Đi đầu trong đấu tranh giành chính quyền, tiên phong trong xây dựng Thủ đô và đất nước

Ra đời trong bối cảnh cách mạng đang sục sôi, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong suốt những năm tháng đấu tranh giải phóng đất nước, tổ chức Công đoàn, lực lượng công nhân lao động Việt Nam, trong đó có tổ chức Công đoàn, công nhân lao động Thủ đô luôn phát huy vai trò tiền phong, xung kích, đóng góp quan trọng trong mọi thời kỳ cách mạng của đất nước, đóng góp to lớn cho thành công vang dội của Cách mạng tháng Tám 1945. Từ khi đất nước hòa bình, công nhân viên chức lao động Thủ đô và cả nước lại đi đầu trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất, công tác, góp phần xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển.

Xung kích, tiền phong đấu tranh

Theo tư liệu cuốn “Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn Hà Nội”, tháng 4/1945, Thành ủy Hà Nội triệu tập Hội nghị quân sự đầu tiên ở chùa làng Tân, Nghĩa Đô, ra quyết định đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Sau hội nghị đó, Hà Nội thực sự bắt tay vào chuẩn bị điều kiện cho cuộc vùng dậy giành chính quyền.

Lúc này, lực lượng vũ trang trong công nhân, lao động đã phát triển dưới ba hình thức: Đội tuyên truyền xung phong hoạt động bán tập trung; các đội tự vệ trong các cơ sở sản xuất và các đội tự vệ trong các khu xóm lao động. Các đội tự vệ cùng đội tuyên truyền xung phong đều có những hình thức hoạt động thích hợp để đóng góp vào quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Hàng ngàn công nhân lao động đã trở thành Công nhân giỏi, gương sáng kiến sáng tạo… được Ủy ban nhân dân thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động Thành phố biểu dương, khen thưởng.

Hàng ngàn công nhân lao động đã trở thành Công nhân giỏi, gương sáng kiến sáng tạo… được Ủy ban nhân dân thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động Thành phố biểu dương, khen thưởng.

Chẳng hạn, tại Trường Kỹ nghệ thực hành, học sinh công nhân đã sử dụng máy móc của địch bí mật rèn vũ khí, công nhân xưởng sửa chữa súng đạn của Nhật ở Ngọc Hà tìm mọi cách lấy súng đạn của địch chuyển ra ngoài trang bị cho các đội tự vệ thành phố. Một số đội tự vệ viện những lý do xác đáng ra ngoại ô luyện tập quân sự. Đội tự vệ công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ cắm cờ đỏ sao vàng lên bè chuối thả trên sông Hồng.

Đội tự vệ công nhân Xe điện gồm 6 người rải truyền đơn, dán áp phích tuyên truyền trên các chuyến tàu điện. Đội tự vệ công nhân Lò Đúc cắm cờ trên đỉnh Tháp Rùa. Đội tự vệ khu Lương Yên- Lò Đúc vận động quần chúng phá kho thóc Nhật ở phố Lò Lợn, hưởng ứng phong trào phá kho thóc Nhật cứu đói đang dấy lên mạnh mẽ trong cả nước…

Phối hợp nhịp nhàng với hoạt động của các đội tự vệ công nhân, Đội tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu “xuất quỷ nhập thần” tiến hành các cuộc đột kích tuyên truyền vào các rạp hát, rạp chiếu bóng mưu trí, táo bạo làm cho quần chúng thán phục, kẻ địch hoang mang khiếp sợ. Hòa với những hoạt động sôi nổi trên các đường phố Hà Nội, công nhân trong các Nhà máy Điện Yên Phụ, Đèn Bờ Hồ, Nhà máy Nước, ga Hàng Cỏ, ga Gia Lâm, Đông Anh, xưởng sửa chữa súng đạn của Nhật ở Ngọc Hà… tổ chức nhiều cuộc đấu tranh làm tê liệt một số bộ phận quan trọng trong các hoạt động của địch.

