Đi đầu chuyển đổi số, Viettel hiện thực hóa Nghị Quyết 05

Nếu như 5, 10 năm trước, nhắc đến Viettel, người ta nghĩ ngay đến nhà mạng với chiến lược tập trung phát triển thuê bao di động, phủ sóng và đưa điện thoại di động phổ cập đến địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa rộng lớn, nghĩ đến doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, mang thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu. Còn bây giờ, Viettel là thương hiệu gắn liền với những nỗ lực đi đầu trong chiến lược chuyển đối số, kiến tạo xã hội số, cũng như đặt những nền móng cho nền công nghiệp công nghệ cao của đất nước.

Viettel đã sớm nhìn ra cơ hội từ chuyển đổi số để đưa tập đoàn từ một nhà cung cấp viễn thông trở thành một tập đoàn công nghệ, công nghiệp hàng đầu của đất nước. Nhìn lại chặng đường vừa qua của tập đoàn, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Q. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn nhìn nhận: “Nhiệm kỳ qua đã đặt ra cho Viettel áp lực phải thay đổi, không còn cách nào khác. Rất may là chúng ta đã không chần chừ mà bắt tay ngay vào công cuộc chuyển đổi số từ rất sớm”.

Quyết liệt chuyển đổi số

Những ngày này 5 năm về trước, những người lãnh đạo, đảng viên của Viettel cùng nhau chia sẻ những thách thức mà tập đoàn phải đối mặt. Sau giai đoạn phát triển các dịch vụ viễn thông một cách thuận lợi, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ, Viettel phải tìm ra được những con đường mới, để chuyển dịch và tái tạo mình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi thị trường viễn thông trong nước đã bão hòa.

“Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Sức hấp dẫn về tăng trưởng biến không gian số trở thành vấn đề toàn cầu. Là một tập đoàn kinh tế mũi nhọn của Đảng, Nhà nước, Viettel không thể đứng ngoài cuộc”, Thiếu tướng Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn chia sẻ.

Nghị quyết số 05/NQ-TW, hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế ban hành vào thời điểm đó thực sự trở thành điểm tựa cho chiến lược phát triển của Viettel.

Nghị quyết đã nhấn mạnh quan điểm, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam và thành tựu KHCN của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.

“Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Nghị quyết xác định rõ.

Từ những mục tiêu này của Nghị quyết, đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã vận dụng vào thực tế của doanh nghiệp mình. Từ đó, Tập đoàn đã mở rộng tổ chức, quy mô với nhiều nhiệm vụ mới cả lĩnh vực viễn thông và phát triển công nghiệp quốc phòng, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc tổ chức đáp ứng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.

Với định hướng này, cùng với quyết sách đúng đắn đầu tư vào mạng 4G phủ sóng rộng khắp toàn quốc vào năm 2017, đi đầu trong nghiên cứu và chuẩn bị triển khai mạng 5G, hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ số được Viettel liên tục cung cấp ra thị trường. Qua đó, tập đoàn xây dựng được một hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu từ giải trí, hoạt động kinh doanh, buôn bán, tiếp cận thông tin của người dân…

Kết quả nổi bật nhất trong hành trình chuyển đổi số của Viettel phải kể đến hàng loạt sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực như chính phủ điện tử, đô thị thông minh, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, thanh toán điện tử... Viettel được tham gia và giữ vai trò quan trọng trong hàng loạt các dự án lớn về Chính phủ điện tử, đô thị thông minh… Có thể kể tên như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hệ thống Hải quan một cửa quốc gia; Hệ thống giám định và thanh toán Bảo hiểm y tế; Hệ thống Quản lý hộ tịch, quốc tịch; Hệ thống tiêm chủng quốc gia; Hệ thống quản lý chuỗi cung ứng dược quốc gia; Hệ thống thông tin giáo dục, thi THPT quốc gia…

Những sản phẩm của Viettel không chỉ khẳng định được hiệu quả trong nước mà còn xác lập uy tín thương hiệu trên thị trường toàn cầu qua những giải thưởng quốc tế lớn và uy tín dành cho các ứng dụng về đô thị thông minh, tài chính ngân hàng, viễn thông, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Trong nền kinh tế số, chuyển đổi số, hạ tầng viễn thông được xem là quan trọng bậc nhất. Hiện, Viettel cơ bản đã làm chủ được quá trình nghiên cứu, sản xuất các thiết bị hạ tầng viễn thông, qua đó giúp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho mạng lưới của Viettel và của quốc gia.

Có thể nói, giai đoạn 2015-2020 đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc cũng như thành công lớn của Viettel trên mọi lĩnh vực, vươn lên trở thành một hình mẫu về sự phát triển bền vững. Đó sẽ là bước đi vững chắc để Viettel thực hiện sứ mệnh tiên phong – dẫn dắt – kiến tạo xã hội số ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng khen ngợi Viettel: “Không có một doanh nghiệp nào vừa làm tốt nhiệm vụ kinh tế, vừa làm tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng như Viettel. Tập đoàn đã làm chủ công nghệ đối với các thiết bị, khí tài quân sự, sản xuất nhiều vũ khí hiện đại đưa vào trang bị trong quân đội, được đánh giá là chất lượng tương đương với nước ngoài, thậm chí là có tính năng, kỹ thuật vượt trội, phù hợp khả năng tác chiến của quân đội Việt Nam. Những trang thiết bị đó đã từng bước được đưa vào sử dụng, giúp tiết kiệm hàng trăm triệu USD ngoại tệ cho đất nước. Quan trọng hơn, điều này giúp đảm bảo an ninh quốc phòng, không bị lệ thuộc công nghệ nước ngoài, chủ động trong các tình huống. Trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Viettel chủ động đón đầu xu hướng, thúc đẩy Chính phủ điện tử và các loại hình kinh tế phát triển, nhất là kinh tế số.

