Di dời 15.000 người khỏi kinh thành Huế: Phục hồi diện mạo uy nghi của cố đô

Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 11.12.1993. Từ năm 1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 105/QĐ-TTg phê duyệt dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế. Và, vào tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục xây dựng và báo cáo Chính phủ đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích kinh thành Huế.

Theo đề án này, gần 15.000 người sẽ được di dời đến nơi ở mới, nhằm phục dựng kinh thành Huế như vốn có. Người Đô Thị có cuộc phỏng vấn TS. Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế xung quanh đề án này.

Nhìn lại hơn 20 năm qua (1996 - 2018), việc thực hiện quyết định của Thủ tướng đã được thành quả như thế nào so với mục tiêu ban đầu, và đến giờ cần phải thực hiện thêm những phần việc nào nữa, thưa ông?

Chiến tranh và thiên nhiên khắc nghiệt đã làm cho nhiều khu di tích bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ khu vực Tử cấm thành gần như bị hư hại hoàn toàn. Khu vực Hoàng thành chỉ còn lại 80 công trình so với 147 công trình kiến trúc nguyên thủy. Khu vực Kinh thành chỉ còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng trong tổng số 306 công trình, lăng vua Gia Long có 44 công trình hiện còn 20 công trình, lăng vua Minh Mạng có 40 công trình hiện còn 21 công trình, lăng vua Thiệu Trị có 40 công trình hiện còn 19 công trình, lăng vua Tự Đức có 40 công trình hiện còn 19 công trình...

Từ khi có Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 12.2.1996 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở quan trọng để Thừa Thiên - Huế triển khai thực hiện chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong suốt thời gian qua, đây cũng là nền tảng để Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 7.6.2010 phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 2010-2020.

Quá trình triển khai quy hoạch đã thu được những kết quả rất lớn, diện mạo quần thể di tích cố đô Huế ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, đã vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” để chuyển sang giai đoạn “ổn định và phát triển bền vững”.

Với nguồn đầu tư trong nước và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhiều công trình đã được bảo tồn, trùng tu như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, các di tích trong Tử cấm thành, cụm di tích Thế Miếu, Hiển Lâm Các, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử cấm thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), Phu Văn Lâu, Nghênh Lương Đình, 10 cổng Kinh thành, cung An Định, các công trình tại lăng vua Gia Long, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị, lăng vua Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh, lăng vua Dục Đức, một số công trình văn hóa như: đàn Nam Giao, Văn Miếu, điện Hòn Chén, lầu Tàng Thơ, hồ Học Hải, chùa Thiên Mụ...

Song song với công cuộc bảo tồn trùng tu các di tích, công tác di dời giải tỏa tại các khu vực bảo vệ di tích cũng được tiến hành. 40 nhà máy, xí nghiệp, trường học và cơ quan trong khu vực Đại nội đã được di dời giải tỏa, hiện chỉ còn một xưởng sản xuất vật liệu truyền thống phục vụ trùng tu di tích và cũng đang thực hiện di chuyển theo kế hoạch đã được phê duyệt (có nhà máy như Dệt Phú Xuân với 2.500 công nhân sản xuất cũng được đưa ra khỏi Kinh thành).

Trong thời gian hơn 20 năm qua đã tập trung di dời được 1.050 hộ dân ra khỏi khu vực 1 bảo vệ di tích như: các hộ ven sông Ngự Hà, khu vực Tôn Nhơn Phủ, một số hộ ở đàn Xã Tắc, lầu Tàng Thơ, khu vực Thượng thành và eo bầu mặt Nam Kinh thành, đàn Âm hồn... Từ năm 1996 đến nay, kinh phí dành cho công tác di dời giải tỏa tại khu vực 1 bảo vệ các di tích thuộc Kinh thành Huế gần 200 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 10% so với tổng kinh phí dành cho công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích.

Trên ảnh cho thấy tuyến phòng lộ và eo bầu Nam Chánh không có dân cư. Ảnh tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế

Trên ảnh cho thấy tuyến phòng lộ và eo bầu Nam Chánh không có dân cư. Ảnh tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế

Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung các nguồn lực trùng tu các công trình di tích đang xuống cấp nghiêm trọng và di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế. Việc giải tỏa dân cư cùng với quá trình bảo tồn khu di tích sẽ đảm bảo giá trị chân xác các công trình, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.

Mới đây (cuối tháng 10), UBND tỉnh xây dựng và báo cáo Chính phủ đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế. So với các mục tiêu đã thực hiện trong mấy mươi năm qua, đề án này đề ra những tham vọng gì?