Tháng 8/1945, Hà Nội sôi sục khí thế cách mạng. Nằm ở trung tâm của dòng chảy cách mạng, lực lượng công nhân lao động Thủ đô tiếp tục phát huy vai trò tiền phong, xung kích trong mọi hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa. Điển hình, ngày 17/8/1945, các đội tuyên truyền xung phong, các đội tự vệ công nhân, các hội cứu quốc dưới sự lãnh đạo của Thành ủy dùng sức mạnh áp đảo, biến cuộc mít tinh của Tổng Hội viên chức thân Nhật tại quảng trường Nhà hát lớn thành diễn đàn tuyên truyền khởi nghĩa.

Cuộc mít tinh vừa khai mạc, lực lượng tự vệ đã chiếm lấy diễn đàn. Lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn được buông xuống chiếm gần hết mặt chính Nhà hát lớn. Trong không khí rạo rực đó, các đội viên tuyên truyền xung phong bước lên thông báo tin Nhật đầu hàng, kêu gọi đồng báo xiết chặt hàng ngũ quanh lá cờ Việt Minh, đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 18/8/1945, một số chiến sỹ tự vệ công nhân hãng Avia dùng chiếc xe của Nhật chở vũ khí từ Gia Lâm về, khi qua cầu Long Biên bị lính Nhật bắt giữ tịch thu vũ khí.

Được tin, Thành ủy chỉ đạo công nhân và nhân dân lao động kéo đến đấu tranh. Quân Nhật chĩa súng máy vào đoàn biểu tình hăm dọa. Những người đấu tranh vẫn xiết chặt đội ngũ, không lùi bước. Đến 11 giờ đêm, quân Nhật buộc phải trả tự do cho anh em công nhân cùng với vũ khí. Hà Nội bước vào đêm trước ngày khởi nghĩa.

Tờ mờ sáng ngày 19/8/1945, hơn 2000 hội viên công nhân cứu quốc cùng hàng ngàn người lao động trên các ngả đường cuồn cuộn đổ về quảng trường Nhà hát lớn. Đúng 11h, cuộc mít tinh khổng lồ khai mạc trong điệu nhạc “Tiến quân ca” và loạt súng chào. Quần chúng trang nghiêm nghe lời hiệu triệu xuống đường của đại diện Việt Minh sau đó tập hợp thành đội ngũ, đi đầu là những đội tự vệ công nhân với khí giới trong tay chia thành nhiều ngả chiếm những nơi trọng yếu ở Hà Nội.

Tại Phủ Khâm sai, các chiến sỹ tự vệ vượt hàng rào tiến vào. Một công nhân Nhà máy Điện yên Phụ giương cờ đỏ sao vàng, băng lên trước, treo trên cột cờ Phủ Khâm sai giữa tiếng hoan hô vang dội của quần chúng. Các vị trí then chốt của Hà Nội lần lượt về tay cách mạng: Trại Bảo an binh, Tòa Thị chính, Kho bạc, Nhà tù Hỏa Lò… Chỉ trong ngày 19/8, Cách mạng đã thành công ở Hà Nội.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, hơn 50 vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh chứng kiến ngày ra mắt của Chính phủ Lâm thời và Lễ tuyên thệ độc lập. Một kỷ nguyên mới bắt đầu: Kỷ nguyên độc lập - tự do. Công nhân Hà Nội cùng những người anh em của mình trên cả nước đã chiến đấu anh dũng và xứng đáng hưởng nguyên vẹn nền độc lập cho đất nước và tự do cho mỗi con người.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đội ngũ công nhân, nông dân, lao động Hà Nội tự hào đại diện cho đồng bào cả nước, xây dựng bảo vệ cơ quan đầu não của chính quyền Cách mạng trên mảnh đất trung tâm đất nước. Bước ngoặt lịch sử vĩ đại ấy đã khai mở tiềm năng sáng tạo và nâng cao vị trí của đội ngũ công nhân, lao động Hà Nội- lớp người vừa vươn dậy từ kiếp sống nô lệ thành người làm chủ.