5 bài học kinh nghiệm của Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2015 – 2020

1. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với các hoạt động của Tập đoàn; sự quản lý, điều hành tập trung của Ban Tổng Giám đốc, phát huy vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng.

2. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp trên tinh thần người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu, quyết liệt, triệt để trong chỉ đạo, điều hành.

3. Luôn đổi mới, sáng tạo, tư duy đột phá và tạo ra sự khác biệt về cách nghĩ, cách làm. Trong từng giai đoạn, từng nhiệm vụ kịp thời dự báo và nắm bắt xu thế phát triển.

4. Chủ động nghiên cứu, nắm chắc, đánh giá thị trường, xu hướng khách hàng để xây dựng tầm nhìn chiến lược, triển khai đạt kết quả tốt. Các quyết định phải dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn.

5. Tập trung ứng dụng công nghệ mới, xây dựng các mô hình kinh doanh trên nền tảng lấy việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng làm trung tâm. Chủ động liên kết sức mạnh các công ty thành viên của Tập đoàn trong chuỗi toàn trình nghiên cứu, sản xuất, cung cấp dịch vụ.

Phát triển mạnh hơn vị thế Tập đoàn toàn cầu

Bước vào giai đoạn mới, nhiệm kỳ mới cũng là giai đoạn phát triển thứ tư của Tập đoàn,Viettel tiếp tục đặt khát vọng của mình trong chinh phục không gian số và làm chủ công nghệ cao. Nhiệm kỳ 2020-2025 là khởi đầu cho chặng đường Viettel thực hiện chiển lược chuyển đổi số, tiên phong kiến tạo xã hội số và là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Thiếu tướng Hoàng Sơn đánh giá: “Với Tập đoàn, đây là giai đoạn bùng nổ thực hiện chuyển đổi số, kèm theo đó là những thách thức trong việc phải thường xuyên điều chỉnh, tái cơ cấu mô hình tổ chức, chuyển đổi phương thức kinh doanh phù hợp xu thế cạnh tranh và phát triển công nghệ cả trong nước và các thị trường nước ngoài„.

“Vấn đề của Viettel bây giờ là làm sao tạo được một mô hình vừa là công ty viễn thông truyền thống, vừa là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ số. Năm 2019, quá trình chuyển đổi số cùng với đổi mới chiến lược kinh doanh, tăng cường trải nghiệm khách hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn. Nguồn giúp Viettel tăng trưởng nhanh hơn trong tương lai sẽ đến từ các dịch vụ số„, ông Sơn chia sẻ tầm nhìn đã được Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ này vạch ra.

Để làm được điều này, Đảng bộ Tập đoàn Viettel, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định sẽ quản lý, xây dựng mô hình tổ chức và nguồn nhân lực của một công ty toàn cầu, quy hoạch lại nguồn nhân lực và cơ cấu lao động ở tất cả các ngành nghề, sàng lọc để có nguồn nhân lực chất lượng cao ngang tầm thế giới. Không chỉ luôn dẫn đầu về ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới, đưa Viettel trở thành công ty sáng tạo, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, lãnh đạo Viettel còn khẳng định sẽ xây dựng chiến lược nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tạo nên sự xuất sắc khác biệt để cạnh tranh với các hãng viễn thông lớn và các nhà sản xuất công nghệ cao trên thế giới.

Là doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam, thương hiệu viễn thông số 1 Đông-Nam Á và nằm trong số 400 doanh nghiệp có giá trị nhất toàn cầu nhưng đội ngũ Viettel chưa bao giờ tự hài lòng với những thành tựu của mình. Chặng đường 5 năm tới chính là giai đoạn để Viettel vượt qua thử thách của chính mình, khẳng định vị trí trong công cuộc chuyển đổi số của quốc gia và bước những bước đi mạnh mẽ hơn ra thị trường thế giới.

Đảng ta đang đặt mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, không chỉ hoạch định đường lối phát triển của đất nước 5, 10 năm tới mà còn chính là hoạch định đường lối, một tầm nhìn dài rộng hơn đến giữa thế kỷ này.

“Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Tập đoàn vững mạnh toàn diện, giữ vững là tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, thực hiện thắng lợi chiến lược chuyển đổi số, hoàn thành sứ mệnh kiến tạo xã hội số và nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam” – chủ đề Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội lần thứ X tiếp tục khẳng định sứ mệnh tiên phong của Viettel đóng góp vào phát triển kinh tế, đưa nước ta trở thành một nước phát triển.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/45049502-di-dau-chuyen-doi-so-viettel-hien-thuc-hoa-nghi-quyet-05.html