Hiện nay tại khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, nhiều di tích xuống cấp và bị xâm hại bởi áp lực của sự gia tăng dân số. Theo số liệu thống kê, hiện khu vực này có hơn 4.200 hộ dân do các điều kiện lịch sử đang sinh sống trong khu vực di tích thuộc 4 phường Thành Nội là Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc và Thuận Lộc cùng 3 phường bên ngoài là Phú Hòa, Phú Bình và Phú Nhuận. Do phải ở trong khu vực 1 của di tích Kinh thành tại: tường thành, eo bầu, hộ thành hào, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Khâm Thiên Giám… nên nhà dân không được phép nâng cấp, xây dựng nhà ở; nhiều hộ dân sống trong những căn nhà tạm bợ, không đảm bảo an toàn kết cấu, vệ sinh môi trường. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự an toàn trong mùa mưa bão, mỹ quan đô thị... mặt khác đã làm ảnh hưởng trực tiếp tiến độ kế hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích và tác động xấu đến độ bền công trình.

Trước thực trạng này, tỉnh đã xây dựng đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế”. Cuối tháng 10 qua, đề án này đã được Thủ tướng và các bộ, ban ngành thống nhất cao, đồng ý cho triển khai. Khi triển khai đồng bộ, đời sống người dân sẽ được nâng cao và các giá trị di tích cố đô Huế sẽ được đảm bảo. Đề án cũng sẽ tăng cường quỹ kiến trúc đô thị Huế, tiếp tục kiến tạo các yếu tố không gian cảnh quan và diện mạo uy nghi của một cố đô mẫu mực, cuộc sống của gần 15.000 dân sẽ ổn định; tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước; nguồn thu từ bán vé và dịch vụ du lịch sẽ được tích lũy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đề án này sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống người dân, có tổng kinh phí là bao nhiêu và dự kiến sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

Đề án sẽ thực hiện từ năm 2019 cho đến 2025 với số lượng di dời khoảng 4.200 hộ dân. Tổng kinh phí ước tính 2.735 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 (2019 - 2021) sẽ di dời 2.938 hộ, kinh phí di dời giải phóng mặt bằng khoảng 1.880 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (2022 - 2025) di dời 1.263 hộ, tổng kinh phí khoảng 855 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư xây dựng khu tái định cư giai đoạn 1 khoảng 946 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 416 tỷ đồng, nguồn này sẽ được trích từ ngân sách địa phương, từ nguồn thu bán vé tham quan di tích, dịch vụ du lịch và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Rõ ràng, trong giai đoạn đầu sẽ có nhiều khó khăn trong bố trí kinh phí quỹ đất tái định cư, đặc biệt là chuyển đổi việc làm, sinh kế của hàng ngàn người. Tuy nhiên, sau khi triển khai sẽ giúp các hộ dân có cuộc sống ổn định, đảm bảo an cư lạc nghiệp, bởi hầu hết các hộ dân đều thuộc diện khó khăn, hàng chục năm họ sống trong tình trạng lo âu, luôn mong muốn được hỗ trợ di dời đến chỗ ở tốt.

Được biết, về kinh phí thực hiện đề án, tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra phương án vừa dùng ngân sách nhà nước, vừa thực hiện xã hội hóa. Thưa ông, bài toán xã hội hóa được dự định thực hiện như thế nào? Có dư luận cho rằng, việc xã hội hóa nguồn kinh phí, có nguy cơ dẫn đến việc địa phương phải nhượng bộ các quyền lợi kinh tế cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình khai thác và gìn giữ các giá trị di sản?

Di sản văn hóa là viên ngọc quý mà đất nước ta đang đóng góp vào kho báu của nhân loại, việc giữ gìn giá trị này đang cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Các địa phương dù giàu có đến mấy cũng khó có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu này, vì cách đây hơn 200 năm nguồn lực này phải huy động cả quốc gia để xây dựng nên, việc trùng tu bây giờ cũng phải huy động từ nhiều nguồn lực quốc gia. Việc đầu tư kinh phí lớn sẽ tạo ra nhiều cơ hội, nhiều công trình được bảo tồn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, người dân sớm ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, sự tham gia của xã hội sẽ tạo môi trường kinh doanh năng động, nhiều sản phẩm mới được khai thác.