Cách mạng thành công, thuận lợi là cơ bản, triển vọng tốt đẹp nhưng nền độc lập non trẻ của nước ta vẫn còn chất chồng những khó khăn, thử thách. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với nhiều thế lực giặc ngoại xâm cùng nhiều thế lực thù địch khác. Trong bối cảnh này, Công đoàn đã tích cực tổ chức, vận động công nhân lao động tham gia bảo vệ chính quyền, xây dựng cơ sở sản xuất, kịp thời chế tạo, sửa chữa vũ khí cung cấp cho các lực lượng vũ trang.

Thiếu nguyên vật liệu, cán bộ Công nhân cứu quốc Hà Nội đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, đóng góp tiền của cho Cách mạng và cứu trợ người nghèo đói. Để diệt “giặt dốt”, Hội Công nhân cứu quốc Hà Nội cũng tham gia với các cấp chính quyền tổ chức tốt công tác bình dân học vụ, vận động công nhân hăng hái hưởng ứng phong trào diệt dốt. Phong trào học chữ quốc ngữ phát triển sâu rộng khắp thành phố.

Cả Hà Nội trở thành trường học lớn. Khắp các nhà máy, xí nghiệp, xóm chợ… công nhân, lao động ngoài giờ làm việc đã tự giác đi học chữ quốc ngữ. Những hoạt động tích cực của Hội Công nhân cứu quốc và đội ngũ công nhân Hà Nội đã góp phần quan trọng giải quyết những khó khăn chồng chất về kinh tế, văn hóa trong điều kiện nền độc lập còn non trẻ của nước ta.

Đi đầu trong xây dựng Thủ đô, đất nước

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, trong thời kỳ mới,tổ chức Công đoàn, lực lượng công nhân viên chức lao động Thủ đô hôm nay tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước. Điều này được thấy rõ là trong những năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô Hà Nội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, vì người lao động.

Công đoàn đã đa dạng hóa mô hình tập hợp công nhân viên chức lao động, phát triển đoàn viên, đồng thời hướng mạnh vào đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động, vừa tích cực tham gia xây dựng chính sách có lợi cho công nhân vừa chủ động chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho họ.

Công nhân lao động Thủ đô hăng hái rèn đức, luyện tài

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, các cấp công đoàn Hà Nội đã chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với công nhân viên chức lao động, động viên người lao động phấn đấu khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất. Dưới sự vận động, tập hợp của tổ chức công đoàn, lực lượng công nhân lao động Thủ đô không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, hiện đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước. Công nhân Thủ đô lao động cần cù, sáng tạo, sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội và xuất khẩu với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức song nền kinh tế của Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng khá, GDP năm sau luôn cao hơn năm trước, an sinh, xã hội được cải thiện, diện mạo của Thủ đô ngày càng đổi mới, xứng đáng là địa phương đầu tàu của cả nước. Thành quả đó có sự đóng góp chủ lực của đội ngũ công nhân viên chức lao động, nhất là lực lượng công nhân lao động những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn; sự tuyên truyền, vận động, phát động của tổ chức Công đoàn, công nhân viên chức lao động ở khắp các đơn vị cơ sở, nhất là công nhân lao động trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp, các phân xưởng sản xuất trên địa bàn Thủ đô đã hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước do tổ chức công đoàn phát động, nhất là thi đua lao động giỏi, thi đua phấn đấu trở thành công nhân giỏi, thi đua phát huy sáng kiến, sáng tạo, thực hành tiết kiệm, tạo khí thế lao động sản xuất sôi nổi, cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn để duy trì sự tăng trưởng, phát triển.

