Di dời Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương: Không nên...

Trong khi người dân, Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế không muốn di dời thì bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương vẫn đưa sang địa điểm mới.

Dân mong muốn giữ lại nhưng vẫn chuyển

Trao đổi với Đất Việt, ngày 11/8, bà Lê Thị Thanh Tâm - Chủ tịch UBND phường Phú Hội (TP Huế) cho biết: "Tấm bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương trước đây được đặt tại ngã tư Lê Quý Đôn - Bà Triệu của phường, nhưng giờ đã được di chuyển sang địa điểm khác.

Cụ thể, sẽ được chuyển về công trình tưởng niệm 11 cô gái sông Hương trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ.

Thực tế, tấm bia trên do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế trực tiếp quản lý công trình, còn phường thì không phụ trách".

Hiện tấm bia tưởng niệm niệm 11 cô gái sông Hương đã được di dời. Ảnh TNO

Cũng theo bà Tâm, người dân hiện tại đều có mong muốn giữa lại tấm bia đặt tại vị trí hiện nay. Bởi vì, nơi đây từng diễn ra trận đánh có sự tham gia của Tiểu đội nữ du kích Thành đội Huế, gắn liền với người dân thành phố mấy chục năm qua.

Còn chỗ khu vực tưởng niệm mới trên đường Phạm Văn Đồng chỉ là điểm ghi nhớ thôi chứ không gắn liền với lịch sử.

"Trước khi di dời, bên quản lý cũng có xuống làm việc với phường 1 ngày, phường cũng đã nói một số nguyện vọng của người dân, nhưng không nhận được sự đồng ý. Vài ngày sau buổi làm việc thì tấm bia vẫn được di dời đi.

Sau khi di dời bia, khu vực này vẫn đang sửa lại hệ thống ống nước chứ chưa chỉnh trang lại", bà Tâm cho biết thêm.

Di dời bia là trăn trở của những người làm bảo tàng

Về phía đơn vị quản lý, trao đổi với báo chí, ông Cao Huy Hùng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế, đơn vị trực tiếp quản lý công trình, cho biết bia tưởng niệm này được thực hiện vào năm 1997.

Trong quá trình thực hiện công trình này, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế) đã tổ chức cuộc họp, mời 3 cán bộ lão thành gồm các ông Nguyễn Vạn, Hoàng Lanh và Nguyễn Trung Chính là những người từng tham gia chỉ đạo và chiến đấu trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 tại TP.Huế.

Bia tưởng niệm sẽ được đưa về Công trình tưởng niệm 11 cô gái sông Hương mới tại khu quy hoạch Vỹ Dạ, TP.Huế. Ảnh TNO

Vị trí đặt bia tưởng niệm được các nhân chứng lịch sử thống nhất chọn ở cửa số 3, Sân vận động Tự Do (ngã tư Lê Quý Đôn - Bà Triệu, TP.Huế) bởi nơi đây từng diễn ra trận đánh có sự tham gia của Tiểu đội nữ du kích Thành đội Huế (Tiểu đội 11 cô gái sông Hương.

Đồng thời đây cũng là vị trí dựng bia thuận lợi để phát huy giá trị giáo dục truyền thống.

“Với những giá trị lịch sử, truyền thống đó, bảo tàng đã có văn bản kiến nghị nếu cần thiết di dời phải tổ chức lấy ý kiến các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử…để thống nhất.

Tuy nhiên, đề xuất này đã không được đồng ý. Do vậy chúng tôi phải chấp hành chỉ đạo của cấp trên”, ông Hùng nói.

Ngày 17/10/2016, công trình Bia chiến công 11 cô gái sông Hương mới (tại vị trí bồn hoa, thuộc khu quy hoạch Vỹ Dạ, P.Vỹ Dạ) với tổng diện tích 900 m2, kinh phí đầu tư 2,8 tỉ đồng, do Hội phụ nữ tỉnh xây dựng đã được khánh thành. Do đó, đến nay tại TP.Huế tồn tại 2 điểm tưởng niệm 11 cô gái sông Hương.

Mới đây, ngày 20/3, Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tiếp tục có Công văn 888/CV-TU về việc di dời Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo Sở VH-TT thực hiện di dời bia và Sở cũng đã có công văn giao Bảo tàng Lịch sử hoàn tất việc di dời bia trước tháng 8/2018.

"Thực hiện các chỉ đạo trên, tối 28/7, Bảo tàng Lịch sử đã tiến hành di dời Bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương, tại địa điểm ngã tư Lê Quý Đôn - Bà Triệu về bảo quản tại bảo tàng và sắp tới dự kiến sẽ mời một số cơ quan chức năng liên quan để lập phương án dựng lại bia tại địa điểm mới theo chỉ đạo của Tỉnh.

Việc di dời bia là trăn trở của những người làm bảo tàng, nhưng nhiệm vụ phải chấp hành", ông Hùng nói.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: “Thường trực Tỉnh ủy có chủ trương di dời bia do vị trí này hiện tại nhếch nhác, không đảm bảo mỹ quan.

Sau khi di dời bia, khu vực này sẽ chỉnh trang lại vỉa hè cho người đi bộ, chứ không có trưng dụng vào mục đích gì khác”.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/di-doi-bia-tuong-niem-11-co-gai-song-huong-khong-nen-3363501/