Di chuyển thời 4.0 và động lực đổi mới

Grab tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người, tác động mạnh mẽ đến sự đổi mới của nhiều hãng taxi…

Ảnh minh họa

Ngày 17/10, Vinasun và Grab sẽ lại dẫn nhau ra tòa với “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” từ phía taxi truyền thống. Chuyện chưa biết ngã ngũ thế nào nhưng hãy thử nhìn lại thị trường vận tải khách với những thay đổi chóng mặt từ khi “xe công nghệ” xuất hiện.

Bất ngờ có mặt tại Việt Nam vào những năm 2012 - 2014, Uber và Grab khiến người dùng Việt ngỡ ngàng khi tiếp cận một dịch vụ kết nối di chuyển văn minh, tiện lợi, minh bạch chưa từng có.

Không còn lo đồng hồ tính sai, cãi nhau với tài xế về giá cước, lại được hưởng giá rẻ, hành khách đổ xô tải các phần mềm cài đặt (app) gọi xe qua mạng mà cụ thể là Uber, Grab. Taxi truyền thống gần như bị bỏ rơi, khách ít hẳn đi.

Năm 2015, vượt lên khỏi cuộc đua gay cấn giành thị trường với Uber, Grab chứng minh đẳng cấp và thái độ nghiêm túc muốn khai phá thị trường xe hợp đồng điện tử bằng cách tiên phong trình Chính phủ đề án thí điểm xe công nghệ.

Sau hơn bốn năm có mặt tại thị trường Việt Nam và hai năm triển khai thí điểm mô hình gọi xe qua ứng dụng này, Uber đã nhường bước và Grab có mặt tại 36 tỉnh thành. Trong đó, Grab triển khai thí điểm mô hình xe hợp đồng điện tử với thương hiệu GrabCar tại 5 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Grabcar tận dụng tối đa lượng xe nhàn rỗi, mang lại cơ hội có thêm thu nhập nhàn rỗi cho hàng chục ngàn đối tác tài xế với hiệu suất sử dụng xe GrabCar tăng hơn 70%, nâng mức thu nhập trung bình tính theo tháng của đối tác toàn thời gian cao hơn 100% so với mức trung bình của quốc gia.

Với sự xuất hiện của mô hình GrabTaxi, GrabBike, GrabExpress tại 31 tỉnh thành khác, Grab cũng đã giúp 175.000 đối tác tài xế và các hợp tác xã vận tải có cơ hội mở rộng hoạt động, cải thiện thu nhập. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, mức tăng trưởng thu nhập hàng tháng của những người chạy Grabbike đạt mức 20%, mang lại cơ hội việc làm cho một lực lượng lao động nhàn rỗi lớn của thành phố như người thất nghiệp, sinh viên, công chức làm thêm…, giúp giảm gánh nặng cho xã hội.

Từ khi có mô hình xe công nghệ, với những khảo sát, sáng tạo riêng trên nền ứng dụng công nghệ, Grab đã giúp việc di chuyển của người dân trở nên tiện lợi dễ dàng tiết kiệm hơn, có sự minh bạch về chi phí, tiết kiệm hơn khi di chuyển bằng taxi. Di chuyển với chất lượng dịch vụ “5 sao” (theo cách chấm điểm của chính khách hàng) đã không còn là cách thức di chuyển xa xỉ đắt đỏ như trong cách nghĩ trước đây của mọi người.

Grab phổ biến tới mức, hầu như từ người già đến trẻ, từ người lớn đến bé đều biết đến Grab và ưu tiên sử dụng Grab khi di chuyển với câu cửa miệng: “Gọi Grab đi”.

Nhưng điều Grab mang lại không chỉ là một dịch vụ mới mẻ, mà nó còn là động lực khiến các taxi truyền thống buộc phải đổi mới.

Grab đổi mới không ngừng và các đối thủ cạnh tranh của nó buộc phải thay đổi theo. Các hãng xe taxi yêu cầu tài xế có thái độ phục vụ khách tốt hơn, đầu tư cho công nghệ, liên kết với nhau để chăm sóc khách hàng tốt hơn, không còn câu chuyện đồng loạt tăng giá cước như giai đoạn trước. Điều mà khi chưa có xe công nghệ, thật khó xảy ra.

Rõ ràng, Grab là cú huých để các “ông lớn” taxi truyền thống cố gắng thay đổi, nâng cấp, hoàn thiện dịch vụ lên, mang lại những giá trị đích thực cho người dùng.

Bản thân ngành vận chuyển cũng là một ngành dịch vụ, do đó, việc áp dụng xu thế 4.0 là tất yếu. Grab vào thị trường với cam kết thúc đẩy Việt Nam hướng đến cách mạng 4.0, cùng cộng sinh bằng những lợi ích của nền kinh tế chia sẻ, không khoa trương mà lẳng lặng giúp đỡ các công ty taxi nhỏ cùng sinh tồn, vực dậy và tạo cơ hội sống cho các DN taxi vừa và nhỏ, gia tăng việc làm cho những lao động nhàn rỗi mà 175.000 tài xế đối tác là con số minh chứng cụ thể nhất.

Mô hình Start-up của Grab khởi đầu với khả năng kết nối gọi xe công nghệ nay đã bắt đầu dần trở thành một siêu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày với các dịch vụ về giao nhận, cùng các lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt…, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dùng, cùng xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số.

Sự có mặt của công nghệ, ở thời đại 4.0, với sự có mặt của những công ty đi tiên phong như Grab chính là yếu tố quan trọng để đổi mới, không chỉ trong lĩnh vực vận tải.

Và xu hướng này sẽ phải trở thành tất yếu trong tất cả các lĩnh vực khác nếu Việt Nam muốn vào guồng quay để bắt kịp thế giới.

Đăng Sơn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/di-chuyen-thoi-40-va-dong-luc-doi-moi-d275669.html