Di cư tự do: Hết di cư lại đến xâm canh

Gia Lai cơ bản đã giải quyết được vấn đề di cư tự do (DCTD) nhưng lại đang loay hoay với thực trạng dân địa phương xâm canh đất rừng.

Trẻ em ở làng Tung Gút cũ

Trẻ em ở làng Tung Gút cũ

14 năm, hơn 24.000 người di cư tự do

Ông Y Nguyên Ênuôl, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Gia Lai (Sở NN&PTNT Gia Lai), cho biết, từ năm 2005 đến 2019, có hơn 6.400 hộ với hơn 24.000 nhân khẩu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc bộ di cư tự do (DCTD) đến tỉnh Gia Lai. Những người DCTD mặc dù đã có sự giao thoa văn hóa với đồng bào tại chỗ, nhưng vẫn giữ được những phong tục tập quán riêng của mình.

Theo ông Y Nguyên Ênuôl, những hộ DCTD nếu có đủ điều kiện quy định đều được địa phương nhập hộ khẩu và được hưởng tất cả chế độ, chính sách hiện hành; với những hộ chưa đủ điều kiện nhập khẩu, địa phương hướng dẫn đăng ký tạm trú và quản lý hành chính. Riêng những hộ DCTD còn có cuộc sống khó khăn đã được địa phương bố trí vào các dự án để được cấp đất ở, đất sản xuất. “Các hộ dân DCTD nếu còn khó khăn sẽ được địa phương quan tâm rà soát đưa vào diện hộ nghèo, cận nghèo và được hưởng các chế độ, chính sách hiện hành tại địa phương”, ông Y Nguyên Ênuôl nói.

Ông cũng cho biết, Gia Lai hiện còn 92 hộ DCTD. Trong số này, nhiều nhất ở huyện Kông Chro (58 hộ), Phú Thiện (29 hộ), Mang Yang (3 hộ), Chư Prông (2 hộ). Đa số các hộ DCTD này đã được làm hộ khẩu, một số chưa đủ điều kiện nên tạm treo; chính quyền địa phương đã lập danh sách tạm trú, khi đủ điều kiện sẽ làm hộ khẩu. Sở NN&PTNT Gia Lai đã lập xong kế hoạch, đợi phê duyệt của Bộ NN&PTNT bố trí nguồn kinh phí thực hiện dự án ổn định chỗ ở cho 92 hộ DCTD trên địa bàn; dự kiến đến đầu năm 2021 hoàn thành.

Những ngày giữa tháng 8, phóng viên Tiền Phong về nơi có 29 hộ DCTD vào xã Chư A Thai (Phú Thiện) làm ăn, sinh sống. Một trong số đó là anh Ngân Văn Hòe (1989, dân tộc Thái, huyện Bá Thước, Thanh Hóa). Ngoài 30 tuổi nhưng anh Hòe chưa dám lấy vợ vì gia đình nghèo. Anh Hòe tâm sự: “Cuộc sống ở huyện Bá Thước quá khó khăn. Có vài trăm mét vuông ruộng lúa bậc thang nhưng làm gì cũng phải gùi gánh.

Năm 2007, trong lần vào thăm người chú ruột ở xã Chư A Thai, thấy vùng này đất đai rộng, nhiều việc làm thuê, khí hậu ôn hòa nên quyết định đón cha mẹ và em trai vào làm ăn, sinh sống”. Thời gian đầu, anh Hòe mượn một góc đất của người chú ruột dựng căn nhà gỗ để gia đình sống tạm, sau vài năm làm thuê tích cóp đã mua được hơn 1 ha đất để trồng hoa màu.

Ngân Văn Hòe đến vùng đất mới với mong ước đổi đời

Những ánh mắt làng Tung Gút

Ở Gia Lai dường như hầu như huyện nào cũng xảy ra tình trạng xâm canh đất rừng. Xã Krong cách trụ sở UBND huyện Kbang (Gia Lai) khoảng 40km, dọc đường đi, rừng núi bao phủ. Càng vào gần đến xã Krong, càng ít xe cộ qua lại, trụ sở, trường học của xã cũng nằm ở một góc núi.

