với tiêu chí về diện tích, KTX, khu vui chơi, khu thể thao, nhà xưởng, phòng học, thư viện… Trong khi đó, nếu ở tại địa điểm hiện nay với diện tích khoảng 20.000m2 không đáp ứng được. Bên cạnh đó, về vấn đề môi trường, do nằm trong khu dân cư, gần BV nên có những ảnh hưởng tiêu cực qua lại. Vì vậy, khi di dời ra khu vực mới rộng rãi, trường sẽ đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong tương lai. Dù vậy, khi chuyển sang cơ sở mới, cũng xin giữ lại phần nhỏ tại địa chỉ cũ làm nơi tuyển sinh trong thời gian nhất định.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo trong 5 năm tới ĐH Quốc gia Hà Nội phải có được một, hai trường và một số hạng mục rất cơ bản ở Hòa Lạc. Đảm bảo di dời được tương đối lực lượng SV ra ngoài Hòa Lạc.

Hiệu trưởng một trường ĐH trên địa bàn Hà Nội băn khoăn: Khi trường của chúng tôi di dời ra ngoài, thay vào đó là một khu chung cư, vậy có lẽ, sự ở lại của trường có ý nghĩa hơn. Thực tế, một số quỹ đất sau khi di dời đã được dự kiến trở thành chung cư cao tầng bán để kinh doanh.

Không nên có trường hợp ngoại lệ. Đã di dời cần bàn giao lại quỹ đất cũ để phát triển các mảng xanh cho TP. Các nước trong khu vực đã thành công trong việc di dời các cơ sở giáo dục ra ngoại thành. Điển hình nhất là ĐH Quảng Châu – Trung Quốc. Chỉ trong 3 năm, Quảng Châu đã xây xong một TP hiện đại cho 12 trường ĐH, hàng chục viện nghiên cứu, có sức chứa 150.000 SV, cách trung tâm TP Quảng Châu 15km.

Ông Phạm Sỹ Liêm
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

(còn nữa)

Vân Hằng – Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/di-doi-bo-nganh-truong-hoc-benh-vien-co-so-o-nhiem-ra-khoi-noi-do-ha-noi-dung-dinh-den-bao-gio-303489.html