Lô cốt từ thời chiến ngay sát cửa An Hòa (phía Bắc). Ảnh tư liệu của tạp chí Kiến trúc

Ở Thừa Thiên - Huế từ trước đến nay, việc giải tỏa di tích đều được tiến hành cẩn trọng, được sự đồng thuận của người dân, nên theo tôi, tỉnh sẽ không có tình trạng nhượng bộ quyền lợi kinh tế cho các nhà đầu tư mà ảnh hưởng đến quyền lợi cộng đồng, mọi việc phải tuân theo pháp luật.

Việc tuyên truyền, huy động, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và khai thác di tích cố đô. Các di tích được tu bổ, tôn tạo, khai thác bằng nguồn xã hội hóa luôn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; bảo vệ, giữ gìn tối đa được yếu tố gốc; nâng cao tính bền vững, sự tồn tại lâu dài của di tích.

Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ nguồn lực từ trung ương cũng như cần có những chính sách, cơ chế đặc thù sẽ thúc đẩy đề án triển khai có kết quả nhanh hơn. Theo tôi, chúng ta đã có những vùng kinh tế trọng điểm thì về văn hóa cũng cần có những vùng trọng điểm để ưu tiên trùng tu.

Ông có thể cho biết, sau khi thực hiện xong đề án này, diện mạo Kinh thành Huế sẽ ra sao? Và địa phương có phương án khai thác hiệu quả về mặt kinh tế như thế nào?

Đề án sau khi thực hiện xong sẽ tạo ra sự hoàn chỉnh cả về kiến trúc truyền thống và cả đô thị văn minh. Đối với các công trình di tích thuộc khu vực Kinh thành Huế, sau khi di dời dân cư thì triển khai công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo hoặc phục hồi theo các yếu tố gốc trên cơ sở khai thác các tư liệu lịch sử và kết quả khảo cổ học.

Những năm tới sẽ tổ chức dịch vụ khai thác tuyến du lịch Thượng thành và tham quan đời sống người dân Thành Nội: trước mắt tổ chức trưng bày toàn bộ tuyến Thượng thành như một hệ thống phòng thủ kiên cố thời quân chủ, các chứng tích chiến tranh. Điểm nhấn là Quan Tượng đài (Nam Đài) ở góc Tây Nam Thượng thành, nơi có thể trưng bày, giới thiệu về cơ quan đặc biệt này (là trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, xem ngày tốt xấu... của Khâm Thiên Giám trước đây).

Tổ chức các tour du lịch theo tuyến phòng lộ và tuyến đường thủy. Trong Đề án cũng sẽ trả lại diện mạo cho Quốc Tử Giám - trường đại học tại Kinh đô Huế để làm nơi trưng bày và tái hiện không gian học tập dưới triều Nguyễn.

Xây nhà ở thượng thành có cả cầu thang đi lên - đường Ông Ích Khiêm, khu vực Đông Nam giữa cửa Thượng Tứ và cửa Đông Ba. Ảnh tư liệu của tạp chí Kiến trúc

Việc bảo tồn tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích đàn Xã Tắc nhằm phục dựng lễ tế Xã Tắc hàng năm, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường và phục hồi nghi lễ quốc gia cho cộng đồng cùng tham gia, thêm một điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong khu vực Kinh thành. Ngoài ra, di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải và các công trình kiến trúc được bố trí bên trong là một trong những địa điểm danh thắng tiêu biểu của Huế và nơi hình thành Thư viện Hoàng Cung, các khu vực sẽ được tiếp tục hình thành như: Ngự Y, các khu vườn ngự cũng sẽ dần phục hồi. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ sẽ tạo nền tảng để phát huy một số hoạt động nghi lễ hoàng gia triều Nguyễn...

Một số mặt nước, các khoảng không gian cây xanh mà tỉnh đã kiên quyết giữ gìn hàng chục năm qua sẽ được ưu tiên, chỉnh trang cải tạo, đây là những chuẩn mực quan trọng trong đời sống đô thị Huế. Việc giữ gìn các giá trị này sẽ là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng và là điểm tham quan hấp dẫn; nhiều không gian văn hóa làng nghề, ẩm thực sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm trong quá trình phát triển du lịch và trong các kỳ tổ chức Festival.

Để Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh Thành Huế” thành công, phải có sự đồng thuận của toàn xã hội, quyết tâm của cả hệ thống cấp ủy, chính quyền, đồng thời rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ nguồn lực từ Chính phủ...

Duy Thông thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/di-doi-15-000-nguoi-khoi-kinh-thanh-hue-phuc-hoi-dien-mao-uy-nghi-cua-co-do-16361.html