Đi thêm một đoạn nữa, chúng tôi đến một ngôi làng nghe rất lạ: Tung Gút “mới”. Nơi đây có 149 ngôi nhà nằm trong Dự án xây dựng khu tái định canh (thực hiện theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh-định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2007-2010) với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đa số, những ngôi nhà làng Tung Gút “mới” cửa đóng then cài. Năm 2010, người dân làng Tung Gút khi nghe sắp được làm 149 ngôi nhà mới bằng xi măng, được cấp đất, có “điện đường trường trạm” đầy đủ, ai cũng mừng. Thế nhưng khi về làng Tung Gút “mới” một thời gian ngắn, nhà xi măng nóng bức, cây trồng lay lắt trên đất được cấp, người dân lại kéo nhau vào làng Tung Gút “cũ” gần núi rừng để sinh sống.

Một người dân kể: “Làng mới nhưng có ai ở đâu. Nhà chính quyền làm cho người dân không thích, nó như cái kho thóc. Mùa mưa mái tôn kêu to, mùa nắng lại nóng bức. Giờ hầu như không ai ở nhà xi măng cả, quay về làng Tung Gút cũ hết rồi”. PV Tiền Phong tiếp tục đi hơn 10 km đường đất, qua nhiều đồi núi đến làng Tung Gút “cũ”. 17h chiều, tiếng giã gạo, gà lợn kêu khắp nơi, cuộc sống trong rừng nhưng rất nhộn nhịp, đầy sinh khí của làng bản. Tuy nhiên, trong nhịp sống đó là những ánh mắt to tròn của những em bé bủng ỏng, đít beo với mái tóc bù xù đang ngơ ngác nhìn người lạ. Dân làng Tung Gút “cũ” này sợ người nơi xa đến nên hễ nhà báo giơ máy ảnh lên chụp, họ lập tức quay mặt vào vách nhà. Dù cho nhà báo cố bắt chuyện, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu và cả nụ cười sợ sệt.

Tại huyện Krông Pa (Gia Lai), thời điểm này, chính quyền huyện đang tích cực vận động khoảng 150 hộ dân ở các xã Ia Hdreh, Krông Năng, Ia Rmok, Phú Cần và một số hộ dân tại tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên đến nơi cách trụ sở UBND xã Ia Hdreh khoảng 15km dựng nhà. 150 hộ dân đều có một điểm chung: thiếu đất sản xuất, lặn lội vào lõi rừng sinh sống từ khoảng năm 2007, chỉ về quê sau khi mùa vụ kết thúc hoặc dịp lễ, Tết. Trong rừng dù thiếu thốn bội phần nhưng mỗi nhà đều phải sắm cho mình một chiếc cưa máy. Nhiều vạt rừng xung quanh bị đốn hạ sau mỗi bản hòa âm tiếng cưa. Tương lai của nhiều đứa trẻ bị chôn trong tiếng cưa mưu sinh của bố mẹ.

Việc người dân sống rải rác trong rừng khiến lực lượng y tế khó tiếp cận. Từ đó dẫn tới việc tiêm vắc-xin phòng bệnh với những hộ dân này rất khó khăn. Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, về việc này. Ông Nam thừa nhân, tại một số huyện bà con ở vùng sâu vùng xa hay đi làm nương, ngủ lại trên rẫy thời gian dài, trong khi đó địa bàn vùng núi rộng và hiểm trở nên ảnh hưởng lớn đến vấn đề phòng chống dịch bệnh của ngành y tế Gia Lai. Theo ông Nam, mặc dù thôn làng nào cũng có 1-2 người làm y tế thôn bản, nhưng nhiệm vụ của lực lượng này khá nhiều, phải đi xa để vận động bà con, còn mức thu nhập chỉ khoảng 700.000 đồng/tháng.

Nhóm PV Tây Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/di-cu-tu-do-het-di-cu-lai-den-xam-canh-1714012.tpo