Di cư - bài toán còn bỏ ngỏ ở châu Âu

5 nước Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Cyprus và Malta vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần đoàn kết hơn trong xử lý vấn đề người di cư. Đồng thời các nước này cho rằng đề xuất cải tổ các quy định liên quan đến vấn đề người di cư hồi năm ngoái vẫn chưa phù hợp.

Một trại tị nạn ở Idomeni, miền Bắc Hy Lạp. Ảnh: AP

Một trại tị nạn ở Idomeni, miền Bắc Hy Lạp. Ảnh: AP

EU hãy là một!

Liên minh 5 nước Địa Trung Hải trên lập nhóm MED 5 vào năm 2020 với nỗ lực hình thành một mặt trận thống nhất để tác động đến hiệp ước di cư và tị nạn mới của EU. Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp diễn ra tại Athens ngày 20-3 của Bộ trưởng Nội vụ và Di cư của MED 5, theo công thức hiện tại, hiệp ước mới của EU không cung cấp đủ sự đảm bảo cho các quốc gia thành viên - vốn đang nằm ở tuyến đầu trong đối phó với vấn đề người di cư. Ví dụ, trong 4 năm qua, Cyprus là quốc gia có số người xin tị nạn tính theo đầu người nhiều nhất EU. Các bộ trưởng MED 5 yêu cầu 3 vấn đề: Hợp tác tốt hơn với các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á (điểm xuất phát hoặc quá cảnh của người di cư); hợp tác hơn nữa với những quốc gia trong việc tiếp nhận những người di cư mới đến; thiết lập một cơ chế hồi hương (người di cư) tập trung ở châu Âu do ủy ban điều hành của EU giám sát.

Các quốc gia Nam Âu với bờ biển dài rộng lớn đã phải chịu gánh nặng khi những người xin tị nạn đến với hy vọng vào EU. Hầu hết những người di cư đến từ châu Âu di chuyển bằng thuyền trên các tuyến đường buôn lậu hàng hải nguy hiểm, từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đến các hòn đảo gần đó của Hy Lạp hoặc băng qua Địa Trung Hải từ Bắc Phi. MED 5 kêu gọi tái phân bổ người di cư đến toàn bộ quốc gia thành viên EU. Bộ trưởng phụ trách vấn đề di cư của Hy Lạp Notis Mitarachi cho rằng 5 nước EU ở Địa Trung Hải không thể cứ phải tiếp tục gánh chịu sức ép thay cho các nước EU khác. Theo AP, đại diện Malta tuyên bố: “Chúng ta không thể bị trừng phạt vì vị trí địa lý của chúng ta nữa”.

Giải pháp visa tạm thời

Từ năm 2015, EU đã chật vật trong xử lý vấn đề người di cư khi lúc đó, hơn 1 triệu người, chủ yếu là người tị nạn Syria, Iraq hoặc Afghanistan, tràn đến các bờ biển của liên minh này, đa số thông qua cửa ngõ Hy Lạp. Nhằm giải quyết vấn đề này, Ủy ban châu Âu đã đề xuất một hiệp ước mới về di cư và tị nạn vào tháng 9-2020 nhằm tạo một cách tiếp cận toàn diện của châu Âu trong vấn đề di cư. Trong đó đưa ra các thủ tục nhanh chóng hơn về tị nạn và di cư và giữ các nguyên tắc chia sẻ có trách nhiệm, đoàn kết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Theo Margaritis Schinas, quan chức hàng đầu về di cư của EU, “đoàn kết bắt buộc” là phần nhạy cảm nhất của hiệp ước. Bắt buộc mỗi quốc gia phải tiếp nhận một số người di cư bằng cách bảo trợ cho họ trở về nước xuất xứ hoặc hỗ trợ vật chất cho các nước họ đến tị nạn.

Nguồn tin từ Euronews cho biết, Ủy ban châu Âu đang trong quá trình cân nhắc sẽ áp dụng các hạn chế về thị thực đối với các quốc gia không thuộc EU từ chối nhận lại công dân của họ. Đây là công cụ mới mà Brussels gọi là mã thị thực - theo cách đó cho phép EU đánh giá một số quốc gia thứ ba để xem mức độ hợp tác của họ, từ đó sẽ xác định việc cấp thị thực. Theo giới quan sát, đây là một cách gây áp lực lên giới tinh hoa chính trị từ các quốc gia có mức độ di cư cao.

Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) vừa phối hợp với cảnh sát Đức thực hiện chuyên án triệt phá một nhóm chuyên buôn người di cư từ Trung Đông, chủ yếu từ Ai Cập, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, sang Đức qua tuyến đường Balkan bằng xe tải. Mỗi người tị nạn phải trả 3.500-12.000 EUR cho nhóm này.

HẠNH CHI tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/di-cu-bai-toan-con-bo-ngo-o-chau-au-720173.html