Di chứng dai dẳng

Mặc dù làn sóng người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu đã giảm mạnh, song vấn đề nhập cư vẫn luôn đặt các nước Liên hiệp châu Âu (EU) trước những thách thức lớn trong năm qua. Ngay thời điểm cuối năm 2018 này, chính trường nhiều nước châu Âu lại chao đảo bởi làn sóng biểu tình phản đối chính sách nhập cư.

Bình luận quốc tế

Tại Italy, cuối tuần qua hàng nghìn người dân mang áo vàng đã xuống đường ở thủ đô Rome để phản đối luật nhập cư và an ninh mới. Cuối tháng 11, QH Italy đã thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư được cho là cứng rắn, cho phép tước quyền công dân Italy của người nhập cư nếu bị buộc tội khủng bố. Sắc lệnh cũng bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo, thay thế bằng các giấy phép cư trú theo diện "bảo vệ đặc biệt" hay "thảm họa tự nhiên ở quê hương". Sắc lệnh cũng tăng cường những biện pháp bảo đảm an ninh như giám sát an ninh bằng ca-mê-ra, giải tỏa các khu nhà có người nhập cư vào ở bất hợp pháp… Trong năm 2018, tình hình người di cư vào Italy cũng đã được cải thiện khi chỉ có hơn 22.000 người di cư đến "đất nước hình chiếc ủng", giảm hơn 80% so với năm ngoái. Tuy nhiên, những người biểu tình ở Rome cho rằng, luật nhập cư mới sẽ chỉ làm gia tăng thêm số lượng người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp ở Italy, qua đó khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.

Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại Pháp và Italy về chính sách với người di cư dường như cũng đã tạo "hiệu ứng đô-mi-nô" khiến 17.000 người ở Áo xuống đường tại thủ đô Viên trong ngày 16-12. Cuộc biểu tình lớn này đã khiến nhiều tuyến phố tại trung tâm Viên tắc nghẽn. Người tham gia biểu tình ở Áo cũng phản đối chính sách di cư của chính phủ và đề nghị giảm ngày làm việc, bãi bỏ các chính sách "khắc khổ".

Việc người dân nhiều nước vẫn phản đối gay gắt chính sách với người di cư hiện hành đang đặt EU trước một loạt thách thức lớn. Trước hết, các cuộc biểu tình tại Italy và Áo cho thấy, dù lượng người di cư vào "lục địa già" đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" do làn sóng di cư gây ra vẫn còn rất nặng nề tại các quốc gia EU. Trong những năm tới, vấn đề nhập cư vẫn có nguy cơ trở thành "ngòi nổ" cho các cuộc biểu tình chống chính phủ ở châu Âu. Bên cạnh đó, chính sách với người di cư sẽ tạo nên những bất đồng trong nội bộ nhiều nước EU nói riêng và giữa các thành viên trong "mái nhà chung châu Âu". Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên vừa chính thức được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc tại Maroc với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 150 nước trên thế giới. Tuy nhiên, hồi tháng 7 vừa qua, một làn sóng phản đối hiệp ước đã bùng lên tại nhiều quốc gia châu Âu. Tám quốc gia thành viên EU cùng các nước Mỹ, Australia, Chile... đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước. Ở Pháp, đây cũng là một trong những "ngòi nổ" để phe đối lập kích động làn sóng biểu tình phản đối chính phủ những ngày qua. Tại Bỉ, vấn đề hiệp ước di cư cũng đã khiến chính trường "dậy sóng" và gây bất đồng sâu sắc trong liên minh cầm quyền. Sau đó, một loạt bộ trưởng thuộc đảng Liên minh Flemish mới đã phải từ chức, đẩy chính phủ của Thủ tướng Bỉ S.Mi-sen rơi vào thế thiểu số…

Vấn đề di cư cũng như các cuộc biểu tình nêu trên còn dẫn đến một hệ lụy không nhỏ là có thể đẩy kinh tế Italy nói riêng và kinh tế EU đến gần hơn "bờ vực tái khủng hoảng". EU đã chính thức bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy và khiến quan hệ giữa hai bên gia tăng căng thẳng. Theo kế hoạch ngân sách cho tài khóa 2019 mà chính phủ liên hiệp Italy đệ trình nhưng đã bị EC bác bỏ, nước này sẽ không hạn chế chương trình chi tiêu khổng lồ được cho sẽ làm tăng thâm hụt trong năm tới lên 2,4% GDP, so với mức mục tiêu 1,8% trong năm nay và cao gần gấp ba lần mục tiêu của chính quyền tiền nhiệm. Giới phân tích cảnh báo, với kế hoạch của Italy, các thị trường tài chính sắp tới có thể sẽ đẩy tỷ lệ lãi suất lên cao hơn, và điều này không sớm thì muộn sẽ làm leo thang cuộc khủng hoảng. Trong bối cảnh nêu trên, các cuộc biểu tình vì vấn đề người di cư đang trở thành "họa vô đơn chí" khiến các thách thức kinh tế của Italy nghiêm trọng hơn và phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế của toàn khu vực, bởi "đất nước hình chiếc ủng" là một nền kinh tế lớn của EU.

Kể từ khi làn sóng di cư bất hợp pháp vào châu Âu bùng phát đến nay, nhiều quốc gia châu Âu đã trở thành "nạn nhân" của làn sóng này theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chính trường một số nước EU liên tục chao đảo cũng vì vấn đề này. Các cuộc biểu tình ở Italy, Áo tuần qua là minh chứng cho thấy "di chứng" của cuộc khủng hoảng di cư cách đây mấy năm vẫn vô cùng nghiêm trọng. Ðiều này đặt ra yêu cầu cấp bách với các nhà lãnh đạo EU là họ phải sớm đưa ra một giải pháp chung mà các bên đều chấp nhận vấn đề gai góc này.

HÀ VIỆT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/38595802-di-chung-dai-dang.html