Thiết thực kỷ niệm 75 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, từ nhiều tháng qua, các cấp Công đoàn và công nhân viên chức lao động Thủ đô cũng đã hăng hái thi đua lập thành tích và tham gia vào nhiều hoạt động thiết thực. Các hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động như: hỗ trợ nhà mái ấm công đoàn, trợ cấp khó khăn, khám, tư vấn sức khỏe cho công nhân viên viên chức lao động, cho vay vốn để công nhân viên chức lao động phát triển kinh tế gia đình v.v… đã tạo niềm tin, động lực, sự khích lệ công nhân viên chức lao động nỗ lực vươn lên, hăng hái thi đua, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Thủ đô, đất nước.

Tính riêng trong giai đoạn 2015- 2020, công nhân viên chức lao động Thủ đô đã có 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 11.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở, 320 cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tặng bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo thủ đô”. Trong đó có 290 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của công nhân lao động được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Qua rèn đức, luyện tài, hàng trăm ngàn công nhân lao động trực tiếp đã trở thành công nhân giỏi các cấp. 05 năm qua, toàn Thành phố có trên 243.500 công nhân được công nhận danh hiệu Công nhân giỏi cấp cơ sở; 8.755 công nhân được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở”; 535 công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Đây có thể nói chính là “nguồn của cải” vô giá đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, của thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Bên cạnh các phong trào thi đua, trong những năm qua, các cấp công đoàn Thủ đô đã triển khai đồng bộ chùm hoạt động cao điểm trong Tháng Công nhân, chăm lo mọi mặt về sức khỏe, thể chất cũng như đời sống văn hóa tinh thần, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo chu đáo tết Nguyên đán cho người lao động. Nhiều phong trào ở các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai thực hiện đã ghi được dấu ấn quan trọng, quan tâm, chăm lo đến đông đảo công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động.

Điển hình như chương trình “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”; phong trào “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”, hoạt động khám - tư vấn sức khỏe cấp thuốc miễn phí cho công nhân lao động; tôn vinh “Công nhân giỏi”; trao tặng Mái ấm Công đoàn, trợ cấp, trợ giúp cho công nhân lao động; tổ chức Tết sum vầy và tổ chức các chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết v.v...

Riêng trong năm 2020, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi 50 tỷ đồng chăm lo Tết Canh Tý cho công nhân viên chức lao động; hỗ trợ trên 95.000 vé xe ô tô đưa công nhân lao động về quê đón Tết; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 69 Mái ấm công đoàn cho đoàn viên khó khăn. Đặc biệt, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid- 19 đến đời sống, việc làm của người lao động, Các cấp Công đoàn Thành phố đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho 61.971 trường hợp công nhân viên chức lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19; trong đó riêng LĐLĐ Thành phố Hà Nội trích từ nguồn ngân sách Công đoàn Thành phố và “Quỹ Xã hội Công đoàn” hỗ trợ 3.226 trường hợp với tổng số tiền 3.389,6 tr.đồng

Có thể nói, các hoạt động thiết thực vì người lao động của tổ chức công đoàn đã có sức lan tỏa, tác động tích cực đến đội ngũ chủ doanh nghiệp và toàn xã hội, thúc đẩy các doanh nghiệp và toàn xã hội cùng quan tâm, chăm lo cho công nhân lao động, giúp tổ chức Công đoàn thực hiện ngày càng tốt hơn không ngừng thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân viên chức lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Năm 2020 này, thiết thực kỷ niệm 75 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, từ nhiều tháng qua, các cấp Công đoàn và công nhân viên chức lao động Thủ đô cũng đã hăng hái thi đua lập thành tích và tham gia vào nhiều hoạt động thiết thực. Các hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động như: hỗ trợ nhà mái ấm công đoàn, trợ cấp khó khăn, khám, tư vấn sức khỏe cho công nhân viên viên chức lao động, cho vay vốn để công nhân viên chức lao động phát triển kinh tế gia đình v.v… đã tạo niềm tin, động lực, sự khích lệ công nhân viên chức lao độngnỗ lực vươn lên, hăng hái thi đua, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Thủ đô, đất nước. /.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/di-dau-trong-dau-tranh-gianh-chinh-quyen-tien-phong-trong-xay-dung-thu-do-va-dat-nuoc-112410.html