Di chuyển tài sản là tang vật bị tạm giữ, tịch thu

Trước ý kiến của một số đơn vị hải quan địa phương về việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước, Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc di chuyển tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Hải quan Lạng Sơn tổ chức tiêu hủy tang vật. Ảnh: H.Nụ

Theo Tổng cục Hải quan, việc quản lý và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước được quy định cụ thể tại Nghị định 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; Thông tư 159/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 29/2014/NĐ-CP; Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, để các đơn vị hải quan địa phương thực hiện thống nhất, sau khi trao đổi với Cục Quản lý công sản- Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc chuyển giao tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu cho cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý hoặc chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị để sử dụng.

Theo đó, các loại tài sản chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý hoặc chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị để sử dụng được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 18 Nghị định 29/2014/NĐ-CP; Điều 5 và Khoản 1, Khoản 2, Điều 7 Thông tư 159/2014/TT-BTC.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định tịch thu, đơn vị của người ra quyết định tịch thu là chi cục hải quan, chi cục kiểm tra sau thông quan, cục hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan có trách nhiệm gửi quyết định tịch thu và thông báo về chủng loại, số lượng, khối lượng, hiện trạng của tài sản tịch thu cho Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, gửi về Tổng cục Hải quan để theo dõi, quản lý, phục vụ công tác thống kê khi cần.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định chuyển giao cho Bộ Tài chính, đơn vị của người ra quyết định tịch thu là chi cục hải quan, chi cục kiểm tra sau thông quan, cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan có trách nhiệm chuyển giao tài sản và toàn bộ hồ sơ liên quan đến tài sản cho cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính thực hiện chuyển giao cơ quan được tiếp nhận.

Bên cạnh đó, tiếp nhận tài sản được thành lập thành biên bản theo mẫu 02/BBCG ban hành kèm theo Thông tư 159/2014/TT-BTC. Riêng đối với mẫu vật của động vật rừng quy định tại nhóm IB của Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; mẫu vật của động vật hoang dã quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) thì thực hiện theo hướng dẫn riêng của Tổng cục Hải quan.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/di-chuyen-tai-san-la-tang-vat-bi-tam-giu-tich-thu.aspx